Nhân dịp Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu với bạn đọc cảm nhận , suy nghĩ về nghề báo, viết báo, làm báo của các nhà báo Việt Nam, nước ngoài, cả chuyên nghiệp và không chuyên.

Thượng úy, nhà báo Nguyễn Hồng Anh (Trung tâm Phát thanh và truyền hình Quân đội): Luôn xác định tâm thế dấn thân, không ngại khó khăn, gian khổ

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đã có cơ duyên được làm việc trong môi trường quân đội.

Là nhà nhà báo trẻ, tôi luôn theo sát hoạt động, phản ánh sinh động hoạt động của lực lượng quân đội tại những điểm nóng. Chính điều đó như tiếp động lực cho tôi trong nghề nghiệp.

 Thượng úy, nhà báo Nguyễn Hồng Anh (trái) đang tác nghiệp.

Bén duyên với nghề báo, tôi luôn xác định tâm thế dấn thân, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để cho ra đời những tác phẩm báo chí tâm huyết. Trong những đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, tôi và đồng nghiệp luôn ở tuyến đầu chống dịch cùng với lực lượng quân y.

Trong những giây phút khó khăn trong dịch bệnh, có nguy cơ phơi nhiễm bất kỳ lúc nào, nhưng tôi không bao giờ chùn bước. Được theo bước những cán bộ, chiến sĩ trong tâm dịch, tôi càng hiểu rõ hơn sự vất vả, khó khăn của người lính nơi tuyến đầu.

Những hình ảnh đó đã giúp tôi có nhiều ý tưởng và hiện thực thành các tác phẩm báo chí sâu sắc. Với những trải nghiệm sâu sắc trong hoạt động tác nghiệp, tôi cảm thấy mình có duyên với nghề báo và càng trân trọng nghề nghiệp đáng quý này.

Trong tương lai, tôi sẽ nỗ lực hơn nữa, mang sức trẻ và nhiệt huyết để cho ra đời những tác phẩm báo chí phản ánh sinh động hoạt động của đời sống bộ đội dù ở bất kỳ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào

TUẤN SƠN (ghi)

------------------------

Nhà báo ĐẶNG LÊ CHI (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội): Làm báo là một nghề vất vả, hiểm nguy nhưng mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị

Đến bây giờ sau hơn 20 theo đuổi sự nghiệp làm báo, tôi thấy rằng, sự lựa chọn thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền năm xưa của mình là rất đúng đắn.

Cho dù làm báo là một nghề vất vả, hiểm nguy nhưng mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi được đi đến nhiều vùng đất, nhiều địa điểm để thực hiện những phóng sự truyền hình với nhiều đề tài, thể loại. Trong đó có những phóng sự, chương trình khắc họa đậm nét hình ảnh con người Hà Nội và mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Là người được sinh ra và lớn lên tại Thủ đô nên với tôi, mỗi khuôn hình, từng lời bình trong các tác phẩm của mình, tôi đều muốn thể hiện đậm nét về một Hà Nội thanh lịch, hào hoa.

Nhà báo Đặng Lê Chi tác nghiệp tại một điểm "nóng" của dịch bệnh.

Không chỉ có những phóng sự về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Thời gian vừa qua, tôi đã cùng với đồng nghiệp đi vào tâm dịch để phản ánh về sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Những khoảnh khắc được tiếp xúc trực tiếp với các y, bác sĩ và những bệnh nhân F0 trong các khu chữa bệnh, khu cách ly, tôi cảm nhận rõ hơn tinh thần “chống dịch như chống giặc” của người dân Việt Nam. Đến nay, cho dù dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp nhưng tôi tin một ngày không xa nữa, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tôi tin rằng, Đại hội sẽ bầu ra một Ban chấp hành mới để xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước ngày càng phát triển.

