Những người muôn năm cũ”... giờ ở Phố Ông Đồ.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua

Hình ảnh giàu truyền thống hiếu học của ngày Tết Việt, tưởng như biến mất hàng trăm năm nay sẽ không bao giờ trở lại, đã từng khiến nhà thơ Vũ Đình Liên phải tiếc nuối thốt lên Năm nay đào lại nở/Không thấy ông đồ xưa/Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?, trong những ngày Tết Kỷ Sửu này đã lần đầu tiên trở lại trên Phố Ông Đồ (trình làng tại khu phố Văn Miếu, Hà Nội). Đây là một hoạt động sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa được Công ty Bảo tồn di sản Văn hóa Việt và Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO phối hợp tổ chức nhằm hướng tới ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội để tôn vinh lại một nét đẹp truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Vài năm nay, mỗi độ Tết đến xuân về, khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám lại xuất hiện những ông đồ già-trẻ. Mỗi người một xếp giấy, vài chiếc bút lông và nghiên mài mực, ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu hoa vuông vức xinh xắn để sẵn sàng cho những người xin chữ. Ông đồ già thì viết chữ Hán, ông đồ trẻ viết thư pháp Việt, họ đã xum tụ lại trên mảnh đất tôn vinh truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cùng nhau khôi phục và gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa người Việt – xin chữ đầu xuân. Và thế là khoảng dăm năm nay, người Hà Nội đã quen với hình bóng các ông đồ.

Bởi thế mà xuân Kỷ Sửu này, khi Hà Nội đồng ý cho mở hẳn một Phố Ông Đồ thì không chỉ có những ông đồ được mời tham gia mới hân hoan mà người dân Thủ đô cũng hồ hởi hẳn lên. Ngay trong buổi khai bút đầu xuân, người đến xem, đến xin chữ đã khiến cả dãy phố Văn Miếu tắc nghẽn. Và hình ảnh người xem thì “tấm tắc ngợi khen tài”, ông đồ thì “hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay” đã hiện lên sinh động, rỡ ràng trong mắt lũ trẻ vốn chỉ biết đến những ông đồ qua sách báo như chúng tôi.

Phố với gần 50 ông đồ trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp của các nhóm thư pháp nổi tiếng Hà thành như Nhị thập bát tú, CLB Thư pháp UNESCO, nhóm thư pháp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chẳng lúc nào được ngơi tay. Người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ… đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ…; đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre… Văn Miếu đích thực là một Phố Ông Đồ.

Du khách nước ngoài thích thú vì được tặng chữ ở Phố Ông Đồ. Ảnh: Nhật Anh

Không chỉ cho chữ, Phố Ông Đồ còn là nơi những người ưa tìm hiểu có thể được nghe nhiều giải đáp thú vị. Tại sao trong nhà lại nên treo chữ NHẪN và mọi người nên sống theo nó? Tại sao người xưa lại có lệ xin chữ đầu xuân? Tại sao chỉ được nói là “xin chữ” chứ không phải “mua chữ”? Mỗi câu trả lời là một câu chuyện, một nét văn hóa quý của người Việt Nam. Không chỉ tặng chữ, các ông đồ còn vẽ thư pháp trên giấy, trên đá để du khách có thể trưng bày trong nhà như một thứ đồ kỷ niệm.

Khách đến Phố Ông Đồ đông lắm, đủ các lứa tuổi. Các bạn trẻ thì thích thư pháp Việt, viết lên nhìn như bức tranh thủy mặc, lại hiểu được ý nghĩa. Nhiều cô, bác lớn tuổi thích những chữ Phật dạy như chữ NHẪN, chữ TÂM. Nhưng có lẽ, sự bất ngờ và vui sướng thì phải kể đến những “vị khách” lớn tuổi, biết chữ Hán, đã nhiều năm từng trăn trở về những người muôn năm cũ. Bác Vũ Trọng Tính, 61 tuổi, đến từ Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: “Gia đình tôi nhiều đời làm nhà Nho, rất trọng chữ. Năm nay ra Hà Nội thăm họ hàng trước Tết may mắn gặp cảnh này, lại được tặng một chữ AN, thấy sung sướng lắm. Thời xưa, cụ tôi, ông tôi, khi cho chữ ai đầu xuân phải làm lễ bái tổ tiên, tắm rửa sạch sẽ, ngồi ngay ngắn và chỉ cho những người trọng chữ chứ không cho người đua đòi, thích mượn chữ về làm sang. Hơn nửa đời người nay mới thấy lại khung cảnh này, thực sự tôi vô cùng xúc động”.

Phố Ông Đồ đã xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh vài năm nay nhưng đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Hy vọng hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên, tạo thành một điểm đến văn hóa cho người dân Thủ đô trong mỗi dịp đầu năm, nhằm tôn vinh nét văn hóa truyền thống trọng chữ, hiếu học của người dân Hà Nội cũng như Việt Nam ta. Và tại sao ngày đầu xuân năm mới này, ta không cùng một người bạn thân, hay gia đình, trên dọc đường du xuân của mình, ghé qua Phố Ông Đồ, xin đôi câu đối hay một chữ NHẪN, chữ TÂM, PHÚC, LỘC, HƯNG, AN… đẹp đẽ mang về để treo trang trọng nơi phòng khách?

Phạm Thành Huyên