Khi tôi còn ở dưới đơn vị, các bài viết của họ đối với tôi đã như những khuôn mẫu để nhìn vào mà nhắc mình phải không ngừng phấn đấu, trau dồi bản thân. Về “nhà số 7”, được thấy họ “bằng xương, bằng thịt” ở những khoảng cách gần gụi hơn, tôi không những không bị vỡ mộng (như hay xảy ra giữa người hâm mộ và các thần tượng) mà còn cảm nhận được thêm rất nhiều bài học và chi tiết sống để kính trọng và yêu quý họ hơn, như bác Trần Công Mân, Thiếu tướng, Tổng biên tập, rồi các Đại tá, nhà báo như: Phan Lang (tên thật: Phan Hiền), Lê Kim, Khánh Vân... và đặc biệt là chú Phạm Phú Bằng.
Đó là thế hệ mà càng về sau tôi càng hiểu rõ đã rất anh minh và may mắn đi qua được một giai đoạn không đơn giản trên hành trình làm nghề của mình và vẫn giữ được cho tới cùng ngọn lửa yêu nghề, yêu Quân đội, chân thành với nghề, với người. Họ đã chứng kiến rất nhiều thời khắc trọng đại, biết về nhiều yếu nhân, với tư cách phóng viên Quân đội đã tham gia vào nhiều sự kiện lớn... Họ có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển vững chãi của Báo QĐND nhưng phần lớn họ lại rất khiêm nhường, từ tốn trong phát ngôn, nhỏ nhẹ nhưng mạch lạc khi nhận xét về người khác và luôn có thể gieo cho lớp hậu sinh như tôi những hy vọng tốt lành về tương lai...
 |
Nhà thơ Hồng Thanh Quang (bên trái) chúc mừng “nhà báo không tính tuổi” Phạm Phú Bằng. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Với chú Phạm Phú Bằng thì tôi thực sự đã có một thâm tình. Giữa năm 1990, Tổng biên tập Báo QĐND là Đại tá Phan Khắc Hải (Phong Hải) đã có một quyết định mạnh dạn là thành lập Báo QĐND Thứ bảy, một dạng chuyên đề làm theo kiểu phóng khoáng hơn (nay ấn phẩm này được gọi là Báo QĐND Cuối tuần). Giờ nhìn lại thì thấy mọi sự có vẻ như đơn giản, nhưng ở thời điểm đó thì không hẳn đã như vậy. Tôi còn nhớ, tới cuộc họp gần như áp chót trước khi ra báo vẫn còn có ý kiến cho rằng, không nên ra vì “mặc áo the, đội khăn xếp thì không thể nhảy đầm được...”.
Tuy nhiên, Tổng biên tập Phong Hải đã động viên “những người được chọn” vào tòa soạn chuyên đề (do Phó tổng biên tập Phạm Huy Khảo phụ trách trực tiếp, gồm một số nhà báo thuộc loại tráng niên lúc đó ở tòa soạn như các anh: Phạm Quang Đẩu, Đỗ Trung Lai, Lê Hà, Hoàng Huân, Kinh Quốc... và phóng viên trẻ duy nhất, chưa đến 30 tuổi, là tôi) để ấn phẩm ra đúng thời hạn đã định. Người được chọn làm “cố vấn” của tờ QĐND Thứ bảy lúc đó là nhà báo Phạm Phú Bằng. Chính công việc ở Báo QĐND Thứ bảy đã cho tôi cơ hội được làm việc gần gụi với chú Phú Bằng.
Thực sự ở thời điểm đó, tôi cũng chưa ấn tượng mấy về những gì mà nhà báo Phạm Phú Bằng đã viết. Và cũng chưa thực sự hiểu nhiều về con đường chuyên môn mà ông đã trải qua. Điều mà tôi găm vào trong trí nhớ của mình nhất về ông là sự tôn trọng và tín nhiệm gần như tuyệt đối của tất cả mọi người đối với ông. Hình như không ai là không đánh giá ông là một nhà báo ở tầm trên so với xung quanh, giỏi chuyên môn và tốt tính... Sau này, trong những lần vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, có dịp gặp một số nhà báo lão luyện ở đây, tôi cũng từng được nghe nhiều lời nhận xét đầy cảm mến dành cho nhà báo Quân đội Phạm Phú Bằng, như thể ông cũng là một trong những cột mốc để soi vào đánh giá xung quanh.
Trong thời gian ở Báo QĐND Thứ bảy, tôi có lẽ cũng không phải là người quá gần gụi với nhà báo Phạm Phú Bằng. Tôi đã có một thời trẻ quá sôi nổi ở đấy, ham làm ham chơi, lắm khi đắm đuối vào nhiều chuyện đời thường. Mà chú Phạm Phú Bằng thì luôn là một người nghiêm ngắn (phu nhân của chú lúc đó làm việc tại bộ phận soạn thảo của tòa soạn, một người phụ nữ nghiêm túc, tần tảo, rất biết cách “tề gia” đối với một ông chồng là nhà báo!). Tôi ít được chú rủ đi chơi. Nhưng lại được chú sớm rủ cộng tác. Khi ấy, mặc dù là người của Báo QĐND nhưng chú vẫn là nhân vật có uy tín với nhiều tòa soạn báo khác, đặc biệt là ở phía Nam.
