Đến với nhạc cụ dân tộc một cách tình cờ, ông Sơn cho hay, trước kia, quê ông ở xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, là nơi dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội trước khi vào chiến trường miền Nam. Những tiếng sáo vi vu, dìu dặt của người lính trước khi lên đường đã cuốn hút ông. Ông đã tự mày mò học thổi và làm ra rất nhiều cây sáo để tặng người thân, bạn bè. Đất nước hòa bình, ông Sơn về công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Hà Tây cũ. Trong những chuyến công tác tại các tỉnh miền núi, ông đã tìm tòi và học hỏi các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc. Với 5 năm công tác ở núi rừng Sơn La, địa phương có kết nghĩa với tỉnh Đắc Lắc, khiến một người ở Tây Bắc dần yêu những âm hưởng Tây Nguyên. Say mê tìm hiểu, dần dần, kiến thức về các loại nhạc cụ của ông ngày một dày dặn. Sau khi về xuôi, ông đã vận dụng và phục chế lại được hầu hết các loại nhạc cụ đó.
 |
Ông Lê Thái Sơn biểu diễn nhạc cụ do ông tự sáng chế. |
Đặc biệt ông đã sáng tạo ra cây đàn p’rông cách tân có hình dáng giống mái nhà rông của đồng bào Tây Nguyên, phím giống với đàn piano. Tất cả đều được làm từ tre, trúc và mỗi khi cất lên, người nghe có thể cảm nhận được âm hưởng hào hùng của núi rừng Tây Nguyên. Theo ông, để tiếng sáo, tiếng đàn được hay thì quan trọng nhất là phải lựa chọn được nguyên liệu tốt. Mùa đông, gần tết là thời điểm tre trúc già, lúc đó mang về phơi khô hoặc luộc rồi phơi khô rồi mới làm thành đàn.
Không chỉ sáng chế ra các loại sáo, ông còn dày công nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng sáo ngang 10 lỗ, sáo Mèo và tiêu”. Ông kể, trong những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga (năm 2005), sáo do ông sáng chế được các bạn Nga đánh giá cao. Tiếng sáo Mèo, sáo tiêu, sáo ngang của ông cũng đến được với bạn bè quốc tế tại Festival Huế, Liên hoan nghệ thuật Asean (năm 2013), ông được tặng giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” trong lĩnh vực âm nhạc. Điều khiến ông luôn trăn trở sau nhiều năm công tác trong ngành văn hóa là làm gì đó đưa công chúng đến với nhạc dân tộc nhiều hơn. Đó là lý do ra đời lớp dạy thổi sáo miễn phí của ông.
Anh Bùi Nhật Minh, một thành viên của lớp học chia sẻ: “Tôi rất thích các loại nhạc cụ dân tộc nhưng chưa tìm được lớp để theo học. Tình cờ biết lớp học miễn phí của thầy Sơn nên tôi đăng ký tham gia. Với sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy, đến nay tôi có thể tự thổi sáo".
Từ lớp học của ông Lê Thái Sơn có nhiều người thành danh, như Bùi Công Thơm, giải nhất độc tấu sáo toàn quốc năm 2008, Nguyễn Thị Trang, Bùi Công Thuyên, Nguyễn Xuân Chung đều đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia. Họ đang tiếp tục thay ông truyền lửa đam mê sáo cho giới trẻ. Ở độ tuổi thất thập, ông Sơn vẫn ấp ủ một số dự định sáng tạo những loại nhạc cụ mới để phục vụ người dân, góp phần vào việc bảo tồn nhạc cụ sáo trúc của dân tộc.
Bài và ảnh: VÂN ANH