Vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội tiếp tục được nâng cao. Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.
Sự ra đời Hội Nhà báo Việt Nam
Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.
 |
Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Vietnam+
|
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27-12-1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.
Ngày 4-4-1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21-4-1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 2-6-1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt.
Tháng 7-1950, đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ. Ngày 16 đến 17-4-1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do đồng Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Ngày 7 tới 8-9-1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do đồng chí Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
Vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam ngày một nâng cao
Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã trải qua 10 kỳ đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra từ 7 tới 9-8-2015, tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên - nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc. Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 57 đồng chí. Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020; đồng chí Hồ Quang Lợi giữ chức Phó chủ tịch Thường trực; đồng chí Mai Đức Lộc làm Phó chủ tịch; đồng chí Nguyễn Bé làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
Trong quá trình hoạt động, Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Luật Báo chí 2016 ban hành với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thuận lợi, hiệu quả hơn, trong đó có Điều 8 đã luật hóa những quy định bắt buộc về tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc năm 2016, 2017, 2018 và 2019; triển khai thực hiện Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; quy tắc sử dụng mạng xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo các cấp; rà soát tổ chức Hội và chất lượng đội ngũ hội viên thông qua đổi thẻ giai đoạn 2016-2021; thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; ra mắt Cổng thông tin điện tử.
Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ của Ban Bí thư “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”; thành công xuất sắc trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), nhiệm kỳ 2015-2017. Những kết quả đạt được trong 5 năm qua góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần vào thành tích chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
LẬP THÀNH