Cũng có người hay a dua, tâm lý bầy đàn, ăn theo nói leo, tác động tiêu cực đến môi trường thông tin, văn hóa xã hội.
Các cụ ta dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, cái gì cũng phải học, trước hết là “học ăn” sau là “học nói”. “Ăn” để sống, để làm việc nên quan trọng nhất. Vì bản chất cuộc sống là giao tiếp mà ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp cơ bản nên “nói” không chỉ góp phần cơ bản tạo nên nhân cách, là con đường hình thành nhân cách, mà còn là thước đo nhân cách. Thế nên các cụ ta lại dạy: “Học khôn đến chết, học nết đến già” thì bản chất của việc “học khôn”, “học nết” cũng là “học nói”, phải học suốt đời.
 |
Tranh minh họa: Báo Tuổi trẻ cười. |
Thành ngữ Việt có câu: “Thùng rỗng kêu to” chỉ những người hay nói, làm ít nói nhiều là kẻ rỗng tuếch, vô tích sự. Người Nga cũng có thành ngữ đại ý: Suối khe thì luôn ồn ào, sông sâu thì thường tĩnh lặng. Suối khe ồn ào vì nông cạn, nhìn thấy đáy, sông sâu tĩnh lặng vì chứa nhiều nước. Ý của câu này chê bai những kẻ ít tri thức, kém hiểu biết lại hay “ồn ào”, còn những người chịu khó học hành thu lượm tri thức nên thường ít lời. Điều này là nguyên lý có cơ sở khoa học. Là vì ít học, phải “thể hiện” người có học nên thường nói nhiều, nói những điều cao siêu, lộng ngôn, ngoa ngôn để che giấu đi cái kém cỏi. Thế nên càng nói càng “lòi” ra cái dốt, theo kiểu dốt hay nói chữ, ngu hay nói càn. Còn đối với người khôn, lịch lãm, sâu sắc thường ẩn mình, giấu mình để khiêm tốn học tập.
Có người hỏi một nhà bác học biết nhiều và giỏi giang thế sao ông lại có phần ít nói, rụt rè. Nhà bác học bèn lấy cây bút và tờ giấy trắng vẽ một vòng tròn rồi nói, cái tôi biết trong vòng tròn này còn cái tôi chưa biết ở ngoài vòng tròn, càng tiếp xúc học hỏi nhiều thì cái vòng tròn mở rộng ra nên tôi càng thấy mình còn kém cỏi vì cái mình chưa biết thật mênh mông, vô tận. Soi câu chuyện này vào những người hay khoe mẽ càng thấy họ ngược lại. Đúng là “Ếch nhìn đáy giếng”!
Nhưng khoe khoang có thể mới chỉ ở mức vô hại. Ít học mà lại hay lên mặt dạy đời thì còn lố bịch và đã ở mức nguy hiểm. Vì nó làm nhiễu sự thật, làm cho một ít người nhẹ dạ nghe theo hoặc nửa tin nửa ngờ, nhất là trong thời buổi mạng xã hội đang phổ biến mạnh mẽ, rộng khắp. Ấy là có nhiều kẻ, như lời các cụ xưa mỉa là “ngồi lê đôi mách”, tức những kẻ “ăn không ngồi rồi” hay hóng chuyện vặt người này “thổi” to lên rồi mách cho người khác. Thời nay thì không cần “ngồi lê”, chỉ cần ngồi một chỗ, vào mạng xã hội là có thể “đôi mách”, tức “bình luận”, thậm chí “bình loạn”. Nhưng quy luật của sự “thể hiện” thì vẫn vậy, càng ít hiểu biết càng muốn “thể hiện” biết nhiều nên “bình luận” theo kiểu lấy được cho thỏa mãn cái đầu óc nông cạn, cái tâm hẹp hòi. Nhiều lời không hay, giả dối, bôi nhọ, thậm chí độc ác góp lại với nhau, lại thêm có kẻ a dua, lợi dụng, kích động, vấn đề sẽ bị thổi phồng, xuyên tạc. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, chúng sẽ là những mồi lửa nguy hiểm có thể đốt cháy sự thật, hoặc ít ra là tạo đám khói độc che giấu, đánh lừa bản chất của sự thật!
Hình như ông La Phông-ten, nhà ngụ ngôn người Pháp đã biết điều ấy từ lâu nên sáng tạo ra câu chuyện “Con ếch và con bò”. Muốn to như con bò mà thấy mình bé bỏng quá, con ếch bèn cố phình bụng, cố mãi, cố mãi nên bụng nổ tung. Chẳng được thành bò mà ếch ta chết thảm hại. Để thoát kiếp “ếch” đáng thương như vậy, những kẻ hay thích “bình loạn” rất nên suy ngẫm thật kỹ về chuyện này. “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, thật chí lý thay!
NGUYÊN THANH