Là những tư liệu, hình ảnh mới, quý hiếm qua góc nhìn của những nhà báo, chính khách nổi tiếng thế giới về Đồng chí Hồ Chí Minh, bình dị và khiêm nhường (Roman Karmen) và Chủ tịch Hồ Chí Minh-Những điều tôi cảm nhận (Wilfred Burchett)...
Chủ tịch Hồ Chí Minh, như bạn bè quốc tế thường nói, là một trong số rất ít lãnh tụ, vĩ nhân trên thế giới đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Huyền thoại Hồ Chí Minh (GS, TS Hoàng Chí Bảo) được nhớ tới từ Chuyện nhỏ, đức lớn (Trần Hoàng-Phạm Thủy) đến di sản Người để lại cho Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới (Di sản Hồ Chí Minh trong hành trình đi tới tương lai (Hoàng Tiến - Song Thanh) để tất cả cùng Học Bác chớ nên “ham chuộng hình thức” (Hoàng Tiến).
Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã “tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng” của nhiều nhân vật lịch sử, để rồi từ đó họ trở thành học trò, người cộng sự xuất sắc của Người. Đó là Phùng Chí Kiên-người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Bằng những nghiên cứu của mình, tác giả Trần Vĩnh Thành đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin mới, ý nghĩa về một nhà quân sự tài năng, học trò xuất sắc của Bác Hồ. Rất tiếc, trong một lần bị địch phục kích, Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh. Sau ông, người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn là Anh cả của Quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại khá chi tiết lần Gặp Bác bên bờ Thúy Hồ. Ngay từ phút đầu, ông cảm thấy như đã được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu bởi sự trong sáng, giản dị toát lên từ Người.
“Con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị”, Hồ Chí Minh đã dành tình yêu thương và lòng nhân ái vượt qua mọi giới hạn để trở thành một phẩm chất đạo đức cao đẹp. Tình thương yêu của Bác (Trần Hiệp) luôn rộng mở, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Đọc Sự kiện và Nhân chứng số này, độc giả sẽ gặp những câu chuyện cảm động được chia sẻ bởi chính những người trong cuộc, để một lần nữa sống lại những ngày tháng có Bác ở bên. Đó là Theo tấm gương nhà báo Hồ Chí Minh (Nguyễn Sĩ Đại) qua câu chuyện Bác Hồ và bài báo Ba lần "đuổi kịp trung nông” của nhà báo Hà Đăng. Gần 60 năm đã qua nhưng ông vẫn nhớ mãi việc Bác đã đọc bài báo của mình rồi trực tiếp “ra tay” gây dựng những phong trào thi đua mới. Hay là kỷ niệm Những ngày được Bác dạy dỗ, thương yêu từ khi còn là cậu bé 8 tuổi cho đến khi đã là người lính chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu. Cũng có thể là câu chuyện của một người Việt Nam bình thường, bất ngờ được gặp Bác và đón nhận tình yêu thương của Người như: Buổi tối đặc biệt (Nguyễn Bội Giong); Bài văn điểm cao từ lần được đón Bác (Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu); Đưa lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước (Kiều Mai Sơn); Kỷ niệm “có một không hai” (Phạm Xưởng); “Người sống mãi trong trái tim tôi” (Duy Tiên); Những ký ức không quên (La Duy); Ngày Bác đến thăm trường (Nguyễn Đăng Doanh); Nắm rau xanh trong chiếc ủng Bác Hồ (Bích Trang); Gặp Bác trước thềm xuân (Song Thanh); Bác dặn: Đừng để bộ đội thiếu thốn! (Võ Đông); Niềm vui mang tên mới (Hoàng Trung); Được Bác Hồ đặt tên (Ngọc Mai); Một lần gặp Bác (Đinh Đăng Minh); Bác đến (Đinh Khôi Sỹ); Bác Hồ với triển lãm công binh (Duy Thủy); Bác mang hơi ấm xuân về (Vũ Duy); Trang hồi ký có hình bóng Bác (Hồng Vân); Quế Trà My và thư từ Nam Giang (Lê Năng Đông); Hơn cả niềm vinh dự, tự hào (Bảo Linh); Một lần được hát cho Bác Hồ nghe (Chí Phan)...
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh cũng là một hình tượng sáng tác bất tận trong văn học nghệ thuật. Nhà thơ Thu Bồn và bài thơ về Bác Hồ (Lê Văn Vọng) hay “Sáng tháng Năm” và hình tượng Bác Hồ trong thơ Tố Hữu (Ngô Vĩnh Bình) là những bài viết kể lại bối cảnh sáng tác cũng như cảm xúc đặc biệt của các nhà thơ khi viết về Bác Hồ sẽ được giới thiệu chi tiết trong ấn phẩm số này. Cùng với đó, trang thơ với các tác phẩm của nhiều nhà thơ nổi tiếng sẽ đưa bạn đọc đến với những cung bậc cảm xúc mới, nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng không kém phần da diết, nhớ thương, với: Cánh chim không mỏi (Tố Hữu); Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi (Chế Lan Viên); Cháu về thăm lán Nà Lừa (Vương Trọng); Người đi suốt nhân dân (Nguyễn Hữu Quý); Bác vĩnh hằng như thế giữa nhân dân (Nguyễn Sĩ Đại).
Thế giới nhớ về Người! (Trang Duy) với tình cảm của Những người nước ngoài kính yêu Bác (Thu Thủy) cho dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bác từ giã cõi trần. Chính vì vậy, nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng tháng 5-2020 còn đăng tải nhiều câu chuyện xúc động của những người làm công tác đặc biệt Để muôn đời sau vẫn được ngắm Bác Hồ (Phạm Thu Thủy) và thấy Mãi còn hơi ấm của Người (Yến Long)...
Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số 317 phát hành trên toàn quốc từ ngày 10-5-2020, giá: 9.700 đồng. Bạn đọc muốn đặt mua, liên hệ: Phòng Phát hành và Truyền thông, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, điện thoại: (024) 37473757; (069) 554287.