Trong những năm gần đây, sự vào cuộc của đội ngũ làm phim 8X với góc tiếp cận, cách kể chuyện mới mẻ đã cho thấy lấp lánh tín hiệu trở lại của dòng phim này, dù còn ít ỏi. Nhân dịp 69 năm Ngày truyền thống ngành điện ảnh Việt Nam (15-3-1953 / 15-3-2022), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Trung tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền, Phó giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân về khát vọng làm những bộ phim mới, hay về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.
 |
Trung tá, đạo diễn Đặng Thái Huyền. |
Sẵn sàng dấn thân cho dòng phim cách mạng
Phóng viên (PV): Từ vị trí chủ lưu, phim khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính thời gian gần đây dường như đang mất dần vị thế. Nếu có sản xuất chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền trong dịp kỷ niệm chứ chưa đạt tới dấu ấn hoặc được công chúng yêu thích. Chị có ý kiến gì về vấn đề này?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Phim về đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính hấp dẫn đặt ra rất nhiều yêu cầu, sứ mệnh đặt lên kịch bản khiến các biên kịch-kể cả những người có thâm niên trong nghề-đều ngại ngần khi cầm bút.
Kịch bản hay còn thiếu, đồng thời kinh phí cho dòng phim này lại rất cao. Cũng vì kinh phí tốn kém mà trên thế giới các hãng phim lớn vài năm cũng mới giới thiệu một dự án. Khi ra rạp, lợi nhuận thu về cao nhưng so với kinh phí lớn bỏ ra lại không hấp dẫn bằng việc họ đầu tư vào các dòng phim khác. Trong khi mức bảo hiểm thân thể cho ê-kíp đoàn phim và thiết bị quay lại cao vì độ rủi ro nhiều hơn. Đấy là chưa nói, phim chiến tranh ở Việt Nam cũng là một nhánh của dòng phim lịch sử. Khán giả đã quen với những khái niệm, những tư duy được học, được biết, làm khác đi hoặc sáng tạo thêm rất mạo hiểm vì hiệu ứng, phản ứng ngược từ đám đông. Vậy nên các nhà làm phim, đặc biệt là nhà làm phim trẻ thường chọn những dự án vừa sức, an toàn, dễ tiếp cận thị hiếu khán giả hơn.
PV: Được biết chị là thành viên của Hội đồng duyệt phim ngắn quốc gia, là nữ đạo diễn duy nhất của quân đội được mời tham gia Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, vậy chị nhìn nhận gì về trào lưu và cách sáng tạo nghệ thuật hiện nay của các nhà làm phim trẻ? Chị nghĩ dòng phim cách mạng có được các bạn trẻ quan tâm?
 |
Phim "Hoa hồng giấy" do đạo diễn Đặng Thái Huyền thực hiện, kể câu chuyện về người lính thời bình sắp ra mắt khán giả. |
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Là thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia, tôi được xem rất nhiều phim của đồng nghiệp các hãng và những nhà làm phim độc lập ở nhiều lứa tuổi, nhiều mảng đề tài. Tôi đánh giá rất cao sự say mê, tìm tòi, sáng tạo của các nhà làm phim. Có nhiều đề tài tưởng đã cũ nhưng họ lại làm với một diện mạo rất mới, cách kể lôi cuốn, tôn trọng yếu tố lịch sử, thời sự nhưng có cá tính riêng. Có những đề tài mà khi xem tôi biết có đạo diễn đã chấp nhận hy sinh không chỉ công sức mà có lẽ cả máu của mình trong những tác phẩm. Tôi tin tưởng rằng đây chính là những nhà làm phim dồi dào và tràn đầy năng lực, nhiệt huyết của điện ảnh nước nhà. Họ sẽ tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.
Thực tế, dòng phim chiến tranh cách mạng và người lính luôn thu hút thế hệ trẻ. Qua các cuộc tọa đàm, giao lưu với sinh viên tại các trường đào tạo điện ảnh, tôi luôn nhận được những câu hỏi cũng như ý kiến mong muốn được tham gia đoàn làm phim về đề tài này, hoặc có bạn kể giấc mơ sẽ làm một bộ phim về hình tượng người lính. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào bởi cá nhân tôi luôn tâm huyết với dòng phim này. Ngay từ khi học trong trường, tôi đã được các thầy giáo, đều là những nhà làm phim gạo cội về chiến tranh cách mạng và người lính, truyền cảm hứng. Thế hệ chúng tôi công tác tại Điện ảnh Quân đội đang được chuyển giao cho sứ mệnh phải luôn sẵn sàng dấn thân, sáng tạo nhiều hơn nữa những thước phim, tác phẩm điện ảnh làm “sống” lại những câu chuyện của lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.
