“Khi trời còn thấp, đất còn non, người phụ nữ K’ho đã biết dệt vải. Do trời thấp quá, không đủ ánh sáng nên người K’ho đã lấy cây sào phơi chỉ để chống trời. Và đến tận bây giờ, lịch sử về làng nghề dệt thổ cẩm Bor neur C, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn là một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại...". Đó là lời mà chị Roong K' Tuyn, một nghệ nhân của làng nghề dệt thổ cẩm Bor neur C nói với chúng tôi. Mang theo sản phẩm truyền thống từ chân núi LangBiang xuống Hà Nội tham gia Hội chợ các làng nghề truyền thống, gian hàng của chị Roong K’Tuyn thu hút đông đảo du khách. Chị say sưa kể về chuyện tình chàng K’lang và nàng H’biang cũng như những câu chuyện về làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống quê hương mình.

Chị Roong K’Tuyn, nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Bor neur C. 

Xã Lát là nơi cư trú của đồng bào dân tộc người K’ho vốn nổi tiếng với nghề dệt vải. Con gái đến tuổi trưởng thành đã chuẩn bị trồng bông, lên rừng lấy lá cây nhuộm vải. Theo tục lệ con gái K’ho phải biết dệt vải trước khi lấy chồng, dệt được thổ cẩm người con gái mới được “kup bao” (bắt chồng). Phụ nữ K’ho dệt thổ cẩm mọi lúc mọi nơi, khi đàn ông biết cầm dao đi rừng cũng là lúc đàn bà biết cầm dưngpong (dụng cụ để dệt vải của người K’ho). “Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, sự tinh anh của đôi mắt. Đã là phụ nữ K’ho thì ai cũng biết dệt, mà riêng làng Bor neur C thì ai cũng dệt khéo lắm đó. Không biết dệt thổ cẩm, dù có ưng cái bụng nhưng đàn ông cũng không chịu cho mình “kup bao” đâu” – Chị Roong K’Tuyn vui vẻ tâm sự. Rồi chị chìa đôi bàn tay ra như múa: “Da có đen, tóc có xấu nhưng tay ai cũng mượt lắm nghe. Nhờ dệt thổ cẩm cả đó”.

Nhiều câu chuyện đã được kể về nghề dệt thổ cẩm ở làng Bor neur C. Người phụ nữ muốn nhuộm vải phải đi vào lúc sáng sớm, khi con thú chưa uống nước, khi con người chưa qua lại. Trong quá trình lấy nước nhuộm vải cũng không được trò chuyện, cười đùa với ai. Như vậy, nhuộm vải mới lên màu sáng và đẹp. Hay như chuyện người con gái dệt khăn tặng người yêu, khi người con trai nhận khăn nghĩa là đồng ý đợi người con gái đó tới “bắt”. Từ nhỏ, trẻ em Bor neur C đã được ngồi xem mẹ dệt khăn, thêu váy. Con gái đến độ 12 tuổi đã được mẹ dạy nghề, 15 tuổi đã có thể tự mình dệt được tấm khăn tặng người yêu. Cứ thế, họ dệt cho tới khi “mắt không nhìn thấy pơnơ, chân không giữ được dưngpong, lưng không tì được pơsa” thì mới chịu nghỉ.

Được đại diện bà con Bor neur C mang sản phẩm của quê mình tham gia “Hội chợ các làng nghề truyền thống” tại Hà Nội, hai chị Roong K’Tuyn và Cil Yu Đêôn vui lắm. Ước mơ đưa những chiếc khăn, tấm váy của dân tộc mình đến với người dân thủ đô của đồng bào K’ho đã thành sự thực. Gian hàng của hai chị được du khách chú ý bởi sự độc đáo và đa dạng. Các sản phẩm chủ yếu là khăn tay, khăn đội đầu, váy áo, vòng tay, túi xách....với nhiều màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo. Hoa văn trên trang phục có nhiều loại, mỗi loại lại mang ý nghĩa khác nhau: Hình con kiến tượng trưng cho sự đoàn kết, gắn bó yêu thương; hình ảnh đôi mắt con chim gọi mùa gợi nhắc thời gian, năm tháng; nhà sàn gợi tả sự ấm no, yên ổn hay những hình tượng mặt trời, sông núi lại thể hiện sự thiêng liêng, kính trọng đối với thần linh....

Không giống như người Êđê thích màu đỏ, người Châu Mạ chuộng màu trắng, đồng bào K’ho lại chủ yếu sử dụng những gam màu lạnh. Màu sắc trên sản phẩm thổ cẩm của họ thường là màu trắng, đen, xanh đen, tím...Theo lời giải thích của người Bor neur thì sự kết hợp của những gam màu lạnh sẽ giúp họ bảo vệ cơ thể trong thời tiết giá rét. Những gam màu này còn gắn liền với đất nước, sông suối, mang đậm sắc thái của đồng bào K’ho.

Tham gia hội chợ triển lãm, nhiều du khách rất hứng thú với hình ảnh người phụ nữ K’ho khéo léo ngồi dệt thổ cẩm. Đôi tay thoăn thoắt đưa chỉ, miệng lúc nào cũng cười tươi và ấn tượng hơn cả là ánh mắt biết cười và luôn luôn nhìn thẳng. Chị Nguyễn Thị Sen, một người dân Thủ đô nói: “ Mình rất ấn tượng với các sản phẩm thổ cẩm của làng nghề Bor neur, họa tiết hoa văn rất lạ và độc đáo”.

Trong xã hội công nghiệp hóa, nhiều làng nghề đang dần “chết yểu”, nhưng khi được hỏi về làng nghề truyền thống của quê hương mình, chị Roong K’Tuyn phấn khởi đáp: “Làm nghề này không giàu nhưng cũng chẳng bao giờ đói cả. Làng mình 50 nhà thì nhà nào cũng dệt thổ cẩm hết. Con gái mình đi học ở xa nhưng vẫn biết dệt thổ cẩm. Mà nó dệt khéo lắm đấy!”

Ngoài những sản phẩm thổ cẩm sử dụng hoàn toàn chất liệu từ tự nhiên (tuy chất lượng tốt nhưng màu sắc không tươi tắn, giá thành lại cao, công lao động nhiều), làng nghề Bor neur C đã có một số cải tiến để sản phẩm làm ra có màu sắc tươi tắn, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên thu hút được đông đảo khách hàng.

Hiện tại, hầu hết sản phẩm của làng Bor neur C mới được du khách biết đến qua những điểm du lịch sinh thái. Với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong thời gian tới, sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc K’ho sẽ đến được với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: LA DUY