QĐND - Những ngày cuối tháng Tư, nhân dân phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội náo nức hướng về không gian văn hóa đền Trấn Vũ, nơi tổ chức Lễ hội Kéo co ngồi và đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của lễ hội này.

Nhân dân phường Thạch Bàn nô nức tham gia Lễ hội Kéo co ngồi.

 

Di sản kiến trúc - nghệ thuật

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ nhiều tháng trước, người dân phường Thạch Bàn đã cùng nhau thành tâm công đức tiền của để dát vàng cho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ tự trong đền Trấn Vũ. Tượng ngự trên bệ gạch, đúc bằng đồng, cao khoảng 3,8m, nặng 4 tấn, trong tư thế ngồi buông hai chân, đầu trần, tóc chải ngược về phía sau, tay trái kết ấn, tay phải tỳ lên đốc kiếm, thân kiếm có rắn quấn quanh, mũi kiếm cắm xuống lưng rùa.

Theo các cụ cao niên ở Thạch Bàn, đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất quy xà hội tụ, nhìn về hướng bắc, trên mặt bằng có gò đất hình mai rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng. Trong tâm thức của người dân, đền Trấn Vũ là vị thần trị thủy và việc dát vàng thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân đối với công trình văn hóa này. Chính vì vậy trước khi bước vào cửa đền, người dân nơi đây thường bảo ban nhau tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, có trách nhiệm với cộng đồng.

Để dát vàng tượng Trấn Vũ, người dân Thạch Bàn đã mời những thợ giỏi nhất của làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội về thi công. Mấy tháng liên tục, với sự nhiệt tâm của ban quản lý di tích và đóng góp công sức của nhân dân, công việc dát vàng đã thành công. Không những vậy, mới đây, giếng nước trước sân đình, được nhân dân đóng góp tiền của, công sức cải tạo và mở rộng thành hồ nước. Giữa lòng hồ, xây dựng tòa thủy đình, kết cấu dưới dạng phương đình, 2 tầng 8 mái tạo những nét đặc sắc cho quần thể di tích.

Lễ hội Kéo co ngồi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Theo nội dung ghi chép của văn bia, đền Trấn Vũ được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496). Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, đền được sửa chữa nhiều lần, đến nay còn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của thời Nguyễn.

Đền Trấn Vũ gồm 3 tòa kiến trúc chính gồm: Đại bái, trung cung và hậu cung. Hai tòa trước đều có 5 gian, dưới dạng tường hồi bít đốc, chung một máng nước. Khách thập phương khi bước vào ngôi đền có cảm giác hai tòa nhà hài hòa, hợp thành một không gian nội thất thống nhất.

Trên mái đền, tại vị trí bờ nóc đắp trang trí hình tượng rồng chầu mặt trời. Trên đỉnh bờ nóc, phía hai đầu đốc, có gắn hai đầu kìm. Theo ý nghĩa của trang trí kiến trúc truyền thống, các con vật gắn với hệ mái, thường được coi là những linh vật gắn với tầng trời-như thế lực làm chủ nguồn nước, điều hòa thời tiết, đem lại mưa thuận gió hòa để muôn vật, muôn loài phát sinh, phát triển.

Đại bái có khoảng hiên rộng, nối với sân bằng bậc tam cấp. Các cột hiên được chế tác từ vật liệu đá xanh, có thiết diện vuông, 3 mặt chạm hoa lá cách điệu, mặt trước khắc các vế đối nói về phong thủy của làng và ca ngợi công lao của đức thánh Trấn Vũ. Gian giữa tòa đại bái có bốn cột cái hợp với bộ vì theo kiểu giá chiêng, với đặc điểm “thượng tam, hạ tứ” (phía trên cột cái ba khoảng hoành, phía dưới cột cái bốn khoảng hoành). Dưới xà nách của mái có một chiếc kẻ rất dài. Thân kẻ chạm trổ hoa lá cách điệu, điểm chữ Thọ ở mặt đầu. Đây là hình thức trang trí xuất hiện trong kiến trúc có niên đại từ thế kỷ XIX trở về sau.

Tòa trung cung, kiến trúc về cơ bản giống tòa đại bái, vẫn giữ được nhiều nét chạm trổ của kiến trúc gốc từ thế kỷ XIX. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ thần Trấn Vũ, được nối với trung cung bằng một hệ mái tại vị trí gian thờ, xây dựng theo kiểu phương đình, hai tầng tám mái, nhưng chủ yếu các cấu kiện chỉ được bào trơn đóng bén.

