Những chiếc bánh giầy trắng mịn dẻo thơm khiến ai nếm thử một lần đều không quên được hương vị đặc trưng. Thương hiệu “bánh giầy Quán Gánh” nức tiếng dẻo thơm được ví von: 

Dù ai chồng rẫy, vợ chê,

Bánh giầy Quán Gánh lại về với nhau.

Ăn trước thì bảo người sau,

Già ăn trẻ lại, gái mau dắt chồng”.

leftcenterrightdel
Khuất sau cái cổng làng rêu phong màu thời gian, làng Thượng Ðình (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) nổi tiếng với món bánh giầy dẻo thơm. 

Câu ca ấy đã đủ nói lên sự tinh túy, thơm ngon của thứ bánh đặc sản được người xưa kể lại là có từ thời Hùng Vương dựng nước.

Cùng với bánh chưng, bánh giầy cũng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn dẹt, được coi là đặc trưng của bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Bánh mang đậm chất chân quê, hòa cùng đất trời, thắm tình người, tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

leftcenterrightdel
Bánh giầy màu trắng, hình tròn dẹt, được coi là đặc trưng của bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. 

Bánh giầy Quán Gánh lúc đầu chỉ là những gánh bánh giầy bán dạo trên Quốc lộ 1, dần dần với hương vị thơm dẻo, món bánh giầy nơi đây được người dân và du khách gần xa biết đến. Thời gian trôi qua, cuộc sống ngày một hối hả và đổi thay, nhưng người dân trong làng bao năm qua vẫn chân chất, thủy chung với những nhịp chày, để thương hiệu bánh giầy Quán Gánh nức tiếng gần xa.

“Thậm thình, thậm thình” tiếng giã bánh là thanh âm quen thuộc của người dân Nhị Khê hàng nghìn năm nay. Trong hình dung của nhiều người ắt hẳn đến làng “bánh giầy” sẽ nghe được âm thanh quen thuộc này. Nhưng không, bước qua cánh cổng làng rêu phong, không gian yên lặng đến lạ thường. Hóa ra, để có những chiếc bánh dẻo thơm đến tay khách hàng, người dân nơi đây đã phải bắt đầu công việc từ nửa đêm gà gáy sáng.  

Bánh giầy Quán Gánh thường được xếp khéo léo 6 cái gói trong 2 chiếc lá dong xanh, buộc lạt hồng, thêm tem đỏ “Vạn sự như ý” vô cùng bắt mắt. Nhưng để cho ra đời một mẻ bánh giầy dẻo thơm là cả một quá trình nhiều công đoạn của người làm bánh. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm cùng bí quyết gia truyền của người thợ làm bánh. 

leftcenterrightdel

 Gạo nếp cái hoa vàng được dùng làm vỏ bánh giầy mang tới độ dẻo, dai thơm nức.

Theo nghệ nhân Trương Thị Hiền (60 tuổi), một người làm bánh giầy ngon nức tiếng ở Thượng Đình thì để có chiếc bánh giầy thơm ngon cần chú trọng khâu chọn nguyên liệu. “Muốn có vỏ bánh dẻo, thơm, không bị cứng dù để lâu thì phải chọn được những hạt nếp cái hoa vàng đều nhau, giã kỹ cho đến khi hạt gạo trắng muốt. Nhân đỗ phải được nêm nếm đậm đà. Lá dong phải rửa sạch rồi phơi khô để khi gói bánh không bị mốc”, bà Hiền chia sẻ.

Để kịp có những mẻ bánh giầy thơm ngon trong ngày, người thợ làm bánh tại đây thường phải dậy từ 1- 2 giờ sáng để vo gạo, đậu sạch sẽ, đồ xôi. Trước khi làm bánh, gạo được sàng lọc rất kỹ, hạt gạo đều nhau, không lẫn sạn, tẻ. Khi đồ xôi gần chín, người làm vẩy thêm ít nước ấm để xôi chín đều, phả mùi thơm nức. Sau đó, xôi được đổ ra cối và dùng máy giã thành một khối bột dẻo quánh, trắng muốt là đạt tiêu chuẩn.

leftcenterrightdel
 Bánh giầy Quán Gánh có 3 loại: Chay, ngọt và mặn có giá 20.000 đến 25.000 đồng/gói.

“Để bánh có độ dẻo, dai, người làm bánh phải dùng tay sạch để vắt khối bột nếp thành những nắm nhỏ đều nhau, sau đó nắn, vo tròn, bóp bẹp rồi dàn vỏ bánh dẹt đều, cho nhân vào và vê kín lại. Cái khéo là người vắt bánh phải nhanh tay, giữ cho tấm bánh bóng mịn, giấu nhân sao cho đẹp mắt”, bà Hiền cho biết thêm.

Bánh giầy Quán Gánh có 3 loại: Chay, ngọt và mặn. Bánh chay không nhân, thường ăn kèm với giò, chả hoặc chè đường. Bánh ngọt là nhân đỗ xanh được nấu chín, giã nhuyễn, xào với đường, dừa bào. Bánh mặn nhân đỗ xanh được đồ chín, nghiền nát ướp với tiêu xay mang tới hương vị đặc trưng khi thưởng thức. 

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Trương Thị Hiền (60 tuổi) với hơn 40 năm làm nghề bánh giầy. 

Có lẽ bí quyết tạo ra những chiếc bánh giầy dẻo thơm tại đây chính là sự tần tảo, thật thà và cái tâm của người làm nghề. Vừa rửa lá dong, nghệ nhân Trương Thị Hiền vừa tâm sự: “Nghề làm bánh giầy này chưa bao giờ giàu, lợi nhuận so với công sức bỏ ra thì chẳng đáng là bao. Nhưng từ xa xưa nghề làm bánh giầy chính là hồn cốt của làng, ngấm vào máu thịt tôi từ ngày còn thơ ấu. Nhà mẹ đẻ tôi cũng làm bánh giầy và làm dâu trong một gia đình đã mấy đời làm bánh giầy Quán Gánh, nên tôi cũng theo nghề này như một cái duyên. Cuộc sống có lúc thuận lúc nan, làng xã có lúc thăng lúc trầm, nhưng gia đình tôi vẫn gìn giữ được nghề truyền thống này”.

Từ một món bánh giản dị, nay bánh giầy Quán Gánh đã trở thành một đặc sản đúng nghĩa, được nhiều khách thập phương biết đến. Hiện tại, ước tính có khoảng 40 hộ làm nghề theo chia sẻ của nghệ nhân Trương Thị Hiền. Giá bán mỗi phần bánh giầy gồm 6 chiếc thường có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng. 

Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO