Tiếc là ở nước ta, linh vật con giáp mèo chỉ xuất hiện nhiều trong văn nghệ dân gian mà chưa được tạo dựng thành hình tượng nhân vật hư cấu nổi tiếng thời hiện đại.

Người Ai Cập được xác định đã đưa mèo vào trong tác phẩm văn nghệ đầu tiên. Bởi văn minh Ai Cập tôn sùng mèo không khác nào Hindu giáo tôn sùng bò. Trên các lăng mộ vẫn còn bích họa nữ thần Bastet (vị thần ban phúc và bảo hộ con người) trong thân hình phụ nữ có đầu mèo. Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) đang trưng bày bức tượng mèo bằng đồng thời Ai Cập cổ đại cách đây 3.000 năm. Người theo Hồi giáo, người Campuchia, người Ấn Độ... xem mèo là báo hiệu phúc lành và niềm vui. Người Campuchia nhốt mèo vào lồng vừa đi vừa ca hát, rước từ nhà này sang nhà khác để cầu mưa. Họ thường mô phỏng dáng điệu và tiếng kêu của mèo thực hành vũ điệu dân gian. Song, một số nền văn hóa lại xem mèo (nhất là mèo đen) là điềm báo tai họa, ma quỷ, tà thuật, cái chết...

leftcenterrightdel

Tác phẩm vẽ mèo của họa sĩ Hoàng Phương Liên nằm trong triển lãm “Mèo du xuân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Ảnh: Gallery 39 

Tóm lại, theo các nhà nghiên cứu biểu tượng, mèo là một trong những con vật có ý nghĩa biểu tượng không thuần nhất, thậm chí trái ngược nhau. Điều này được giải thích bởi mèo có nhiều đặc tính khác lạ: Mèo vừa dịu dàng, vờ vĩnh nhưng lại là loài ăn thịt, tinh ranh; vừa gần gũi con người nhưng cũng thường lang thang, hay xuất hiện trong bóng tối, âm thầm; mèo nhà trông thì bé nhỏ, yếu ớt nhưng lại có sự uyển chuyển, sức bật nhảy kinh ngạc... Từ việc quan sát mèo, con người đã tưởng tượng, nhân cách hóa mèo, sản sinh ra nhiều ý nghĩa có tính tượng trưng.

Sở dĩ phải điểm qua quan niệm về linh vật mèo ở các nền văn hóa bởi văn hóa có tính di truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Văn học, nghệ thuật với tư cách là một bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa nên khi văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm lấy cảm hứng từ mèo, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng vô thức từ quan niệm về văn hóa.

Do sự không đồng nhất quan niệm về mèo kể trên, độc giả sẽ hiểu vì sao mèo trong truyện mô phỏng cổ tích “Chú mèo đi hia” (nhà văn Pháp Charles Perrault) cuối thế kỷ 17, kể về một chú mèo sử dụng tài năng và trí thông minh để giúp đỡ chủ nghèo xơ xác và xuất thân thấp kém có được quyền lực, sự giàu sang và cưới được công chúa. Trái ngược lại, mèo lại là báo hiệu sự xuất hiện của quỷ Satan trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” (xuất bản năm 1973) của nhà văn Nga Mikhail Bulgakov. Trong loạt truyện tranh và phim hoạt hình “Thủy thủ mặt trăng” (Nhật Bản) nổi tiếng đầu thập niên 1990, có hai con mèo Artemis và Luna có khả năng thần bí, ma thuật, đi lại giữa các thế giới, đồng hành với các siêu anh hùng.

Với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở các nước Âu Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hình tượng mèo ngày càng bớt đi những ý nghĩa tiêu cực, được xây dựng trở thành nhân vật hư cấu giải trí vui nhộn, dễ thương như: Felix, Tom, Hello Kitty, Doraemon, Madara, Molly, Oggy, Duchess... Thành công nhất là chú mèo máy Doraemon (họa sĩ Fujiko Fujio sáng tạo năm 1969) được trẻ em trên toàn thế giới hâm mộ, trở thành “đại sứ” của đất nước Nhật Bản, mang lại doanh thu hàng tỷ USD.    

Ở Việt Nam, mèo xuất hiện nhiều trong văn nghệ dân gian, nổi tiếng nhất là tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”. Nhìn chung, trong quan niệm của văn nghệ sĩ Việt Nam, mèo được xem là con vật gần gũi, nhanh nhẹn, mang lại điềm tốt lành. Thời hiện đại, trong truyện ngắn “Cái Tết của mèo con” (1961) của nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nhân cách hóa mèo con biểu tượng của lòng dũng cảm. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân sau đó đã dựng thành phim hoạt hình “Mèo con” (1965). Là linh vật con giáp nên cứ đến năm mèo, nhiều nghệ sĩ tạo hình sáng tác rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ mèo vô cùng đa dạng trong biểu đạt và chất liệu, được công chúng yêu thích.

Tiếc là loại hình văn nghệ “xương sống”, có sức lan tỏa lớn nhất trong công nghiệp văn hóa là điện ảnh lại chưa có tác phẩm giá trị về mèo. Ở Việt Nam, nhân vật hư cấu nổi tiếng là Thỏ bảy màu do Huỳnh Thái Ngọc sáng tạo ra năm 2014. Huỳnh Thái Ngọc và các cộng sự đã thành công đưa Thỏ bảy màu có bước phát triển vượt bậc khi sáng tạo các phim hoạt hình ngắn, có video đạt lượt xem lên tới 15 triệu, chắc chắn mang lại lợi nhuận khả quan.

Hy vọng với năng lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ trẻ, sẽ sớm xây dựng hình tượng chú mèo mang thương hiệu Việt Nam tương tự như Thỏ bảy màu, có thể vượt ra ngoài biên giới, đại sứ không chỉ các hoạt động văn hóa mà còn là các hoạt động quảng bá nông sản, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng Việt Nam tại những hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.  

HÀM ĐAN