Trong gần 30 năm hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, tôi đã được nghiên cứu, làm việc với một số quỹ của các quốc gia, quỹ quốc tế. Đó là Quỹ Di sản văn hóa Anh; Quỹ SIDA của Thụy Điển; Quỹ Ford, Quỹ Rockerfeller, Quỹ Đại sứ của Mỹ; Quỹ Di sản văn hóa Hàn Quốc; Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO,...
Trên kinh nghiệm đó, năm 2015-2016, khi tham gia đề án “Khảo sát, đánh giá và đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội”, chúng tôi đã nêu ra vấn đề thành lập quỹ phát triển văn hóa cơ sở như sau:
Hầu hết các nước trên thế giới đều dựa vào xây dựng hệ thống các quỹ khác nhau từ xã hội để hỗ trợ và phát triển các hoạt động văn hóa. Hiện nay ở nước ta chưa hình thành các quỹ quan tâm đến việc khuyến khích các hoạt động văn hóa và văn hóa cơ sở.
Cần đề xuất chính sách phát triển các quỹ này để thu hút nguồn tài lực của xã hội hơn là vận động xã hội hóa theo kiểu nhỏ lẻ, cá nhân như đang làm hiện nay. Các quỹ có thể thành lập ở cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện. Ban đầu nhà nước đầu tư cho quỹ (theo cấp quản lý).
Việc xã hội hóa các hoạt động của nhà văn hóa cơ sở dần dần sẽ chủ yếu dựa vào hoạt động của các quỹ này. Những người lãnh đạo quỹ sẽ hình thành và nâng cao số vốn của quỹ nhờ xã hội hóa, để từ đó cung cấp kinh phí hoạt động cho các nhà văn hóa theo các chương trình, dự án cụ thể.
 |
Khuê Văn Các, Văn Miếu Quốc Tử Giám - một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô. |
Để các quỹ này hoạt động đúng hướng và có hiệu quả, cần phải tổ chức các Hội đồng quản trị quỹ khách quan để quản lý và giám sát hoạt động của các quỹ. Hội đồng đó bao gồm các nhà quản lý, nhà văn hóa, nhà khoa học có uy tín, đại diện các doanh nghiệp...
Cơ chế hoạt động của quỹ có thể là: Xây dựng định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của quỹ, khuyến khích cơ sở đề xuất các dự án hoạt động của thiết chế văn hóa theo định hướng hằng năm hoặc 5 năm; quỹ lựa, tuyển chọn, xét duyệt các chương trình, dự án thiết thực, theo cơ chế cạnh tranh, tốt nhất thông qua một Hội đồng xét duyệt; việc thực hiện các dự án được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của hội đồng quỹ.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô cần quan tâm tới Quỹ Bảo tồn, phát triển văn hóa. Phương châm hoạt động là “bình đẳng, đa dạng và bao trùm”. “Bình đẳng” ở đây trước hết nói đến việc tạo cơ hội, thông tin công khai, thuận lợi để mọi người có thể tiếp cận với quỹ; bình đẳng ở việc xem xét đánh giá các đề xuất và nghiệm thu kết quả.
“Bao trùm” nghĩa là cần quan tâm đến mọi khía cạnh của văn hóa, nhất là những dự án văn hóa hướng tới các vấn đề như giới, dân tộc thiểu số, những người yếu thế trong xã hội như người tàn tật, người nhập cư, người nghèo lang thang cơ nhỡ...
“Đa dạng” được hiểu là các loại dự án khác nhau có liên quan đến văn hóa sẽ được đề cử xin tiền quỹ để thực hiện; đa dạng còn là bảo vệ tổng thể từ di tích, di sản văn hóa vật thể đến di sản thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, thậm chí là cả di sản tư liệu (một loại hình được tích hợp với các di sản khác).
Đa dạng còn thể hiện ở mức độ đầu tư, số lần đầu tư và cả các hoạt động phong phú khác nhằm tạo ra nguồn lực bền vững cho di sản. Đó là giáo dục di sản, là nâng cao năng lực cộng đồng hoặc quảng bá, truyền thông, tư liệu hóa...
Ví dụ tham khảo: Sau 25 năm hoạt động (từ 1994 đến 2019), Quỹ Di sản văn hóa Anh đầu tư 8,3 tỷ bảng Anh cho 49.000 dự án trên toàn nước Anh. Trong đó 3 tỷ bảng cho 10.000 dự án di tích, khu vực, công trình, tượng đài; 2,2 tỷ bảng cho 5.600 dự án về bảo tàng, thư viện, lưu trữ và các sưu tập; 1,8 tỷ bảng cho 4.200 dự án về khu bảo tồn thiên nhiên, sinh thái; 590 triệu bảng cho 1.400 dự án về công nghiệp, giao thông, biển liên quan đến di sản; 500 triệu bảng cho 26.700 dự án di sản văn hóa của cộng đồng....
Hiệu quả của các dự án tập trung vào 3 mục tiêu: Di sản được bảo vệ tốt hơn; di sản được nhận diện và diễn giải/giới thiệu tốt hơn; con người được hiểu biết/học hỏi từ di sản, được định hướng để thay đổi nhận thức và hành động.
Tiêu chí để nhận được tài trợ là: Nhiều người tham gia vào hoạt động di sản; đối tượng được đầu tư nhanh chóng được phục hồi; con người ứng xử tốt hơn, phát triển kỹ năng hơn; các địa phương được đầu tư trở thành nơi có điều kiện tốt để sống, làm việc hoặc du lịch; kinh tế của địa phương được thúc đẩy và phát triển...
Tính minh bạch là tiêu chuẩn đầu tiên của các quỹ. Tất cả các thông tin đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là được cập nhật trên website. Các dự án được nhận tài trợ, kết quả thực hiện và những đánh giá cũng được công khai. Những kinh nghiệm tốt cũng được chỉ ra và chia sẻ để mọi người cùng thảo luận, học hỏi.
Việc xây dựng một tổ chức quỹ cho các hoạt động nghề nghiệp là một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu và liên ngành. Một số quỹ di sản trên thế giới đã có tới hơn 40 năm hoạt động bền bỉ.
Các quỹ này mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Tin tưởng rằng, Quỹ Bảo tồn và Phát triển văn hóa Thủ đô sớm ra đời và thực hiện được sứ mệnh: Tạo cảm hứng, hướng dẫn và sử dụng nguồn tài nguyên di sản để con người, cộng đồng chúng ta được thay đổi một cách tích cực, sáng tạo và phát triển bền vững.
Tiến sĩ LÊ THỊ MINH LÝ - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam