QĐND Online – Nhà văn Tô Hoài giã từ trần thế ngày 6-7-2014 (10-6 Giáp Ngọ). Để tưởng nhớ giỗ đầu của tác giả-cây đại thụ của làng văn học Việt Nam, ngày 18-7, tại Thư viện Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của ông với chủ đề “Tô Hoài - Một đời văn”. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ và bạn đọc mến mộ ông đã đến dự.
Hà Nội, nguồn cảm hứng bất tận
Ông sinh ra và lớn lên ở làng Nghĩa Đô, hay còn gọi là làng Nghè, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Đây là một vùng đất phía Bắc thành phố, nổi tiếng với các làng nghề như: Yên Thái làm giấy, Trích Sài, Bái Ân làm nghề dệt..., một vùng đất mà ngay từ khi mới đến với nghề viết, nhà văn Tô Hoài đã viết về mọi mặt sinh hoạt ở đó một cách kỹ càng, tỷ mỉ.
 |
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn Tô Hoài.
|
Đối với nhà văn Tô Hoài, Nghĩa Đô là quê hương với biết bao kỷ niệm. Thời gian 20 năm ở mảnh đất này đã trở thành một nền tảng tốt để ông trưởng thành. Những bức tường cũ kỹ, rêu phong, những con người lam lũ, những rặng cúc tần, tiếng kẽo kẹt của khung cửi..., tất cả những nét đặc sắc của vùng đất Hà Thành đã dệt nên những ký ức mà tưởng như cả cuộc đời viết văn của nhà văn Tô Hoài viết mãi cũng không bao giờ hết được.
Trên những trang sách của ông, Hà Nội hiện ra với nhiều đình chùa, hội hè, những phong tục độc đáo và thú vị, những phiên chợ, cổng quán rêu phong. Hà Nội vừa cổ kính vừa năng động!
Nhà văn Hoàng Việt nhận xét, nói đến Nhà văn Tô Hoài, người ta nghĩ đến một nhà văn có tố chất riêng của người Hà Nội, sống với Hà Nội, gắn bó với Hà Nội và viết về Hà Nội. Ông có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Hà Nội trước cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ, truyền thuyết dân gian, những câu chuyện kể rất bình thường về con người Hà Nội, cuộc sống Hà Nội, có thể nói, trong ông có một kho tàng bách khoa về cuộc sống và con người Hà Nội.
Truyện của nhà văn Tô Hoài thường nói về những cảnh đời lam lũ, số phận con người vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên. Phải là một nhà văn có tài quan sát, lại sống gần gũi với người dân mới viết được về cái xã hội ấy. Từ ngôn ngữ, cử chỉ, tập tục cho đến lối sinh hoạt của những người dân quê sống bằng nghề dệt cửi ở vùng Bưởi, Tô Hoài đều diễn tả một cách chân thực.
Văn chương Tô Hoài thấm đậm chất Kẻ Chợ trong giọng điệu, cái nhìn, nhân vật, phong cảnh. Ông viết nhiều về Hà Nội, cả chuyện xưa và chuyện nay. Trong những trang sách của ông luôn thấp thoáng tính cách và cốt cách của một nhà văn mảnh đất Kinh Kỳ hóm hỉnh, khôn ngoan, rành đời.
Bước sang thế kỷ 20, Hà Nội càng hay được nói tới một cách trực tiếp bằng nhiều vẻ. Qua những trang sách của các nhà văn nổi tiếng, chúng ta được biết có một Hà Nội tài hoa lịch lãm, sống lại những giây phút hào hùng của thủ đô lịch sử, nhưng đối với Tô Hoài, Hà Nội trong ông hiện ra với tất cả những vẻ bình thường của một nơi Kẻ Chợ nhưng không phải vì thế mà mất đi vẻ thơ mộng đáng yêu.
Viết như một lẽ sống
Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam. Ông viết với đủ thể loại, nhiều đề tài và có một khối lượng lớn tác phẩm viết về Hà Nội. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống. Tác phẩm của ông đem lại cho người đọc sự hiểu biết đời sống thực tế, cụ thể, chi tiết.
 |
Nhà thơ Vũ Quần Phương đọc tham luận tại Hội thảo.
|
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, nói rằng, bản lĩnh và phẩm chất văn chương của Tô Hoài đã thuyết phục được nhiều người, nhiều thế hệ với hàng trăm tác phẩm văn học đã làm rạng rỡ tên tuổi ông và là niềm tự hào của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Thời sung sức, Tô Hoài viết báo ít ai theo kịp. Có nhiều năm, các trang báo Tết ngập tràn ký và truyện của ông. Với lớp trẻ làm báo, nhà văn Tô Hoài cũng khá quan tâm trong việc truyền nghề.
