Chúng tôi đến với chợ phiên Đồng Văn vào ngày cuối cùng của tour du lịch Hà Giang khi đôi chân đã mỏi mệt bởi phải leo những đỉnh núi cao chót vót. Chị trưởng đoàn cho chúng tôi một tiếng mua sắm trước khi trở về Hà Nội. Trong cái tiết trời lạnh buốt tỏa ra từ cao nguyên đá, tôi trộm nghĩ sẽ đi một vòng chợ rồi về, chẳng có nhu cầu mua bán bởi suy nghĩ “ở Hà Nội thiếu gì”.
 |
Chợ phiên Đồng Văn họp vào chủ nhật hằng tuần. |
Song tôi đã sai. Chợ phiên Đồng Văn không chỉ là chợ thương mại mà còn là nơi giao lưu văn hóa khi tôi được chứng kiến đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy… diện trang phục truyền thống đi chợ.
Chợ phiên Đồng Văn là một phần của phố cổ Đồng Văn nằm cách TP Hà Giang khoảng hơn 100km. Giữa bốn bề núi đá chợ phiên lọt thỏm như một thung lũng nằm giữa những tầng mây trắng, nơi chim rừng đang hót líu lo chào mừng du khách ghé thăm.
Có người bày bán rất nhiều hàng hóa cũng có người chỉ có gùi rau cải, một tải gừng tươi, nghệ tươi hoặc mấy chai mật ong bạc hà. Họ có thể mang bất cứ cái gì trong nhà đến chợ phiên, có thể mua bằng tiền hoặc trao đổi bằng một món hàng ngang giá khác.
Chợ phiên Đồng Văn rất rộng nhưng tôi vẫn phải nhích từng bước trong "biển người" cứ nối đuôi nhau san sát. Song, mặc nhiên rất ít tiếng mặc cả hay to tiếng với nhau, người vùng cao ít khi nói thách và dĩ nhiên cũng chẳng mặc cả nhiều, thuận mua vừa bán. Đặc biệt, khách hàng cũng không cần lo lắng nhiều đến chất lượng bởi chủ yếu là các sản phẩm cây nhà lá vườn.
 |
Người dân trao đổi hàng hóa tại chợ phiên. |
Việc trao đổi hàng hóa diễn ra vô cùng đơn giản. Người bán hàng mang hàng tới bày lên tấm bạt theo hàng lối và họ cũng không mời chào mà chỉ nợ nụ cười tươi với khách. Đồ nào có thể ăn thử, nếm thử họ đều không ngại mời khách cho dù khách có mua hay không.
Người vùng cao có thói quen cả gia đình đi chợ phiên, những người phụ nữ thường sẽ đi mua đồ ăn thức uống, đồ gia dụng trong gia đình còn đàn ông đi giao lưu uống rượu, thổi khèn hoặc đi mua súc vật giống về nuôi. Đặc biệt, nam thanh nữ tú đi chợ còn để giao lưu kết bạn. Ngày xưa, đàn ông người Mông thường uống rượu say tại chợ, người vợ phải đứng che ô đợi khi nào chồng tỉnh rồi đưa chồng về. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này gần như không còn nữa, người phụ nữ Mông dần dần đã có tiếng nói trong gia đình và xã hội.
Đến chợ phiên mà không thưởng thức ẩm thực thì thật lãng phí. Các món ăn nổi bật ở chợ Đồng Văn như thắng cố, lạp xưởng, mèn mén, xôi ngũ sắc, phở Tráng Kìm… gần như không thể thiếu ở mọi hàng quán. Ngoài ra còn có thịt trâu gác bếp, hồng sấy dẻo, các loại thuốc dân tộc, các loại gia vị...
Phía cuối chợ có thể coi là phần hội của phiên chợ Đồng Văn, nơi đây những người đàn ông tổ chức cuộc thi chọi chim, đẩy gậy; phụ nữ trưng bày dệt thổ cẩm và gần như không có chuyện thương mại, cá cược thắng thua trong các hoạt động vui chơi này. Đối với các sản phẩm dệt chủ yếu là dệt thủ công trong đó có dệt sợi lanh nổi tiếng của người dân tộc Mông. Có những bộ trang phục được thiết kế cách tân nhẹ nhàng nhưng giữ được nét truyền thống và dùng bạc trang trí chủ đạo mang đậm nét văn hóa của người Mông.
 |
Phía cuối chợ phiên là khu vực bán lợn giống. |
Du khách nước ngoài cũng rất thích hòa mình vào không khí của chợ phiên Đồng Văn, có lẽ những siêu thị hiện đại đã quá quen với họ nên khi tới với chợ phiên vùng cao, cảm nhận không khí trao đổi hàng hóa giữa núi rừng Đông Bắc đã đem lại cho họ một trải nghiệm đặc biệt.
Một tiếng tham quan chợ phiên trôi qua thật nhanh. Trên tay tôi là gần hai chục món đồ đã mua được như trà đặc sản Hà Giang, bánh khảo tam giác mạch, mận sấy dẻo, bánh gai, rau tươi, nghệ đen… tôi chỉ ước thời gian đi chợ được kéo dài để có thể mang cả chợ phiên về Hà Nội. Đoàn xe lăn bánh, những hình ảnh đẹp về chợ phiên Đồng Văn đã in đậm vào trong tâm trí tôi như một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.