KHÁNH HUYỀN (ghi)

--------------

 Đại úy PHẠM TRUNG KIÊN, Trợ lý đối ngoại Văn phòng Bộ tư lệnh Hóa học: Tôi học được nhiều từ cách tác nghiệp của phóng viên Báo Quân đội nhân dân

Trong năm 2021, Đội tuyển Hóa học Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 tại Korla, Tân Cương, Trung Quốc.

Tôi với vai trò là Trợ lý đối ngoại Văn phòng Bộ tư lệnh Hóa học theo đoàn với nhiệm vụ làm công tác đối ngoại cũng như truyền thông của đội tuyển. Trước khi lên đường có phần lo lắng, bởi năm nay duy nhất đội tuyển thi đấu tại Tân Cương, Trung Quốc, còn các đội khác thì chủ yếu thi đấu ở Nga và một số nước khác.

Đang lo lắng là vậy, thì nhìn danh sách đoàn đi sang Tân Cương, Trung Quốc có thêm một đồng chí phóng viên của Báo Quân đội nhân dân đi cùng. Mọi lo lắng dường như biến mất, vậy là khá yên tâm về những nội dung thi đấu của đội tuyển gửi về Việt Nam rồi.

Đại úy Phạm Trung Kiên (ngoài cùng bên phải) cùng Đại úy Trịnh Việt Cường, phóng viên Báo Quân đội nhân dân và phiên dịch người Trung Quốc tại Thao trường Korla, Tân Cương, Trung Quốc.

Trong quá trình đội tuyển thi đấu, tôi cùng với đồng chí phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phối hợp rất ăn ý để tuyên truyền các nội dung thi đấu của đội tuyển. Từ viết kịch bản, quay video, chụp ảnh, viết tin, bài, dẫn hiện trường rồi gửi về Việt Nam để đăng tin, gửi hình cho kịp giờ phát sóng. Với nhiều nhiệm vụ cùng phải thực hiện một lúc như vậy nhưng vẫn hoàn thành và có sản phẩm gửi về, có thể nói đây là phóng viên 3 trong 1, thậm chí là 4, 5 trong 1.

Trong hơn một tháng tại Tân Cương, Trung Quốc, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều thú vị trong cách tác nghiệp của phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Điều tôi học hỏi được nhiều không chỉ là cách tìm hiểu, lấy thông tin, viết tin bài, mà còn là cách triển khai đề tài đó sao cho thuận lợi và nhanh nhất, chính xác nhất.

Ngoài ra, cách lấy khuôn hình khi quay video ra sao, quay bao nhiêu giây cho một khuôn hình thì vừa đủ. Đặc biệt, trước đây khi chụp ảnh, tôi chỉ biết cầm máy lên và chụp theo chế độ auto, nhưng qua Army Games 2021, tôi đã biết chụp ở chế độ Manual. Điều này, làm tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc và vui mừng, bởi vì việc này giúp ích rất lớn trong công việc của tôi sau này.

Không những thế, sau chuyến công tác vừa rồi, tôi càng quyết tâm mua một chiếc máy ảnh để vừa làm việc và vừa chụp cho người thân, lưu giữ lại những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình mình.

PHẠM KIÊN (ghi)

-----------------------

Phóng viên TẠ NGUYÊN, Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam: Mong muốn tiếp cận các phương thức làm báo hiện đại

Với một phóng viên từng có thời gian tác nghiệp giữa những ngày dịch Covid-19 nóng nhất, tôi mới thấu hiểu được bài học trước đây trên giảng đường đại học: “Nghề báo - nghề nguy hiểm”.

Nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ hãi, chùn bước. Nhận thức được trọng trách của một phóng viên giúp tôi cùng đồng nghiệp vững tin tác nghiệp. Không những thế, nhờ sự hỗ trợ, đồng hành từ tòa soạn nên khi tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như điểm lấy mẫu xét nghiệm hay khu điều trị bệnh nhân Covid-19, tôi cũng không ngần ngại gì vì công tác bảo hộ đều được tòa soạn trang bị chu đáo, từ quần áo, khẩu trang, mặt nạ… giảm thiểu nguy cơ rất nhiều.