PV: Theo chị, để có một bộ phim hay, chất lượng về đề tài chiến tranh và người lính, các nhà làm phim cần những gì?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Có tác phẩm điện ảnh hay về đề tài chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính, nhất là người lính thời bình luôn là mong mỏi của những người làm phim. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta còn thiếu những kịch bản sắc nét, đa dạng về đề tài này. Bởi vậy, tôi cho rằng cần tổ chức nhiều cuộc thi viết kịch bản, trại sáng tác thực tế cho tác giả để tìm kiếm, sàng lọc kịch bản có chất lượng tốt về đề tài chiến tranh, người lính. Cần thiết nữa là sự thay đổi tâm lý của chính những người làm phim, nếu lúc nào cũng là “khó làm” để rồi không dám thử sức thì không thể tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho sự phát triển của dòng phim này.
Làm phim, chúng ta không thể lấy lý do “phục vụ mục đích tuyên truyền” để biện minh cho việc làm cho xong, cốt để có sản phẩm báo cáo rồi mang “cất kho”, đến dịp lễ lạt, kỷ niệm mới mang ra chiếu và coi đó là đang tuyên truyền. Đã là mục đích tuyên truyền thì phải làm sao để tác phẩm khiến người xem xúc động, nhớ đến, có những cảm nhận sâu sắc về bối cảnh, số phận nhân vật, câu chuyện... từ đó có những suy nghĩ, nhận thức mới. Có như vậy, mục đích tuyên truyền mới đạt hiệu quả cao.
Tín hiệu mới về làm phim đề tài chiến tranh cách mạng
PV: Có thể nói, thị trường điện ảnh luôn có sự phát triển không ngừng, phim Việt phần nào lấy lại thị phần ngoài rạp chiếu. Chị đánh giá thế nào về sự nỗ lực của các nhà làm phim hiện nay?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Tôi nhìn nhận ở hai khía cạnh: Sự nỗ lực và đổi mới tư duy làm phim. Những thế hệ đạo diễn đang nối tiếp nhau và không ngừng cho ra đời các tác phẩm có dấu ấn riêng, có tư duy nghệ thuật nhạy bén và cập nhật xu thế làm phim của thế giới. Điều tôi quan tâm hơn là có những phim khi công chiếu rộng rãi hoặc là chiếu trong phạm vi hẹp là học tập, nghiên cứu có thể gây xôn xao, tranh cãi trong dư luận và trong chính giới nghề. Đó là tín hiệu đáng mừng vì nó chứng tỏ phim ảnh đang sống, đang được quan tâm, hệt như giá vàng, giá xăng đang tăng giảm hằng ngày bao nhiêu ấy. Và hơn nữa, nó cho thấy một thế hệ làm phim có cá tính muốn bước ra khỏi những khuôn khổ, ranh giới để khẳng định mình, đi lên và đa dạng hóa tiếng nói, ngôn ngữ điện ảnh trong tương lai của nước nhà.
PV: Khi thị trường điện ảnh đang cạnh tranh ngoài rạp bởi những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, chủ yếu phản ánh đời sống đương đại. Thì làm phim đề tài chiến tranh và người lính ở thời điểm hiện nay là mạo hiểm vì không còn phù hợp với thị hiếu khán giả?
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Những bộ phim đa dạng đề tài phản ánh con người, xã hội, đạt doanh thu cả trăm tỷ đồng là tín hiệu khởi sắc đúng với định hướng phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, phim về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn có giá trị và sức hút riêng. Khán giả là đối tượng phục vụ của điện ảnh, nhưng khán giả cũng đồng thời là đối tượng để điện ảnh thực hiện trách nhiệm giáo dục và định hướng thẩm mỹ. Nếu một bộ phim về đề tài này chuẩn mực và hấp dẫn, đương nhiên sẽ đến được với khán giả mà không bị rào cản “thị hiếu” gây ách tắc.
Có những tín hiệu đáng mừng, tôi được biết đang có một số nhà sản xuất lên kế hoạch đặt hàng sáng tác, sản xuất phim truyền hình, phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Một số đạo diễn quốc tế cũng đang có dự án hợp tác với các nhà văn, nhà biên kịch Việt Nam chuyển thể tác phẩm văn học sang kịch bản phim. Cá nhân tôi cũng đang ấp ủ thực hiện một bộ phim đề tài hậu chiến, tác phẩm văn học tôi đã mua bản quyền và chuyển thể kịch bản, tới đây sẽ mời nhà đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, Điện ảnh Quân đội cũng đang nhận những lời mời hợp tác sản xuất các dự án phim để công chiếu rộng rãi trên truyền hình phục vụ đông đảo công chúng.
PV: Trân trọng cảm ơn đạo diễn!
VƯƠNG HÀ (thực hiện)