Đường dẫn vào huyện Yên Thế ken kín người xe. Từ 4 giờ sáng, ông Nguyễn Thanh Bình, 72 tuổi, trú tại thôn Chản Làng (xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cùng mấy người bạn trong thôn thuê xe đi tham dự Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế. Từng nhiều lần tham dự lễ hội, ông Bình cho hay chưa bao giờ Lễ hội Yên Thế đông vui như năm nay.

Bên cạnh sức hút từ các ca sĩ Tùng Dương, Đan Trường, Vũ Thắng Lợi... góp mặt trong lễ khai mạc, nhân dân và du khách tìm về đây để chứng kiến nhiều đổi thay ở vùng đất "địa linh nhân kiệt".

leftcenterrightdel

Tái hiện lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế.

Dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thế nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung phấn khởi chứng kiến nghi thức cắt băng khánh thành Đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế với kinh phí xây dựng 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư xã hội hóa. Cùng với ngôi đền uy nghi, bề thế, các công trình phụ trợ như sân, bậc tam cấp, lầu chuông, đình ba tầng mái... đã giúp quần thể di tích trở thành điểm thu hút đông đảo du khách, xứng tầm với ý nghĩa và giá trị lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Ngược dòng lịch sử, năm 1884, biết tin đạo quân của thực dân Pháp trên đường tiến lên Thái Nguyên, Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) đã lãnh đạo lực lượng tấn công quân địch tại Đức Lân (Phú Bình, Thái Nguyên). Sau trận tập kích thắng lợi, chiều hôm đó, tại đình làng Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), Đề Nắm tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Sau khi Đề Nắm bị sát hại, Đề Thám (tức Hoàng Hoa Thám) lên làm thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế, liên tiếp tổ chức những trận đánh và thắng lớn khiến quân Pháp nhiều lần kinh hồn bạt vía, phải nhượng bộ hai lần ký giảng hòa. 

leftcenterrightdel
Tiết mục nghệ thuật mừng lễ khánh thánh Đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. 

“Ba mươi năm giữ núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”, 140 năm trôi qua nhưng câu ca ấy vẫn còn nguyên giá trị khi nhắc con dân đất Việt về một thời oai hùng của cha ông. Công lao của Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế không chỉ được lưu giữ qua sử sách mà vẫn còn được thể hiện qua những di tích sống động. Đây đồn Phồn Xương lũy đất, đền Thề, các hiện vật về nghĩa quân Yên Thế... vẫn được thế hệ hôm nay gìn giữ, trân trọng và phát huy.

Nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các tướng lĩnh và nhân dân trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế được UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức long trọng, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ tế, lễ dâng hương, hội trại thanh niên, hội chợ, cùng các giải thể thao: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền hơi, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Trong đó, hoạt động hội trại thanh niên thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Chị Lê Thị Thanh Bắc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đồng Lạc (huyện Yên Thế) bày tỏ: “Với thông điệp “Hào khí vươn cao-Khát vọng bay xa”, cổng trại của Đoàn Thanh niên xã Đồng Lạc được thiết kế bằng tre nứa, hình dáng như hai bàn tay chụm lại thể hiện sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đồng Lạc đang quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024". 

Với quyết tâm giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 16-3-1984, Lễ hội Yên Thế lần đầu tiên được tổ chức. Từ đó đến nay, Lễ hội Yên Thế được duy trì tổ chức vào ngày 16-3 hằng năm, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Giang, trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Cùng với Lễ hội Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Trong đó, vào năm 2012, di tích những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế (gồm 23 điểm di tích) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.