QĐND - Tối 31-1, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dự buổi lễ có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Vũ Đức Đam, ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; cùng đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ nhiều ngày qua, trên các tuyến đường TP Vinh, TP Hà Tĩnh ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn chào đón sự kiện này. Sáng 31-1, UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức buổi gặp mặt, vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân hát dân ca ví, giặm. Họ là những người tiêu biểu, có người cả một đời cống hiến cho công việc nghiên cứu, tìm tòi, gìn giữ, bảo tồn và phát triển dân ca ví, giặm. ông Nguyễn Ban, nhà viết kịch ở Hà Tĩnh đến tham dự buổi lễ chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được đắm mình trong dòng chảy văn hóa Hồng Lam, đã thuộc những câu hò, điệu ví. Những câu hát ấy đã thấm vào máu thịt con người tôi, trở thành vốn sống, chất men, nền tảng giúp tôi sáng tạo nhiều tác phẩm kịch hát dân ca trong suốt 30 năm qua. Giờ đây, dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, tôi rất tự hào…”. Nhạc sĩ Lê Hàm, người đã dành trọn đời mình cho dân ca ví, giặm, nói: “Từ đây dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới. Và như thế, ví, giặm không chỉ là cầu nối đưa ta trở về quá khứ, để hiểu và trân trọng tâm hồn ông cha mà còn mang trong mình một diện mạo mới đến với thế giới”.

Không chỉ những người làm nghệ thuật và quản lý văn hóa vui mừng mà ngay cả những người dân bình thường cũng thấy phấn khởi khi dân ca ví, giặm trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể thấy, dù xã hội có hiện đại đến đâu, dù trên thị trường âm nhạc có phong phú, đa dạng đến mấy thì những giá trị văn hóa dân gian vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong lòng người nghe và nó vẫn còn chảy mãi với dòng thời gian, bởi đó là những khúc tâm tình, là tiếng lòng của người Nghệ Tĩnh. Em Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh viên năm thứ tư, Khoa Giáo dục mầm non, Đại học Vinh, nói: “Em rất thích nghe ví, giặm Nghệ Tĩnh, dù hát không hay nhưng mỗi khi được hát, được lên sân khấu hát dân ca ví, giặm, em thấy mình như đang trở về với những miền ký ức yên bình. Chỉ một thời gian nữa em ra trường, làm cô giáo mầm non, em sẽ truyền dạy cho các em nhỏ tình yêu ví, giặm, tập cho các em hát dân ca ví, giặm…”.

Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Có lẽ từ khi khai sinh, hát những câu hò, điệu ví đầu tiên, người dân xứ Nghệ không ngờ được rằng, ngày hôm nay những câu hát ấy lúc cày bừa, khi dệt vải, lúc leo núi, khi ru con… lại được vinh danh và trở thành di sản của nhân loại. Tự hào hơn, từ mảnh đất “gừng cay muối mặn”, với những con người chân chất “mô, tê, răng rứa” đã nuôi dưỡng được một nét văn hóa dân gian đặc trưng cho tâm hồn và cốt cách của người dân xứ Nghệ nói riêng và con người Việt Nam.

Nhạc sĩ Đặng Thanh Lưu, nguyên Trưởng đoàn Kịch hát dân ca Nghệ An tâm sự: “Điều tôi trăn trở bây giờ là sau đêm vinh danh này chúng ta sẽ làm gì để dân ca ví, giặm được bay cao, bay xa hơn? Làm sao để khi một du khách nước ngoài đến Việt Nam không còn xa lạ với hai từ “ví, giặm”? Nghệ nhân Võ Thị Vân (CLB ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Tôi và các thế hệ trong gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động hát dân ca ví, giặm để góp phần nhỏ bé của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vô giá này”.

Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Chặng đường bảo tồn phát huy di sản văn hóa đại diện của nhân loại còn nhiều khó khăn và thách thức. Chúng ta cần triển khai có hiệu quả, thiết thực các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm. Chúng tôi mong các nhà quản lý văn hóa các cấp, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các thế hệ nghệ nhân và nhân dân hai tỉnh tiếp tục đồng hành và góp sức để dân ca ví, giặm lan tỏa và trường tồn”.

Tại buổi Lễ vinh danh dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói: “ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh 51 CLB dân ca ví, giặm và hơn 800 nghệ nhân đang tích cực bảo tồn loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này. Tôi xin hoan nghênh chính quyền xây dựng các kế hoạch quảng bá và bảo tồn, tôn vinh và hỗ trợ các nghệ nhân địa phương, khuyến khích và giáo dục thế hệ trẻ trong nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng bảo tồn dân ca ví, giặm. Hãy cùng tôi quảng bá cho kho báu văn hóa này, bởi lẽ nó đã chạm vào tâm hồn, vào trái tim mỗi chúng ta, bởi lẽ nó đã tăng cường đối thoại của chúng ta giữa cộng đồng và các dân tộc ở Việt Nam và bởi lẽ nó khơi dậy lòng đoàn kết và khoan dung...”.

Tối 31-1, ở TP Vinh mưa lạnh nhưng không ngăn được dòng người đông đúc đến dự lễ vinh danh dân ca ví, giặm và xem chương trình nghệ thuật “Về miền ví, giặm”. Với các tiết mục, hoạt cảnh, trích đoạn dân ca đặc sắc, “Về miền ví giặm” được các nghệ sĩ trình diễn trong không gian diễn xướng mô phỏng khung cảnh làng quê cùng những hoạt động sản xuất, lao động thường nhật được tái hiện sinh động, cụ thể. Tràn ngập không gian Quảng trường Hồ Chí Minh là âm nhạc dân gian, những câu ví, câu giặm có từ hàng trăm năm nay, từ thôn quê, làng mạc giản dị và gần gũi, yêu thương như chính cuộc đời của những người dân chân chất, nghèo khó mà can trường; giờ đây, được trình diễn trên sân khấu trong một buổi lễ trang trọng. Rất nhiều bạn trẻ đã đón xem chương trình với sự say mê, thích thú. Ví, giặm mãi mãi là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, người dân Việt Nam.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI - HOA LÊ