Phóng viên Tạ Nguyên trong một lần tác nghiệp. 

Luôn ý thức được vấn đề an toàn, bản thân các phóng viên theo dõi ngành Y tế cũng luôn có các đồ bảo hộ, nước sát khuẩn mang theo mỗi lần đi tác nghiệp hay về cơ quan. Khi tác nghiệp tại các địa phương là điểm nóng của dịch Covid-19, chúng tôi đều nghe theo khuyến cáo của các đơn vị y tế, lực lượng chức năng… Không chỉ thực hiện các bước an toàn khi về cơ quan, lúc về đến nhà, tôi cũng thực hiện các bước sát khuẩn, tắm, thay quần áo để riêng… để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh.

Nhờ thực hiện nghiêm túc và bài bản những khuyến cáo của Bộ Y tế nên dù có thời gian dài tác nghiệp tại những điểm nóng, tôi và nhiều phóng viên khác vẫn “bình an vô sự”. Tuy nhiên, cũng có nhiều đồng nghiệp không may mắn như chúng tôi, chịu nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm. Dù thế, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ ngừng lại công việc của một phóng viên. Hạnh phúc của một người viết báo đơn giản là được thấy những dòng tin thời sự của mình đến nhanh nhất với độc giả.

Tác nghiệp giữa tâm dịch Covid-19 cho chúng tôi nhiều bài học thực tiễn. Từ việc làm sao truyền tải thông tin nhanh nhất đến việc tác nghiệp viết tin, chụp ảnh trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình. Cũng thật may mắn, vì trước khi tác nghiệp trong tâm dịch, tôi có cơ hội được học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức về cách làm video clip trên điện thoại. Điều này đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường.

Rõ ràng trong thời đại công nghệ 4.0, khi dòng chảy thời sự luôn có những diễn biến mới thì phóng viên cũng rất cần nhanh chóng nắm bắt những nghiệp vụ làm báo mới nhất để phục vụ cho việc tác nghiệp. Tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí mới, giúp các hội viên tiếp cận với công nghệ, với phương thức tác nghiệp báo chí hiện đại trên thế giới và trong khu vực, từng bước bắt kịp thông tin của thời đại.

Nắm bắt xu thế là một lợi thế nhưng làm sao để cho ra đời một tác phẩm có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội, đến dư luận, thực sự là công cụ hàng đầu của công tác tư tưởng của Đảng thì không phải phóng viên nào cũng làm được. Muốn làm được điều này, không còn cách nào khác là nâng cao nghiệp vụ báo chí thông qua thực tiễn tác nghiệp cũng như qua các khóa đào tạo.

BĂNG CHÂU (ghi)

-----------------------

Nhà báo ĐẶNG PHƯƠNG THỦY, Báo Đại biểu nhân dân: Nhà báo phải luôn đổi mới để không giam mình trong “cái bẫy” của sự một màu

Khi ngồi ở trong giảng đường đại học, điều những sinh viên báo chí chúng tôi được truyền dạy là những kiến thức về lý luận, triết học, thống kê học, mỹ học, văn hóa, tâm lý học và những kỹ năng cơ bản của quá trình tác nghiệp.

Thế nhưng, khi tham gia quy trình vận hành của một tòa soạn, tôi mới có cơ hội được “chiêm nghiệm” những bài học mà khi còn ở giảng đường chưa được tiếp cận. Đó là bài học về không ngừng đổi mới và sáng tạo.

  Phóng viên Đặng Phương Thủy (thư hai, bên trái) phỏng vấn bên lề Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN 

Theo dõi và làm tin về hoạt động của Quốc hội, tôi thấy rằng, trong một "rừng" thông tin ở tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, chúng tôi ý thức được rằng phải làm sao lựa chọn, phản ánh nhanh, đúng và phù hợp, vừa bám sát tôn chỉ mục đích của tòa soạn, vừa làm cầu nối giữa cử tri, nhân dân và bạn đọc. 

Trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội… tôi xác định, mỗi nhà báo cần đổi mới và sáng tạo để thích nghi được với xu hướng tiếp cận thông tin luôn vận động của xã hội, cũng như tạo sức thu hút cho tác phẩm của mình.

Quan trọng hơn, việc không lặp lại cách tư duy, phương thức triển khai một bài viết… là cách duy nhất để nhà báo không giam mình trong “cái bẫy” của sự một màu, năng lực không được khai phóng. Theo tôi, điều này nếu không vượt qua được dần dần sẽ tạo ra thụt lùi của nhà báo.

Khi biết một bạn đọc có thể nhận ra mình bất cứ khi tôi dùng bút danh nào đã khiến tôi rất lo lắng và trăn trở. Điều đó hối thúc tôi không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện mỗi ngày để cung cấp những tác phẩm chất lượng nhất đến bạn đọc, hoàn thành nhiệm vụ được giao và để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Một điều chắc chắn là, sau mỗi kỳ họp, sau mỗi năm hay mỗi sự kiện, tôi đều học hỏi được nhiều điều và trưởng thành hơn trên con đường làm nghề báo với tâm niệm phải cố gắng hơn nữa để có những bài báo chất lượng, sâu sắc hơn; hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo cơ quan và với độc giả thân yêu.

THẢO NGUYÊN (ghi)

----------------

Fei Qingduo, nguyên phóng viên thường trú Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Việt Nam: Ký ức về Việt Nam với tư cách nhà báo

Trong thời gian học tiếng Việt ở đại học, tôi đã qua Việt Nam nhiều lần, nhưng phần lớn là đi du lịch. Cho dù là công tác ở Việt Nam, cũng chỉ ngắn ngủi vài ngày thôi. Năm 2019, tôi được cơ quan cử đi thường trú tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam, lần đầu tiên quan sát Việt Nam bằng đôi mắt nhà báo.

Trong hơn hai năm làm việc tại Việt Nam, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình và tích cực của cơ quan chủ quản báo chí Việt Nam cũng như các đồng nghiệp và bạn bè Việt Nam. Chẳng hạn Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam là một cơ quan chủ quản, đã rất tận tình cung cấp các thông tin cho phóng viên nước ngoài, tổ chức các cuộc họp báo một cách nghiêm chỉnh và chu đáo, hơn nữa còn tổ chức cho phóng viên nước ngoài đi đến nhiều nơi để tìm hiểu phong tục tập quán của người dân Việt Nam. Có một lần tôi đi Huế tham gia Lễ hội văn hóa, do thiếu thông tin liên lạc với bên tổ chức chuyên phụ trách về phóng viên nước ngoài, tôi thử liên hệ với Vụ báo chí và được sự trả lời và hỗ trợ kịp thời về làm thủ tục lấy tin và còn nhờ địa phương cử riêng một nhân viên giúp đỡ tôi trong suốt quá trình tác nghiệp.

 

Fei Qingduo, nguyên phóng viên thường trú Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Việt Nam Fei Qingduo tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, các đồng nghiệp người Việt Nam cũng hết sức nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong thời gian làm việc ở Việt Nam, đặc biệt là các bạn đồng nghiệp ở những cơ quan báo chí lớn như: Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam... Qua những lần tương tác tại nhiều sự kiện, các bạn đã giúp tôi hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam. Những kiến thức đó đã giúp ích tôi rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Trong thời gian ở Việt Nam và khi hết nhiệm kỳ công tác về nước, tôi đã giới thiệu nhiều câu chuyện tình cảm về người Việt Nam cho khán thính giả Trung Quốc.

Còn một điều khiến tôi cảm động là nhân dân Việt Nam thân thiện và hiếu khách. Do công tác tại Việt Nam, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với người dân Việt Nam, từ các quan chức, chuyên gia đến người bình thường, phần lớn đều nhiệt tình kể lại câu chuyện của mình, giúp tôi hiểu thêm đất nước, con người Việt Nam.

VĂN DUYÊN (ghi)