Năm 2016 này, Tổ chức văn hóa Cộng hòa Liên bang Đức (GOETHE) sẽ tổ chức LHP khoa học từ ngày 2-10 đến 18-12. Trong chương trình sẽ chiếu 14 bộ phim đến từ 7 nước tại 19 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

“Điểm lặng” không chỉ là bộ phim mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là tiếng lòng của hàng triệu người dân đang ngày ngày phải đối mặt với nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại. Trong chuyến đi cùng với học sinh của mình đến Việt Nam năm 2011, nhiếp ảnh gia, đạo diễn Matthias Leupold, người Đức đã bắt đầu xây dựng tư liệu cho bộ phim “Điểm lặng”. Lấy bối cảnh là làng quê thanh bình ở Việt Nam sau những năm chiến tranh và diễn viên là những nhân vật đời thường, đang sinh sống ở nhiều miền quê Việt Nam, “Điểm lặng” như cuốn băng quay chậm phản ánh trung thực số phận những người cựu chiến binh và gia đình họ đang hằng ngày phải gánh chịu nỗi đau do chất độc màu da cam để lại- điều mà nhiều khi người ta dễ quên trong cuộc sống hối hả hôm nay.

leftcenterrightdel
 Một cảnh trong bộ phim "Điểm lặng". Ảnh: BTC cung cấp.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau còn ở đó. Trong giai đoạn những năm 1961 đến 1971 đã có hàng triệu lít chất diệt cỏ chứa chất độc dioxin được rải xuống các cánh rừng cũng như vùng đất nông nghiệp của Việt Nam. Chất này dẫn đến những biến đổi nghiêm trọng trong gen di truyền. Hậu quả tồn tại đến tận ngày nay: Những trường hợp sảy thai, dị tật bẩm sinh hoặc những trường hợp trẻ chỉ sống được vài năm rồi mất. Gánh chịu thảm họa này không phải chỉ có những người đã trực tiếp tham gia cuộc chiến, mà còn có cả những thế hệ tiếp sau được sinh ra sau chiến tranh.

Bộ phim gây ấn tượng bởi những hình ảnh đối lập đầy ám ảnh giữa nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ khi được thả diều trên cánh đồng lúa bát ngát, tiếng í ới gọi nhau đi học, hình ảnh người phụ nữ tần tảo đạp xe trên con đường đất đỏ cho kịp buổi chợ sáng… với những nỗi đau, giọt nước mắt và cả cái chết do chất độc màu da cam/dioxin để lại.

Đúng như cái tên của nó “Điểm lặng", khán giả sẽ phải lặng đi khi chứng kiến hình ảnh cô gái khuyết tật Bùi Thị Mến, con gái của cựu chiến binh Bùi Phục Hưng, quê Phú Thọ, khi tuổi đời còn quá trẻ, 17 tuổi, Mến đã bị mất trí nhớ và tất cả sinh hoạt đều trên chiếc giường nhỏ, đó là hình ảnh của Nga bị liệt nửa người, đó là những câu thơ buồn đến não lòng của ông Bùi Bá Khang, đó là hình ảnh tang thương của 12 ngôi mộ... Tất cả đều do hậu quả của chất độc dioxin để lại. Nhưng, vượt lên nỗi đau, người ta còn thấy hình ảnh của những người lính năm nào với sự dũng cảm, kiên cường đang hằng ngày chống chọi với bệnh tật, vươn lên để sống tốt. 

Với thời lượng 1 tiếng 15 phút, “Điểm lặng” sẽ đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, khơi dậy trong mỗi con người tình yêu thương, lòng nhân ái để giúp đỡ nhau. Đồng thời, cũng là lời kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bộ phim tài liệu “Điểm lặng” của đạo diễn Matthias Leupold sẽ ra mắt công chúng vào ngày 12-11 tới, tại Viện Goethe, Hà Nội.

THÚY NGUYỄN