Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Trần Kim Hoa, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời đã đáp ứng mong đợi của giới báo chí và công chúng cả nước. Vậy thời gian qua, bảo tàng đã phát huy công năng của mình như thế nào?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời được phân công một số nhiệm vụ chính; trong đó nổi bật là tổ chức nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu, quảng bá rộng rãi lịch sử báo chí, di sản báo chí. Trong quá trình hoạt động tiến tới trưng bày chính thức, chúng tôi đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao tốt nhất có thể.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức có quyết định thành lập vào ngày 28-7-2017. Trước đó, Hội nhà Báo Việt Nam đã giao trách nhiệm cho chúng tôi tích cực sưu tầm tư liệu, hiện vật ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Không như những bảo tàng đã ra đời sớm và có nhiều thời gian từ xem xét, xây dựng ý tưởng, kế hoạch, đến tổ chức triển khai thực hiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn, ít người, thách thức nhiều, nên phải chọn cách “n trong 1”, tức là vừa nhận nhiệm vụ, vừa ngay lập tức nghiên cứu, tiếp cận, phát động và khai thác, rồi vừa tiếp nhận tư liệu, hiện vật, vừa tổ chức trưng bày và làm lễ tôn vinh ngay tại chỗ. Vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Với cách làm đấy chúng tôi vừa sưu tầm được tốt, nhận được sự ủng hộ nhiều phía từ chính quyền cơ quan đơn vị báo chí, các cấp hội nhà báo, nhà báo gia đình thân nhân của họ. Sau các cuộc như vậy bảo tàng được các thân nhân hiến tặng, cung cấp thông tin. Trưng bày thường xuyên chưa có, thì đã có hàng chục cuộc gặp gỡ, triển lãm, trưng bày tiêu biểu được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức những năm qua, như: Triển lãm “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với báo chí cách mạng Việt Nam”, Trưng bày “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”, “Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90”, “Triển lãm kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”...

Nhiều nhà báo lão thành góp ý vào việc xây dựng, phát triển Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN BA.

PV: Được biết, thời gian qua cán bộ, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực sưu tầm tư liệu, hiện vật để sẵn sàng cho ngày chính thức ra mắt công chúng. Vậy hiện nay, bảo tàng có những hiện vật gì đặc sắc?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Theo thống kê thì Bảo tàng Báo chí Việt Nam có khoảng 25.000 hiện vật. Khi bắt đầu công việc, chúng tôi được giao quản lý 500 kỷ vật, hiện vật không có giấy tờ, sổ sách của các nhà báo lão thành trao tặng. Trong quá trình nghiên cứu, có rất nhiều kỷ vật đã trở thành hiện vật. Trong đó khó có thể kể hết được những hiện vật, tư liệu gốc và tiêu biểu, như: Những tờ báo tiếng Việt, tiếng Pháp ra đời trước 1925, hoặc những tờ báo tiêu biểu các giai đoạn trước 1945, trước 1954, trước 1975; những bút tích viết tay quý giá, trong đó có sổ ghi cảm tưởng của những giảng viên, nhà giáo, khách mời ở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949, hay chiếc loa 500 KW bên cầu Hiền Lương những năm 1954 -1965...

Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà báo lão thành. Ví dụ như nhà báo Đinh Phong dù mới xuất viện nhưng ông vẫn trực tiếp đến với bảo tàng để hiến tặng chiếc máy ảnh đã theo ông làm việc từ trong rừng ở Tây Ninh, những tờ Báo Sài Gòn Giải Phóng ông còn giữ lại... Bằng lòng thành và sự quyết tâm, chúng tôi đã tạo niềm tin cho các nhà báo lão thành để họ thấy được rằng có thể gửi gắm tư liệu, hiện vật đã theo họ trong cả cuộc đời làm báo cho bảo tàng. Quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ giúp chúng tôi nhận thấy có khá nhiều tư liệu, hiện vật quý trong đó. Đó là thời điểm nhân sự của Bảo tàng rất mỏng, một số vốn là nhà báo, hầu hết chưa từng trải qua trường lớp đào tạo chuyên môn, chỉ có một điểm chung là quyết tâm và say nghề. Thế rồi, nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành cùng các thân nhân khi các bác đã tin cậy, chủ động liên hệ để gửi gắm những kỷ vật, hiện vật quý gắn bó, gìn giữ bao năm trong cuộc đời làm báo của mình cho bảo tàng… mà chúng tôi đã có được ngày hôm nay: Tất cả đã sẵn sàng để chờ ngày mở cửa và Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn hoạt động mới.

