Có mặt từ sáng sớm tại khu vực làng dân tộc Sán Chay thuộc khuôn viên của Làng văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong Ngày hội văn hóa các dân tộc vừa diễn ra, trước mắt chúng tôi là không khí rộn ràng chuẩn bị cho lễ cầu mùa của bà con nơi đây. Ai nấy đều nhanh nhẹn bày biện lễ vật lên một chiếc bàn đặt ở sân, giữa hai nhà trâu đực (nhà đàn ông) và nhà trâu cái (nhà phụ nữ). Xôi ngũ sắc, thủ lợn, gà luộc, gạo, muối, đèn nến, hoa… là các lễ vật được bà con chuẩn bị từ hôm trước. Một người đàn ông được dân làng tôn trọng và tin tưởng giao cho trọng trách vào vai chủ tế (thường là trưởng bản). Sau 3 hồi trống đất vang lên, ông chủ tế sẽ xin âm dương bằng tiếng của dân tộc mình, với ý nghĩa: “Ngày hôm nay, tất cả người dân Sán Chay tụ lại ở lễ cầu mùa, để mong muốn các vị thần linh ở trên trời, dưới đất phù hộ, che chở cho bà con dân làng có những vụ mùa làm ăn thuận lợi và tốt tươi”. Lễ vật được chấp nhận khi hồi trống dứt, kết thúc lễ cúng. Đây cũng là lúc diễn ra điệu múa Tắc Xình độc đáo, đó chính là điểm nhấn của lễ hội cầu mùa.

 Múa Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay. 

Điệu múa có tiết tấu đơn giản, ngôn ngữ múa dễ hiểu với động tác múa nguyên gốc không giống với những loại hình múa khác. Nhạc cụ đơn giản, chỉ là bộ gõ được làm chủ yếu từ tre hoặc gỗ nhưng lại tạo nên những tiếng phách rộn ràng. Hòa trong những tiếng phách tre là âm thanh của chiếc trống nhỏ, chập xeng, chiêng, kèn lá, quả chuông và trống đất-một loại trống rất đặc biệt của người Sán Chay. Âm thanh của tiếng trống đất thể hiện sự kết nối âm dương và xua đuổi tà ma, quái thú. Múa Tắc Xình gồm các điệu: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ hay chim câu… tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi; đồng thời mô phỏng động tác lao động, sản xuất trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào với mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ.

Theo ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Lương, lễ hội cầu mùa là một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Sán Chay. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn còn gặp không ít khó khăn. Lễ hội chủ yếu diễn ra trong khu vực cộng đồng dân tộc người Sán Chay, do vậy chưa nhiều người biết đến lễ hội này. “Chúng tôi và bà con đồng bào dân tộc Sán Chay luôn luôn cố gắng giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa này; khuyến khích các nghệ nhân truyền lại nghi lễ cầu mùa và những điệu múa Tắc Xình cho thế hệ con cháu, để những giá trị truyền thống của cha ông mình được tiếp nối lâu dài. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục bổ sung hệ thống tài liệu liên quan đến lễ hội cầu mùa để đông đảo người dân có thể tiếp cận, được thông tin đầy đủ và dễ dàng hơn”-ông Bùi Quang Sơn cho hay.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU - MINH TUYỀN