Theo quan niệm của đồng bào Dao đỏ, lễ hội nhảy lửa được tổ chức để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh, cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật.
 |
Trước lễ nhảy lửa người Dao đỏ sẽ có một số hoạt động nghệ thuật như ca hát nhảy múa. |
Để chuẩn bị cho lễ hội, người đứng đầu gia đình đã cho con cháu chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho các hoạt động nghi lễ và ăn uống. Trong phần nghi lễ của người Dao đỏ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến... Tất cả các sản phẩm được trưng bày trên một bàn gỗ dài. Một hoặc nhiều thầy cúng có thể tham dự buổi lễ. Mỗi người có những nhiệm vụ riêng của mình trong suốt quá trình buổi biểu diễn, bao gồm nhiều giai đoạn và kéo dài hàng giờ.
Ông Sìn Văn Phong, một thầy cúng của cộng đồng người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may, cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận, gió hòa, muôn nhà khỏe mạnh và xua đuổi tà ma.
 |
Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Một đống than củi to được soạn sẵn, phải là loại than hồng, đang bùng cháy ở giai đoạn rực rỡ nhất. |
Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Một đống than củi to được soạn sẵn, phải là loại than hồng, đang bùng cháy ở giai đoạn rực rỡ nhất. Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng bắt đầu làm nghi lễ. Khi thầy cúng gõ đàn và làm nghi lễ, những thanh niên tham gia nhảy lửa sẽ ngồi quanh thầy cúng và đây cũng chính là thời điểm quyết định những thanh niên này có tham gia nhảy lửa được hay không. Khi thầy cúng bắt đầu đọc tên của tất cả những người tham gia nhảy lửa (tên đặc biệt để giới thiệu những người đàn ông với các vị thần, không phải tên thật), cơ thể những người tham gia nhảy lửa rung lên, thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh và sự dũng cảm của thần linh ban cho để có thể nhảy vào những đám lửa đang độ nóng nhất. Lúc này, những chàng trai được chọn sẽ nhảy lò cò trước bàn thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực. Những chàng trai người Dao đỏ như đang trong cơn mê say, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi. Không chỉ nhảy, họ còn dùng tay hất tung đống than củi ra tứ hướng. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường.
 |
|
 |
Những chàng trai người Dao đỏ như đang trong cơn mê say, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống than lửa mà không hề có cảm giác rát bỏng hay sợ hãi. |
"Trước khi tham gia buổi lễ, đàn ông phải giữ cho cơ thể sạch sẽ và không có chất hóa học. Họ nên ở xa phụ nữ trong ba ngày trước khi tham dự lễ thánh, nếu không sẽ bị bỏng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người”, ông Phong cho biết thêm.
 |
Những chàng trai sau khi nhảy lửa xong trở về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường. |
Anh Phàn Dào Chòi, 27 tuổi, một chàng trai được chọn tham gia nhảy lửa cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lễ hội, tôi cảm thấy rất háo hức và vui mừng vì đây là một nghi lễ có giá trị của tổ tiên và không phải ai cũng có thể tham gia vào buổi biểu diễn, ngay cả khi họ mạnh mẽ. Khi nhảy vào lửa, tôi không hề bị bỏng và rát, như thể tôi đã say rượu rất nhiều nhưng vẫn ý thức được những điều xảy ra xung quanh.
"Lần đầu tiên tôi được xem nhảy lửa", ông Owen Hicks, du khách người Australia chia sẻ: "Tôi thấy những người đàn ông này rất dũng cảm và tôi cũng muốn được hòa mình vào điệu nhảy giống như họ".
Ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì cho biết, lễ hội nhảy lửa của cộng đồng người Dao đỏ đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Hoạt động này không chỉ là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao đỏ mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc hoang sơ, huyền bí, cần được nghiên cứu và bảo tồn.
Bài, ảnh: DIỆU THÚY