Nhà báo Trần Kim Hoa (ngoài cùng bên phải) tiếp nhận tư liệu, hiện vật của thân nhân các nhà báo lão thành. Ảnh: NGUYỄN BA.

PV: Trong thời gian qua, người tham gia các cuộc triển lãm, trưng bày do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức là những ai? Họ chú ý đến những gì và họ có góp ý gì đối với bảo tàng của chúng ta?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Trong các cuộc triển lãm, trưng bày tư liệu, hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, dõi theo của đông đảo công chúng. Trong đó, nổi bật nhất là những cố vấn thân thiết như nhà báo lão thành Phan Quang, Hà Đăng hay những người đã công tác trong lĩnh vực bảo tàng có tiếng hiện nay là Nguyễn Văn Huy, Triệu Hiển. Trong từng lĩnh vực, chúng tôi đều có những cố vấn sẵn sàng đứng ra chia sẻ, góp ý. Ngoài ra, không thể không kể tới sự dõi theo của sinh viên báo chí trẻ. Thời gian qua, chúng tôi đã kết nối với Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền để đưa sinh viên đến các cuộc triển lãm, trưng bày giới thiệu về tư liệu, hiện vật để họ hiểu thêm về lịch sử làm báo; và ký kết biên bản về dự án biến bảo tàng trở thành “giảng đường thứ hai”. Trong quá trình xây dựng và phát triển Bảo tàng Báo chí Việt Nam thì không thể thiếu được công chúng trẻ, đặc biệt là những sinh viên học nghề báo. Họ phải hiểu được lịch sử, cách làm báo của cha ông. Thành tựu, khó khăn, cha ông vừa qua là bài học nghề thiết thực, các nhà báo tương lai có thể trưởng thành.

PV: Nhìn chung vấn đề của các bảo tàng Việt Nam hiện nay là khó thu hút được người xem, nhất là với giới trẻ. Vậy Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã và sẽ có cách làm mới như thế nào để giải quyết vấn đề này?

Nhà báo Trần Kim Hoa: Tôi cũng rất đau đáu về điều này. Tất cả những việc mình làm mà được công chúng đón nhận, gây cảm xúc, sự ảnh hưởng là điều tuyệt vời. Bảo tàng bày ra đấy mà không ai xem thì không thể thành công. Mặc dù hiện tại vẫn đang chờ đến thời điểm chính thức mở cửa đón công chúng vào tham quan do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, song Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tích cực xây dựng nội dung trưng bày gắn với các sản phẩm báo chí phong phú để có thể tiếp cận gần hơn với người xem. Không chỉ là trưng bày theo tuyến, theo tiến trình lịch sử, bảo tàng còn cố gắng để có thể chủ động chuẩn bị những bất ngờ thú vị dành cho những công chúng trẻ ưa khám phá. Đó là cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ làm báo liên quan đến máy móc, thiết bị, quy trình làm báo in. Đó là việc tái hiện lại những phòng thu, một góc của trường quay truyền hình nhằm tạo cảm hứng cho người xem… Ngoài những tư liệu và hiện vật, hầu hết là bản gốc, công chúng còn được theo dõi đồ họa, được xem phim tư liệu, được tự mình tra cứu tìm hiểu sâu hơn thông tin cũng như những bài viết, tác phẩm báo chí liên quan đến nội dung, ý nghĩa của từng tư liệu, hiện vật được trưng bày. Chúng tôi đang nỗ lực để làm sao mỗi hiện vật trở thành một câu chuyện hấp dẫn về lịch sử nghề báo nhằm thù hút đông đảo công chúng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀI PHƯƠNG (thực hiện)