Ý thức được tầm quan trọng của sự kiện lịch sử ấy đối với dân tộc, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã tập trung khắc họa hình ảnh Bác trong phút giây tạm rời xa Tổ quốc, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà non sông đất nước trao cho mình.

Có thể kể đến một số tác phẩm nghệ thuật có khắc họa hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước như ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn; tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng; bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân (dựa trên kịch bản phim của nhà văn Sơn Tùng, với nghệ sĩ Tiến Hợi thủ vai Nguyễn Tất Thành); bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên trong thế kỷ 20... Sang những thập niên đầu của thế kỷ 21, hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vẫn xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Có thể kể đến tiểu thuyết “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương xuất bản lần đầu năm 2007; thi phẩm lục bát trường thiên “Một người-Thơ-Tên gọi” gồm 12.668 câu thơ lục bát về Bác của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ ra mắt bạn đọc năm 2019; bức tranh sơn dầu “Người đi tìm hình của nước” với kích thước 90x120cm của họa sĩ Quốc Thắng sáng tác năm 2021; vở nhạc kịch “Người cầm lái” do nghệ sĩ Tuyết Minh dàn dựng, Nhà hát Công an nhân dân biểu diễn vào quý II-2022; tiểu thuyết “Nước non ngàn dặm” xuất bản tháng 5-2022 của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương...

       Một cảnh trong vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Ảnh: QUANG VINH

Mặc dù thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau, ra đời trong khoảng thời gian khác nhau, nhưng các tác phẩm khắc họa hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đều hướng đến 3 nội dung chủ yếu sau: Thứ nhất, khắc họa tâm trạng, tình cảm của Bác lúc ở bến cảng Nhà Rồng, trước khi lên tàu rời xa quê hương; thứ hai, khắc họa hành trình 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước của Bác; thứ ba, khẳng định hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước, gặp gỡ Chủ nghĩa Mác-Lênin là một lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử. Con đường Bác đi cũng là con đường đi của cả dân tộc Việt Nam.

Chúng ta có thể khẳng định, số lượng tác phẩm khắc họa hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tương đối nhiều, nội dung tương đối thống nhất trên những nét lớn, tuy nhiên chất lượng nghệ thuật (điều quan trọng nhất của tác phẩm) lại có sự không đồng đều, chưa phản ánh hết được ý nghĩa, tầm vóc lớn lao đối với dân tộc trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Những tác phẩm đi cùng năm tháng, sống mãi trong lòng nhiều thế hệ độc giả như ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”, bài thơ “Người đi tìm hình của nước”... là không nhiều. Ở đây có sự vênh nhau giữa số lượng và chất lượng tác phẩm.

Dẫu biết chất lượng tác phẩm tùy thuộc phần lớn vào tài năng của người nghệ sĩ, tuy nhiên nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy các tác phẩm hay, đi vào lòng người kể trên có đặc điểm chung là tập trung sáng tác vào đề tài Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Toàn bộ lời ca của ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”, lời thơ của “Người đi tìm hình của nước” đều xoay quanh hành trình ra đi của Bác. Trong khi đó, ở những tác phẩm khác, hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước chỉ là một phần nội dung, một giai đoạn trong cuộc đời Bác được nhà văn miêu tả. Ví như, trong số gần 13.000 câu lục bát của thi phẩm lục bát trường thiên “Một người-Thơ-Tên gọi” do nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ dành cả thập kỷ sáng tác, chỉ có vài chục câu miêu tả về Bác ở bến Nhà Rồng, còn lại là những câu thơ khắc họa toàn vẹn cuộc đời của Bác từ khi sinh ra đến lúc về với “thế giới người hiền”, rồi việc bảo quản thi hài Bác ở K9.

Hay trong tiểu thuyết “Cha và con”, sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước chỉ được miêu tả ở chương cuối, nhà văn Hồ Phương chủ yếu tập trung khắc họa tình cảm cha con giữa Bác và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ở đây, các văn nghệ sĩ có sự khác biệt trong hướng tiếp cận. Một số tập trung bút lực, năng lực sáng tạo cho điểm-hành trình ra đi tìm đường của Bác, trong khi đó một số khác lại hướng đến diện-toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác. Sự khác biệt này tạo ra độ chênh lớn về nghệ thuật giữa các tác phẩm trong việc khắc họa hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước. Rõ ràng, hiển nhiên một lát cắt trong cuộc đời Bác được các văn nghệ sĩ tách riêng, chú tâm miêu tả sẽ có chất lượng cao hơn việc lát cắt ấy được miêu tả dàn trải cùng với những lát cắt khác.

Một điều nữa cũng rất cần quan tâm, đó là sự chênh lệch khá lớn giữa các loại hình nghệ thuật. Trong khi văn học, điện ảnh, âm nhạc chiếm ưu thế vượt trội về số lượng thì các loại hình nghệ thuật khác còn rất khiêm tốn. Xét về độ phổ biến, văn học, điện ảnh, âm nhạc đi vào đời sống xã hội cũng có phần nhanh hơn các tác phẩm thuộc những loại hình nghệ thuật khác. Ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng” từ khi ra đời (năm 1990) đến nay luôn thuộc vào hàng những ca khúc được yêu thích nhất về Bác. Bài thơ “Người đi tìm hình của nước” được đưa vào chương trình ngữ văn phổ thông đã có tầm lan tỏa rất lớn.

Với tình cảm yêu quý, kính trọng Bác của đội ngũ văn nghệ sĩ, trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật khác nhau sáng tác về sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Trong phần cuối của bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin bàn về việc để làm sao có thêm những tác phẩm hay, thành công hơn nữa trong việc khắc họa hình ảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở văn học, một trong những loại hình nghệ thuật phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Thiết nghĩ, bên cạnh tài năng, tâm huyết, cá tính sáng tạo độc đáo của từng cá nhân, như đã nói ở trên, các nhà văn nên tập trung vào điểm chứ không phải vào diện. Chúng ta cần nhận thức hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước là một đề tài lớn, cần được khắc họa một cách riêng biệt, không nằm chung trong các đề tài khác về Bác.

Chúng tôi tin rằng, xung quanh sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn những chi tiết, những tài liệu, hiện vật liên quan chưa được khám phá, công bố. Dư địa cho các văn nghệ sĩ điền dã, tìm tòi về đề tài này vẫn còn nhiều. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy rằng các tác phẩm sáng tác về sự kiện này đều là những sáng tác thuộc về lịch sử, kể lại một câu chuyện lịch sử. Lịch sử, như chúng ta đã biết, không bao giờ chỉ đơn thuần là câu chuyện của quá khứ mà còn là câu chuyện của thời hiện tại. Những sáng tác về lịch sử một mặt cần phản ánh trung thực, khách quan bầu không khí, bối cảnh xung quanh hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, mặt khác cũng cần phản ánh những vấn đề bức thiết mà cuộc sống đương đại đang đặt ra, “vượt thoát” khỏi 3 nội dung cơ bản đã nêu ở trên. Làm được như vậy, các tác phẩm văn học sẽ gần gũi, hấp dẫn hơn với bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ tuổi, những người cần phải biết, phải hiểu, phải ngấm, phải suy nghĩ hơn ai hết về công lao vĩ đại, tầm vóc của Bác đối với đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam.  

TS ĐOÀN MINH TÂM