Cách đây hơn 10 năm, khi còn công tác ở Trường Sa, trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi thường dành thời gian để đọc sách, báo. Ở đây, sách, báo là món ăn tinh thần không thể thiếu và là tài sản quý giá của đơn vị. 

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân trong phòng đọc sách. 

Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, sách, báo ở đảo luôn được bảo quản và bố trí khoa học, cẩn thận để người đọc dễ dàng lựa chọn. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, những tờ báo, quyển sách xuất bản đã lâu ngày nhưng luôn được giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Những cán bộ, chiến sĩ mượn sách, báo đều được nhân viên thống kê rõ tên, đơn vị, ngày mượn, số lượng, tên sách... Để sách xoay vòng liên tục phục vụ cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy đơn vị yêu cầu người đọc phải có kế hoạch trả lại ngay sau khi đã đọc xong. Nếu ai cố tình “găm” sách sẽ bị phê bình, nhắc nhở.

Mới đây, chúng tôi đi công tác Trường Sa và được chứng kiến nhiều đổi thay trong đời sống tinh thần của bộ đội trên đảo. Được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong đất liền nên sách, báo và các ấn phẩm văn hóa khác ở đảo tương đối đa dạng, phong phú. Các đơn vị đều có tủ, kệ để đựng sách. Cán bộ, chiến sĩ ở đảo vẫn giữ niềm say mê đọc, đây chính là món ăn tinh thần vô giá để đơn vị làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng.

Trái ngược với văn hóa đọc của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực tế trong đời sống xã hội tình trạng thờ ơ với sách, báo của một bộ phận người dân và giới trẻ đang diễn ra khá phổ biến. Hiện tượng dễ dàng nhìn thấy là sách, báo để lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị. Số người dành thời gian đến phòng đọc ngày càng ít đi. Số người dành thời gian đọc sách giảm dần. Có những gia đình có giá sách đồ sộ nhưng lại thiếu những cuốn sách kinh điển, những cuốn sách hay đã được độc giả trong và ngoài nước ghi nhận. Điều lo ngại là, văn hóa đọc sách mai một trong một bộ phận học sinh, sinh viên có một phần nguyên nhân từ các thông tin giật gân, câu khách trên mạng Internet.

Sinh thời Lê-nin từng nói: Không có sách thì không có tri thức; không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cho rằng: 'Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Điều ấy có nghĩa là, phải tích cực học tập thì mới không dốt. Để đạt được tầm hiểu biết uyên thâm, Hồ Chủ tịch đã không ngừng tự học tập và đọc các loại sách, báo. Năm 1961, khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, Hồ Chủ tịch tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với Hồ Chủ tịch, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn trong mấy câu: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét về Bác: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Văn hóa đọc nhạt dần trong xã hội là điều rất đáng lo ngại. Bởi đây là biểu hiện dẫn đến sự yếu kém về nhận thức, tư tưởng và hành động của con người, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ngày nay, việc kiểm soát, sàng lọc để xuất bản những cuốn sách hay, mang giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cao; việc chống hiện tượng xuất bản lậu của cơ quan chức năng và việc xây dựng một xã hội học tập tích cực cùng với phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc đều là những nhiệm vụ quan trọng.

Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, là thú tiêu khiển tao nhã mà nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Do vậy, tự mỗi người trong xã hội cần cân đối thời gian lao động, học tập và giải trí... dành thời gian đọc sách để nâng cao tri thức và bồi dưỡng tâm hồn

Bài và ảnh: TUẤN CƯƠNG