Đình hướng phía tây, nắng chiều chiếu rọi làm ngời lên những nét sơn son trong cung thờ. Nhang thơm khói tỏa, ánh điện lung linh, cụ thủ từ Nguyễn Văn Chiểu khấn vái rồi kể về thần tích của vị thành hoàng làng được tôn thờ là Trung Thành Phổ tế Đại vương Thượng đẳng thần với lòng thành kính sâu sắc.

Tương truyền đức thánh phụng thờ trong đình là bộ tướng của Vua Hùng đời thứ 18 giỏi trị thủy đánh giặc, có công đầu trong thời khai sơn lập quốc. Ngài sinh ra trong một gia đình hiền đức. Khi trưởng thành tướng mạo uy nghi, hàm én, mi lân, nhãn phượng, sức vóc hơn người. Không những vậy, ngài còn có tài cầu đảo hô mưa, gọi gió. Có năm trời đại hạn, cây cối, lúa đồng khô héo, người dân cơ cực. Thấy cảnh đó, ngài đã làm phép cầu mưa, dẫn nước về đồng cho mùa màng bội thu. Nhân dân thoát nạn đói khát vô cùng biết ơn người kỳ tài. Tiếng lành đồn xa, Vua Hùng liền truyền lệnh cho mời về kinh thành. Nhìn tướng mạo cao lớn khác thường, toát lên khí chất của thần tài, vua liền phong ông làm bộ tướng đem quân đi kinh lý phương xa giúp dân cấy trồng, trị thủy. Có năm xảy ra nạn đại hồng thủy, ngài đã cầm quân cứu hộ, đắp đê ngăn lũ, giảm trừ thiên tai, khôi phục cuộc sống.

Nghi môn đình Đống Chanh.

Trong những năm phò tá Hùng Duệ Vương có xảy ra nạn binh đao. Vua Hùng lệnh cho người bộ tướng tài giỏi đưa quân ra trận ngăn chặn nhiều cuộc tiến công của đối phương. Thắng trận trở về, Vua Hùng phong cho vị công thần tước hiệu Trung Thành Đại vương. Đất nước thái bình, ngài xin vua rời kinh thành đi khắp nơi giúp dân sản xuất, luyện rèn thủy binh. Sau này ngài hóa, vua đã ban lệnh cho những nơi ngài đến lập đền thờ tưởng nhớ công ơn. Trải qua các triều đại, nhiều lần thần đã hiển linh phò vua giúp nước đánh tan giặc ngoại bang và được ban mỹ tự Trung Thành Phổ tế Đại vương Thượng đẳng thần.

Ghi nhớ công ơn người anh hùng hào kiệt “sinh vi tướng, tử vi thần”, nhân dân Đống Chanh đã dựng đình tôn thần là thành hoàng làng để tưởng nhớ, tri ân công đức. Ngôi đình hiện tại bao gồm nhiều lớp: Hậu cung, trung cung, tiền tế, nghi môn, phía trước có giếng nước hình tròn là nơi tụ linh, tụ khí, tụ phúc của làng. Các nét kiến trúc của ngôi đình có sự đan xen thời hậu Lê và thời Nguyễn. Đồng chí Vũ Văn Duyên, Bí thư Chi bộ thôn Đống Chanh cho biết: “Trong đình còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong qua các triều đại, trở thành một trong những hiện vật quý khẳng định công đức của thành hoàng làng. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, đình Đống Chanh được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995”.

Trân trọng những giá trị của di tích lịch sử, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ nét đẹp ngôi đình cổ. Đình Đống Chanh vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh vừa là nơi giáo dục truyền thống nhớ ơn cội nguồn, tri ân bậc tiền nhân có công từ thuở Hùng Vương dựng nước. Phát huy niềm tự hào con Lạc, cháu Hồng, nhân dân Đống Chanh đoàn kết chăm lo phát triển sản xuất. Hiện tại, địa phương có nghề đan lưới thủ công truyền thống đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Được đầu tư xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của thôn cải thiện đáng kể. Bên cạnh các hạng mục được xây mới, những công trình kiến trúc văn hóa, tâm linh trong đó có ngôi đình cổ được nhân dân trân trọng, giữ gìn, coi đó là di sản chung của tổ tiên, ông cha để lại cho các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: ĐỨC NAM