Khi đã xác định cho mình lẽ sống lâu dài với trang sách, cầm bút như một nghề nghiệp, ông muốn chứng tỏ rằng ở đâu mình cũng viết được. Ai đó từng nói lý do tồn tại của một ngòi bút nhiều khi chỉ đơn giản là ở chỗ ngòi bút ấy lạ hóa đời sống, biết nhìn xung quanh bằng cái nhìn mới mẻ như người ta mới trông thấy lần đầu và Tô Hoài chính là một minh chứng cho nhận xét này, càng đến với vùng đất lạ thì lòng ham viết càng ráo riết, những chi tiết trong cuộc sống đều là đối tượng để ông ghi nhớ và đến lúc nào đó, ông lại miêu tả sinh động trên trang giấy.
Trong giới cầm bút, ông nổi tiếng là một người đi nhiều, ông để lại dấu chân trên khắp mọi miền đất nước, để rồi sau những chuyến đi ấy, ông lại trở về với thành phố thân yêu của mình. Trong lòng Hà Nội, Tô Hoài sống với gia đình bè bạn, cũng trong lòng Hà Nội, Tô Hoài trở về với thế giới sáng tác.
Những giá trị còn mãi
Từ sau năm 1945, dù giữa núi rừng Việt Bắc hay khi trở về Hà Nội, sách ông vẫn in ra đều đều. Tới những năm 1990, khi ông đã ngoài 70, ngoài số sách cũ được tái bản, Tô Hoài còn cho ra đời những tập hồi ký... Sự có mặt của những cuốn hồi ký này cùng với vô số bài báo mà ông vẫn viết cũng như những hoạt động xã hội mà ông tham gia khiến độc giả cảm thấy Tô Hoài luôn luôn hiện diện và tiếng nói của ông không thể thiếu trong đời sống văn học đương thời.
 |
 |
Những tác phẩm để đời của Nhà văn Tô Hoài vừa được tái bản nhân một năm ngày mất của ông và được đông đảo bạn đọc đón nhận.
|
Tô Hoài đã đi xa, nhưng văn chương của ông, những con chữ trên trang sách của ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc. Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Nhờ ông, một người chưa biết về Hà Nội chỉ đọc riêng các sách của ông về chốn Kinh kỳ này thôi đã đủ để hiểu Hà Nội là gì và Kẻ Chợ là thế nào. Đọc sách Tô Hoài, một người con Hà Nội, để hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn.
Riêng về Hà Nội, ông đã có tới cả chục tập sách và nếu như có dịp đặt chúng bên nhau, độc giả sẽ nhận ra nét đặc biệt trong tình yêu của nhà văn này với vùng đất địa linh, nhân kiệt. Ông là một ngòi bút tận tụy, sống trong nghề tự nhiên như con cá bơi trong nước. Ông viết giản dị đến mức tự nhiên, như hít thở khí trời, như cơm ăn nước uống.
Có lẽ trời phú cho ông một bộ óc quan sát tinh tế, một con mắt tinh đời nên hầu hết các tác phẩm của Tô Hoài đều có chung một đặc tính nổi trội là viết rất tự nhiên về những cái đời thường mà ông quan sát thấy, bằng một lối diễn đạt nôm na và dân dã. Đặc biệt, nhà văn Tô Hoài có biệt tài quan sát tập tính các loài vật hơn bất cứ nhà văn Việt nào từ trước tới nay. Dế mèn phiêu lưu ký là một minh chứng sinh động. Từ những trang viết đầu tay cho đến những trang viết cuối đời, Tô Hoài luôn thể hiện một phong cách quan sát và tự quan sát cực kỳ tinh tế và một khả năng biểu hiện rõ ràng, tỉnh táo.
Càng về già, ngôn ngữ văn chương của ông càng trĩu nặng phù sa của văn hóa Sông Hồng. Hơn 60 năm miệt mài sáng tạo, nhà văn Tô Hoài đã viết hơn 150 đầu sách và hàng ngàn đầu báo, trong đó ông dành phần lớn tâm huyết viết cho thiếu nhi.
Nhớ đến Tô Hoài là nhớ đến một người viết văn và một đời văn "tủm tỉm" nụ cười. Nụ cười ấy vừa trẻ thơ láu lỉnh vừa lão thực trầm tư. Ông không mang lại cái nhìn ngạc nhiên, ít tạo nên kịch tính, vậy mà trang viết của ông vẫn cứ tươi mới, vẫn cứ đầy ắp những giao cảm âm thầm.
Ở lĩnh vực nào Tô Hoài cũng nổi bật, cũng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc. Ở lĩnh vực nào độc giả cũng nhìn thấy ông sừng sững như một cây đại thụ. Luôn có vinh dự là một nhà văn hàng đầu, một nhà văn lớn của văn học hiện đại Việt Nam, một gương mặt văn hóa tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội. Những tác phẩm của "nhà văn của Hà Nội” sẽ còn neo đậu lâu dài trong lòng độc giả.
Bài và ảnh: TƯỜNG VY