Có những giai đoạn chú đã tạo cho tôi một cơ hội để trau dồi thêm nghề nghiệp và có thêm nguồn thu nhập chính đáng khi rủ tôi (và anh Đỗ Trung Lai, anh Lê Hà...) cộng tác với một số ấn phẩm chuyên đề, trong đó có tờ Vũng Tàu Cuối tuần mà Tổng biên tập là nhà báo Phạm Quốc Toàn, vốn từng là phóng viên của Báo QĐND. Ở thời điểm đó, cũng phải hiểu nhau và thương nhau lắm mới rủ nhau làm những việc này.
Tiếp xúc với chú Phạm Phú Bằng rất dễ chịu. Chú không bao giờ khiến cho người khác cảm thấy “chật chội” vì sự có mặt của mình. Chú luôn có thể giúp ta trau dồi thêm kiến thức, thu thập thêm thông tin. Chú đặc biệt có duyên khi kể về những chuyến đi công tác của chú mà ta không được trực tiếp chứng kiến. Tôi nghe mà thấy vô cùng mê và khâm phục, bởi những chi tiết đời thường hấp dẫn, cách nhìn hóm hỉnh và cách ứng xử hào hoa của người kể.
Đã có những lúc nghe chú kể xong thì nhìn vào bản thân, tôi bỗng thấy mình sao mà tẻ nhạt và tầm thường đến thế so với một trưởng lão như chú! Khi tôi nói lại cảm giác này với một ông anh trong nghề cũng thân với chú, anh ấy bảo: “Cậu đừng cả tin quá, bác ấy cũng “mô-li-phê” thêm đấy...”. Tôi đáp, cứ cho là thế đi, nhưng “mô-li-phê” được như thế thì cũng phải có thực tế rất tuyệt mới được, không bột sao gột được nên hồ.
Chú Phạm Phú Bằng lúc đó dù ở tuổi khá cao so với tôi, nhưng đã luôn tỏ ra nhạy bén với những cái mới và rất khéo động viên tôi khi tôi có những cái mới tìm tòi trong cách hành nghề. Khác với nhiều đồng nghiệp, chú không bao giờ có những nhận xét tiêu cực về người khác, luôn luôn biết tìm ra những điểm mạnh của họ để động viên, khen ngợi... Chú trở thành phóng viên Báo QĐND từ thời Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chú có mặt ở tòa soạn trong thập niên 1960 đầy biến động và chứng kiến không ít chuyện rất có giá trị lịch sử. Tuy nhiên, chú cũng tương đối thận trọng khi nói về quá khứ chưa xa và những vận hạn trong nghề. Với tôi, bằng bản năng nghề nghiệp bẩm sinh, tôi đã luôn có cách hỏi để nhận được từ chú những điều cần biết khi đang phân vân về những sự kiện này hay những sự kiện khác liên quan tới lịch sử. Và vì thế tôi cũng hiểu thêm về chú. Hiểu thêm về tòa soạn Báo QĐND yêu quý với những trang biên niên sử hào hùng và cả bi tráng của những thế hệ trí thức mặc áo lính, cầm bút tận tụy phục vụ Quân đội và đất nước.
Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng là người xứ Quảng, quê ở huyện Điện Bàn. Cụ nội là danh nhân Phạm Phú Thứ, thời vua Tự Đức, một vị quan được đánh giá là tài cao, học rộng, có tư duy canh tân nhưng cũng khá lận đận trên hoạn lộ. Thân phụ của chú là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, từng làm Tổng đốc Bình Phú (bao gồm hai tỉnh Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ phong cấp Đại tá Quân đội, Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam... Cụ Phạm Phú Tiết là tác giả của một số cuốn sách có giá trị, được người đời đánh giá là độc đáo, trong đó có cả sách về nghệ thuật tuồng...
Có lần chú Phạm Phú Bằng kể với tôi về chuyện một ông học giả Việt Nam sang Romania làm luận án Tiến sĩ về tuồng, trong đó có sử dụng những trích đoạn từ tác phẩm của cụ Phạm Phú Tiết nhưng không ghi rõ nguồn. Tôi hỏi sao chú không lên tiếng đi? Chú đáp, thôi, kệ người ta cháu ạ!... Với tôi, chú Phạm Phú Bằng trong mọi mối quan hệ đều rất hiền lành, đôi khi có vẻ như quá nhu, cái nhu của người bẩm sinh rất mạnh về tâm thế nên luôn cảm thấy mình có trách nhiệm cư xử gượng nhẹ hơn với người đời. Nhiều nhân vật quê gốc Quảng Nam cho tới bây giờ vẫn giữ nguyên tính “hay cãi” truyền thống, nhưng chú Phạm Phú Bằng thì không...
Hà Nội, tối 18-3-2024
HỒNG THANH QUANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.