Dấu tích của ngôi đình cổ bên sông Đuống
Đình Gia Thượng được nhân dân thôn Gia Thượng, xã Ngọc Thụy, tổng Gia Thụy, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xây dựng ở ngoài đê bên bờ bãi ngạn sông Đuống, nay là tổ dân phố số 20, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Đây là công trình gắn bó mật thiết đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng đất này từ hàng trăm năm trước.
 |
Toàn cảnh Đình Gia Thượng với kiến trúc truyền thống ba gian hai chái, phục dựng trên nền cũ sau năm 2002. |
Đình thờ năm vị Thần hoàng, trong đó có Linh Lang Đại vương và Cao Sơn Đại vương, hai vị thần có vị trí đặc biệt trong tín ngưỡng Thăng Long xưa. Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông, có công chống giặc Tống, được thờ chính ở đền Voi Phục, Thủ Lệ. Còn Cao Sơn là tướng của Tản Viên Sơn Thánh, được thờ tại đình Kim Liên, quận Đống Đa, biểu trưng cho sức mạnh núi rừng trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Đình còn thờ Giang Khẩu Đại vương (thần cửa sông), hai vị Minh Trụ Đại vương và Minh Khiết Đại vương là nhân thần thời Lý được huyền thoại hóa trong tín ngưỡng dân gian.
Theo lời kể của ông Ngô Minh Tiến, thủ từ Đình Gia Thượng, đình được dựng vào cuối thời Lê Trung Hưng. Tuy không còn tư liệu gốc ghi chép về thời điểm khởi dựng, nhưng một số bằng chứng vật chất như kiệu bát cống chạm Rồng phong cách thế kỷ XIX và cây đa cổ thụ có gốc rễ nằm sâu dưới nền cũ cho thấy ngôi đình có niên đại khoảng 200-300 năm.
Đình từng nhiều lần hư hỏng do thiên tai và chiến tranh. Đặc biệt vào năm 1947, trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp, khu vực Gia Thượng bị máy bay Pháp ném bom, đình làng bị cháy hoàn toàn, chỉ còn nền móng và vài di vật được người dân giữ lại.
 |
Bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng hiện đang được lưu giữ tại Đình Gia Thượng.
|
Phải đến năm 2002, với sự đóng góp của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đình mới được phục dựng trên nền cũ với lối kiến trúc truyền thống ba gian hai chái, bốn mái với đầu đao cong, sử dụng vật liệu hiện đại sơn giả gỗ kết hợp hoành, rui gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Hậu cung bố trí bệ thờ và 5 bộ long ngai sơn son thếp vàng.
Hiện nay, đình lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như ngai thờ, hoành phi, câu đối, bát hương sứ, 6 thanh gươm thờ và đặc biệt là bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng thuộc thế kỷ XIX.
Thủ từ đình Ngô Minh Tiến chia sẻ: “Ngày đình bị thực dân Pháp đánh bom, dân làng vẫn dựng lán thắp hương trên nền cũ. Đến khi phục dựng lại, ai cũng góp công, góp của vì coi đây là nơi giữ hồn làng, không chỉ để thờ Thành hoàng mà còn là nơi giữ gìn ký ức tập thể”.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa
Ngày nay, khi văn hóa hiện đại phát triển, Đình Gia Thượng vẫn gìn giữ được không gian linh thiêng và những phong tục lâu đời của làng Gia Thượng xưa. Nơi đây trở thành địa điểm mà thế hệ trẻ có thể tìm đến để hiểu rõ hơn về nguồn cội của dân tộc, tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
 |
Không gian thờ cúng bên trong Đình Gia Thượng. |
Tại Đình Gia Thượng, hàng năm đều rộn ràng khai hội truyền thống làng Gia Thượng, quy tụ đông đảo người dân địa phương tham gia. Không chỉ thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, tâm linh, cầu cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người dân còn được hòa mình vào không khí lễ hội với các hoạt động đặc sắc như lễ rước nước, lễ tế Thánh, rước văn… cùng các trò chơi dân gian và thưởng thức nghệ thuật hát văn, hát chầu.
Ông Lê Đình Hải, nguyên Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích cụm dân cư Gia Thượng cho biết, việc bảo tồn đình hiện nay không chỉ dừng lại ở kiến trúc hay hiện vật, mà còn là gìn giữ không gian sinh hoạt văn hóa dân gian. Các lễ hội, nghi thức truyền thống tại đình vẫn được tổ chức đều đặn, thu hút sự tham gia của người dân. Đây chính là điểm mạnh giúp di tích gắn với đời sống cộng đồng chứ không chỉ là nơi thờ tự đơn thuần.
 |
Lễ hội truyền thống của Đình Gia Thượng được tổ chức trong hai ngày 7 và 8 tháng Ba âm lịch hàng năm. |
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, Đình Gia Thượng đã đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 1168/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cho 17 di tích trên địa bàn thành phố do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 28-2-2025. Đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của nhân dân địa phương mà còn là sự khẳng định những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc, cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại.
Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị của di tích, ông Hoàng Văn Lực, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, Trưởng Ban quản lý di tích phường Ngọc Thụy nhấn mạnh: “Chính quyền và nhân dân địa phương cần nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan của di tích. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, các đồ thờ tự để có biện pháp bảo vệ an toàn, tránh để hư hỏng”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN - MINH TRANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.