Theo ông Ngô Quang Khải, Trưởng Ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền Trấn Vũ là nơi che giấu, bảo vệ cán bộ tham gia hoạt động cách mạng... Với những giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử, năm 1990, đền Trấn Vũ được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc-nghệ thuật quốc gia.

Các chàng trai kéo co thi đua tại lễ hội. Ảnh: Vũ Đức

 

Kéo co ngồi - nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo

Không gian văn hóa đền Trấn Vũ là môi trường lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-Lễ hội Kéo co ngồi. Cụ Nguyễn Văn Xê, 92 tuổi, người dân phường Thạch Bàn cho biết, kéo co ngồi là một lễ hội có từ xa xưa. Tương truyền, xưa kia phường Thạch Bàn có 12 giếng nước. Vào năm hạn hán, 11 giếng cạn hết nước, chỉ còn giếng nước ở xóm Đìa. Trai xóm Đường và xóm Chợ đến giếng gánh nước về dùng. Xóm Đìa sợ hết nước nên không cho lấy. Thời đó, nước được gánh bằng quang làm bằng dây song. Hai bên giằng co nhau cái quang đựng nước. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên cả hai bên cùng ngồi xuống đất mà ôm thùng nước. Từ việc ngồi giằng co nhau để giữ thùng nước, nhân dân trong vùng đã sáng tạo ra lễ hội kéo co ngồi.

Trước đây, lệ làng quy định “Giai kéo co” phải là tráng đinh của làng, có phẩm hạnh tốt, ít nhất có 5 đời sinh sống tại làng. Hiện nay, những quy định này có thay đổi để đông đảo người dân địa phương cùng tham gia. Tiêu chí là các nam thanh niên sống tại địa phương, có sức khỏe, đạo đức tốt. Mỗi đội kéo có 15, 17 hoặc 19 người và một Tổng cờ. Nam giới cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Làng cử ông Tiên chỉ cầm trống khẩu, mặc áo xanh, đầu đội mũ xanh cầm trịch. Dây kéo co là sợi dây song dài 30m, luồn qua lỗ một chiếc cột lim chôn xuống đất, hai đội tham gia ngồi bệt chân co, chân duỗi, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Lễ hội Kéo co ngồi ở Thạch Bàn hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị nghi lễ, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa đặc sắc. Trước khi kéo co, người ta làm nghi lễ tôn vinh, vào tế trước đền, cầu sức khỏe. Sau đó đến lễ tế dây song. Các đội tham gia kéo co cùng rước dây song ra xới kéo co. Hoạt động này mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng, mong mùa màng tươi tốt. Người dân tham gia với hy vọng tốt đẹp cho tương lai của bản thân, cho làng xóm láng giềng. Câu chuyện thắng thua gần như gần không quá quan trọng, mục đích chính là được tham gia. Đây là tầng sâu, nền tảng văn hóa phi vật thể kéo co ngồi.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, mấy năm trước đây, lễ hội kéo co được tổ chức ở sân đền nhưng hiện nay, chính quyền và địa phương đã dành ra một phần đất trước đền để phục vụ phần hội kéo co. Khoảng đất đó là không gian, là môi trường để lễ hội tồn tại. Việc khéo léo trong công tác tổ chức thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn của chính quyền và nhân dân địa phương, đã gìn giữ và phát huy được tính chất truyền thống của lễ hội. Đây cũng là sợi dây văn hóa kết nối quá khứ và hiện tại, những người dân với nhau, tỏa sáng văn hóa dân gian, có ý nghĩa đạo đức và giáo dục thiết thực.

Việc Lễ hội Kéo co ngồi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khiến đền Trấn Vũ ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương...

Văn bia “Trấn Vũ Điện bi ký”, dựng năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), hiện đang bảo quản trong đền có ghi: Khi Lê Thánh Tông (1460-1496) đem quân dẹp giặc Chiêm Thành, ông đã dừng chân, nghỉ lại ở địa phận Cự Linh và được Trấn Vũ ứng mộng. Vua thấy xúc động, liền sai dân lập đền thờ tại đây, đồng thời, cho tạc tượng gỗ cùng bài vị ghi: “Hiển linh Trấn Vũ Quán”. Vua lại gia ân, ban cho dân làng sở tại một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa. Đến năm Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), do tượng gỗ bị hư hại, dân làng đã đúc tượng đồng thay tượng gỗ. Tuy nhiên, sau đó nhiều người đến đây chiêm bái vẫn cảm thấy tượng chưa xứng đáng với quy mô của đền. Do vậy, đến năm Mậu Thân (1788), tượng đồng Trấn Vũ được huy động đúc lại, năm Nhâm Tuất (1802) thì hoàn thành. Tượng này tồn tại đến tận ngày nay.

 

VĂN TUẤN