Trách nhiệm chính đương nhiên là do tập thể cán bộ, nhân viên NXB nhưng cũng cần xét cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản đã buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đầu tư cho NXB.

“Đem con bỏ chợ”

Từ năm 2005, khi Luật Xuất bản có hiệu lực, hoạt động liên kết xuất bản được pháp luật cho phép thực hiện. Hệ lụy không ngờ của liên kết xuất bản là nhiều NXB yếu kém về tài lực, trong khi các đối tác liên kết tư nhân lại vươn lên mạnh mẽ. Điều tất yếu là đa phần các NXB dần mất đi quyền làm chủ quy trình xuất bản, bán giấy phép với giá rẻ, trở thành “làm thuê” ở khâu “xương xẩu”, nhất là biên tập và thẩm định nội dung. Một số đối tác liên kết thường chạy theo lợi nhuận thuần túy, cẩu thả trong biên tập, bỏ qua nhiều khâu trong quy trình xuất bản.

 Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ trao quà gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn từ tiền bán sách.Ảnh: VÂN HÀ

Nhiều NXB không thích ứng được với sự thay đổi của đời sống xuất bản, không cạnh tranh được trên thương trường nên dẫn đến làm ăn thua lỗ kéo dài và cái kết là giải thể, sáp nhập mất thương hiệu, như: NXB Văn hóa-Thông tin, NXB Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, NXB Phương Đông (tiền thân là NXB Mũi Cà Mau)... Chuyện làm ăn không hiệu quả thì chấm dứt sự tồn tại của NXB cũng là lẽ thường tình như bao đơn vị, công ty trên các lĩnh vực khác. Một số NXB sáp nhập vào NXB khác cũng là điều đúng đắn. “Miếng bánh” thị trường xuất bản vốn có hạn, một cơ quan chủ quản có nhiều NXB cũng không phải là điều hay. Sáp nhập để tập trung xây dựng và phát triển một thương hiệu mạnh, uy tín, tạo sức bật kinh doanh là điều tất yếu.

Vấn đề đáng nói hiện nay là nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, đầu tư cho NXB. Cơ quan chủ quản “đẻ” ra NXB nhưng không quan tâm chỉ đạo, định hướng, để mặc NXB tự do hoạt động, cho ra đời nhiều xuất bản phẩm chất lượng thấp. NXB khi gặp khó khăn không được cơ quan chủ quản hỗ trợ, đầu tư. Tình cảnh này nhiều người ví là “đem con bỏ chợ”. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đều cho rằng: Cơ quan chủ quản không thể đứng ngoài cuộc và không thể trốn tránh trách nhiệm khi NXB “có vấn đề”. Mối quan hệ giữa một số cơ quan chủ quản với NXB được ví von như “mẹ” và “con” hiện đang vô cùng lỏng lẻo, tạo ra những lệch lạc trong lĩnh vực xuất bản.

Chuyển động tích cực từ cơ quan chủ quản

Đến tháng 12-2021, cả nước có 57 NXB, trong đó 15 NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Một số NXB, nhất là NXB địa phương mong muốn chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang sự nghiệp công lập với hy vọng sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn. Như trường hợp NXB Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết: “UBND thành phố sẽ ủng hộ theo hướng đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý của NXB Đà Nẵng. UBND thành phố rất quan tâm và sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để NXB vượt qua giai đoạn khó khăn, ngày càng phát triển vững mạnh, xứng tầm với vị thế, vai trò là đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng của thành phố”.

Với tinh thần chủ động, tích cực, một số cơ quan chủ quản đã phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời chỉ đạo, định hướng các nội dung phức tạp, nhạy cảm ngay từ khâu tổ chức bản thảo, góp phần hạn chế việc khai thác các mảng đề tài xa rời tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ; khắc phục được các sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm. Điển hình như UBND tỉnh Đồng Nai thành lập hội đồng tư vấn xuất bản của tỉnh để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND trong chỉ đạo, định hướng hoạt động của NXB Đồng Nai. 

Nhiều cơ quan chủ quản triển khai các giải pháp hỗ trợ NXB kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, tăng cường hiệu quả trong liên doanh, liên kết. Nổi bật là NXB Khoa học xã hội được phê duyệt kinh phí hoạt động thường xuyên (năm 2021 cao hơn 16% so với năm 2020); NXB Tài chính được phê duyệt 1,6 tỷ đồng để xây dựng “Tủ sách lịch sử truyền thống ngành tài chính trên mạng internet”; NXB Đà Nẵng nhận kinh phí đặt hàng 908 triệu đồng và tới đây có thể được giao thực hiện Đường sách TP Đà Nẵng... Đáng chú ý là NXB Phụ nữ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giao là chủ đầu tư dự án Trung tâm Tri thức số và Giáo dục giới dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em với tổng mức đầu tư là 35,3 tỷ đồng. Nhờ làm chủ dự án mà NXB Phụ nữ sẽ có cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số, hứa hẹn trong tương lai là NXB “đầu tàu” xuất bản điện tử.

Rõ ràng, bộ, ngành, địa phương nào cũng phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, lưu trữ... Nếu biết lồng ghép các chương trình, dự án để qua đó đặt hàng, đầu tư gián tiếp hoặc trực tiếp nâng cao tiềm lực các NXB là cách làm hay cần nhân rộng. Các đề án xuất bản, sách đặt hàng không chỉ có ý nghĩa kinh tế quan trọng, tạo nguồn lực vật chất để NXB tiếp tục duy trì hoạt động mà quan trọng hơn, đây là phương thức hiệu quả bảo đảm NXB thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích; quản lý chặt chẽ hoạt động liên kết, hạn chế sai phạm.

Sau nhiều năm bỏ bê, đã có những chuyển động tích cực của các cơ quan chủ quản thể hiện quyết tâm hỗ trợ NXB vượt qua khó khăn. Từ đây, có thể hy vọng ngành xuất bản Việt Nam sẽ được sắp xếp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa; để chỉ NXB nào thực sự hoạt động hiệu quả, có cơ quan chủ quản trách nhiệm là có thể phát triển trong tương lai.

HÀM ĐAN