QĐND - Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-năm 2015 vừa diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên. Đây là một trong những hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo cơ hội để du khách trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 Nghệ nhân sáng tạo tác phẩm tại Hội thi Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tháng 3-2015

Tham gia hội thi có 37 nghệ nhân đến từ nhiều buôn, làng của các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum. Với chủ đề “Văn hóa Tây Nguyên”, dựa trên nguyên liệu gỗ do ban tổ chức chuẩn bị, các nghệ nhân tham gia hội thi đã sáng tác được hàng chục tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm tập trung phản ánh về hình tượng con người Tây Nguyên trong đời sống thường ngày; về thế giới tự nhiên, thú rừng, chim muông; nhóm tượng trang trí trong nhà sàn, nhà rông, bến nước, biểu tượng trang trí trên nóc nhà sàn, nhà mồ, nóc nhà rông, tường rào, cổng vào buôn và các tác phẩm điêu khắc dân gian hiện đại khác.

Đánh giá về kết quả hội thi, bà Mai Hoan Niê Kđăm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần trước cũng đã tổ chức Hội trại tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên. Song, có thể nói Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên lần này đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới bàn tay tài hoa, cùng trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân đã có 50 tác phẩm hoàn thành. Thành công của hội thi còn thể hiện ở chỗ, trong thời gian sáng tác, trưng bày đã có hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Qua đó, giới thiệu cho nhân dân và du khách hiểu hơn những giá trị văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

 Tác phẩm “Mẹ ôm con” của nghệ nhân Ksơr H’nao đoạt giải Nhất hội thi

Đồng chí Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc, thành viên Ban giám khảo nhận định: "Hội thi lần này mang đậm nét văn hóa dân gian Tây Nguyên, thể hiện từ hình tượng tác phẩm, đến thủ pháp nghệ thuật. Các nghệ nhân thuộc các dân tộc khác nhau đã chọn những hình tượng tác phẩm mang tính đặc trưng, kế thừa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Chẳng hạn, tượng gỗ dân gian của dân tộc ở bắc Tây Nguyên như Gia Rai, Ba Na thường tạc tượng người nhiều hơn. Trong khi dân tộc ở nam Tây Nguyên như Ê Đê lại thiên về tạc tượng chim, thú và vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, như rùa, kỳ đà, khỉ, chim, ché, nồi đồng, cối giã gạo...”. Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho tác phẩm “Mẹ ôm con” của Nghệ nhân Ksơr H’nao, Phòng Văn hóa -Thông tin TP Plei-cu (Gia Lai); 2 giải nhì được trao cho hai nghệ nhân: Y Ser Bkrông, buôn Tăng Ju, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) với tác phẩm “Đôi chân trần” và nghệ nhân A’Hương xã Đắc Trăm, huyện Đắc Tô (Kon Tum) với tác phẩm “Ông Già”; 3 giải ba được trao cho Nghệ nhân Đinh Jrang, làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) với tác phẩm “Múa trống nhà mồ”; Nghệ nhân Lý Văn Phương, thôn 16, xã Cư Kbông, huyện Ea Kar (Đắc Lắc) với tác phẩm “Cha con lên rẫy”; Nghệ nhân Trương Đức Quang, thôn 8, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắc Lắc) với tác phẩm “Trai làng”. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 5 giải khuyến khích và 1 giải cho nghệ nhân cao tuổi nhất.

Nghệ nhân Ksơr H’nao, người đoạt giải nhất, tâm sự: “Tác phẩm "Mẹ ôm con" mang ý nghĩa về tình mẫu tử thiêng liêng người mẹ dành cho con. Điều này không có gì xa lạ, mà hằng ngày, hằng giờ luôn hiện hữu trong cuộc sống của con người. Qua tác phẩm, một lần nữa tôi muốn tôn vinh, trân trọng hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Tây Nguyên nói riêng. Nét mặt của người mẹ trong tượng với nụ cười hiền hậu, mãn nguyện muốn nói lên niềm hạnh phúc vô bờ khi mẹ ở bên con, mẹ ôm con vào lòng, con chính là niềm yêu thương vô bờ bến của mẹ”. Nghệ nhân Lý Văn Phương, chủ nhân của tác phẩm “Cha con lên rẫy” đoạt giải ba, cho biết: “Từ năm 16 tuổi, tôi đã tiếp xúc với nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, khi tham gia lớp học tạc tượng tại Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc tỉnh Đắc Lắc. Sau này, tạc tượng dân gian trở thành niềm đam mê. Mỗi khi trí tưởng tượng hình dung ra một tác phẩm nào đó, tôi liền tìm nguyên liệu gỗ và miệt mài sáng tạo. Đây là lần đầu tôi tham gia hội thi có quy mô lớn. Việc đoạt giải đã thôi thúc tôi tiếp tục con đường sáng tác nghệ thuật dân gian Tây Nguyên”.

Trước đây, tượng gỗ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu sử dụng trong trang trí nhà mồ (hay còn gọi là tượng nhà mồ), nhằm tái hiện những tính cách đặc trưng nhất của người đã khuất, thể hiện tình cảm thương yêu của những người thân trong gia đình với người đã mất. Tượng được tạc thô, mộc, bằng những cây gỗ thường, với quan niệm rằng sau thời gian 3 năm (thời điểm bỏ mả) tượng mục nát sẽ về thế giới bên kia cùng người dưới mộ. Sau này, do tác động của văn hóa hiện đại, tạc tượng dân gian Tây Nguyên có thêm các nhóm tượng trang trí trong nhà, trên bàn thờ. Dụng cụ, thao tác tạc tượng cũng có nhiều nét mới, ngoài rìu, đục, cưa, còn có thêm những công cụ hiện đại như cưa máy, máy mài, máy bào điện, máy đánh bóng... Vì vậy, nhiều tác phẩm tượng tạc ra không còn xù xì, gồ ghề, lồi lõm như trước, mà láng bóng như được làm bằng thạch cao, đúc đồng hoặc đá.

Đồng chí Y Kô Niê cho rằng, việc đưa công cụ hiện đại vào tạc tượng dân gian Tây Nguyên làm mất “tính dân gian”, khiến cho tác phẩm không có hồn của tượng gỗ Tây Nguyên. Tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, các tác phẩm được sáng tạo thủ công, giữ được nét gồ ghề, xù xì, lồi lõm, mang đậm chất dân gian đã được tôn vinh, trao giải xứng đáng.

Bây giờ, ở Tây Nguyên còn rất ít địa phương gìn giữ được văn hóa tượng nhà mồ. Vì vậy, Hội thi tạc tượng gỗ mà tỉnh Đắc Lắc vừa tổ chức đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều hoạt động tương tự, để nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được lưu truyền cho mai sau.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - ĐẶNG THẢO