Các thí sinh tại vòng thi chung kết

Vòng chung kết cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình (NDCTTH) – lần thứ III – 2006, do đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cát Tiên Sa phối hợp tổ chức, đã khởi động từ đêm 11-8 và sẽ kết thúc vào đêm 24-8. 12 thí sinh xuất sắc được tuyển chọn từ gần 400 thí sinh đến từ các địa phương trong cả nước qua hai vòng sơ tuyển và bán kết, bước vào cuộc so tài hấp dẫn, sôi động. 4 thí sinh có số điểm cao nhất sẽ bước vào đêm chung kết xếp hạng để lựa chọn người xứng đáng nhất cho danh hiệu Én Vàng. Cái được của cuộc thi không chỉ là việc “đãi cát tìm vàng” để tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ người dẫn chương trình (MC) đang trong cảnh “như lá mùa thu”, mà nó còn là sân chơi học hỏi, trau dồi khả năng ứng xử, giao tiếp cho mọi người, mọi giới...

Thú thực, ban đầu tôi cũng không mấy tâm huyết với cuộc thi này, vì nghĩ đây chỉ là hoạt động của đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm nhân tài bổ sung cho đội ngũ MC. Khi đến khu nhà trọ công nhân ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tôi tình cờ bắt gặp một nhóm bạn trẻ đang say sưa dán mắt lên màn hình theo dõi những hình ảnh của cuộc thi NDCTTH vòng bán kết. Hoàng Thị Thu Hương, sinh viên ngành hướng dẫn viên du lịch, đang thực tập tại Khu Du lịch Bửu Long nói:

- Tụi em phải thâu vào đĩa VCD các chương trình này để tham khảo. Tụi em học hỏi được rất nhiều điều từ cách xử lý ngôn ngữ đến phong cách, cử chỉ giao tiếp, ứng xử.

Các bạn cùng dãy nhà trọ với Hương, người làm nhân viên văn phòng, người là công nhân, giáo viên... tất cả đều rất thích thú và coi chương trình này là cơ hội học hỏi bổ ích để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho nghề nghiệp và cuộc sống.

Tôi đem chuyện này kể cho nhà báo Xuân Quang, Phó trưởng ban Tổ chức cuộc thi NDCTTH – 2006 nghe. Anh phấn chấn nói:

- Từ thành công của hai lần thi trước, chúng tôi quyết tâm nâng cấp cuộc thi thành một Gameshow truyền hình phục vụ khán giả. Các Gameshow hiện có thường thiên về giải trí, nhưng ở cuộc thi NDCTTH, chúng tôi muốn tạo một sân chơi cho khán giả về rèn luyện kỹ năng nói, giao tiếp, ứng xử - những kỹ năng rất cần thiết trong thời hội nhập.

Để đạt được tiêu chí này, Ban tổ chức đã đổi mới hình thức và nội dung cuộc thi so với hai lần trước. Từ vòng bán kết và chung kết được truyền hình trực tiếp, các thí sinh phải dẫn lại một chương trình của đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với một phong cách hoàn toàn khác so với MC chính của chương trình đó. Tiếp đó là làm MC giao lưu với những người nổi tiếng. Nội dung thi các thí sinh được chuẩn bị từ trước, nhằm tạo sự công bằng giữa thí sinh và đội ngũ MC hiện tại của “nhà đài”, đồng thời để khán giả khách quan trong việc so sánh, đánh giá. Trước khi bước vào cuộc thi, các thí sinh đã được các chuyên gia, nghệ sĩ tên tuổi tư vấn, bồi dưỡng, hướng dẫn rất bài bản về sử dụng trang phục, cách phát âm, phương pháp dẫn chuyện, cách làm chủ sân khấu, nghệ thuật giao lưu... để tăng phần hấp dẫn, phong phú cho Gameshow này. Qua những đêm thi cho thấy, phần dẫn lại một chương trình có sẵn, các thí sinh thực hiện khá trôi chảy, tạo nên sự đa dạng về phong cách. Nghệ sỹ Quyền Linh, thành viên Ban Giám khảo nhận xét: Dẫn lại một chương trình đã được những gương mặt truyền hình khẳng định “thương hiệu”, quan trọng nhất là tránh sự lặp lại, bắt chước phong cách của người đó. Đáng mừng là nhiều thí sinh rất sáng tạo trong cách dẫn, thổi vào chương trình một phong cách mới, giọng điệu mới, tạo nên hiệu ứng mới. Có những cái mới do thí sinh sáng tạo rất đáng để cho những MC chuyên nghiệp học hỏi.

Ở phần giao lưu với những người nổi tiếng là một thử thách không nhỏ đối với thí sinh. Nhược điểm thường thấy là thí sinh thiếu sự linh hoạt, sáng tạo, hay hỏi những câu sáo rỗng, mòn, lặp lại, nêu câu hỏi dài lê thê. Hầu như thí sinh nào cũng đặt những câu hỏi đại loại như “Cảm tưởng của anh/chị lúc này ra sao?”, “Để có thành công hôm nay anh/chị có bí quyết gì”..., gây tâm lý nhàm chán. Thí sinh Lý Thùy Dương tâm sự: Mặc dù Dương làm nghề hướng dẫn viên du lịch, thường xuyên phải sử dụng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, diễn giải, song khi bước vào cuộc thi vẫn không tránh khỏi lúng túng, tâm lý. Theo ông Nguyễn Chí Tân, Phó Giám đốc đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, một người DCTTH cần phải hội tụ đủ các tiêu chuẩn về ngoại hình, giọng nói truyền cảm, có kiến thức văn hóa nhất định, khả năng ứng xử thông minh, hoạt bát, xử lý tình huống linh hoạt, biết tạo không khí, tạo hiệu ứng tình cảm cho khán giả, nắm bắt và làm chủ văn bản nhanh, đối đáp linh hoạt, uyển chuyển, hóm hỉnh... Tìm được người có đủ tiêu chuẩn như vậy là cực khó. Thế nên hiện nay ở đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (và thực trạng chung của các “nhà đài” khác) là rất thiếu MC. Người vừa có khả năng soạn thảo văn bản vừa dẫn lại càng khó. Hầu hết các MC đều phải sử dụng văn bản của người khác soạn thảo để... nói.

Nếu như các vòng thi tránh được sự lặp đi lặp lại hai phần thi, có sự đổi mới, linh hoạt hơn về cách thức thể hiện; nếu như Ban Tổ chức lược bớt đi những thủ tục rườm rà, tốn thời gian trước màn thi chính thức của các thí sinh; và nếu như hai MC Quỳnh Hương và Quỳnh Trâm bớt bình luận theo cảm tính (có khi làm thay phần việc của Ban Giám khảo)... thì tính hấp dẫn của Gameshow truyền hình mới mẻ này sẽ trọn vẹn hơn...

Với khán giả (nhất là giới trẻ) thì sân chơi này thực sự bổ ích. Làm MC, suy cho cùng là tìm cách nói đi vào lòng người. Không chỉ trên truyền hình, sân khấu, mà trong cuộc sống thường nhật, chúng ta vẫn luôn luôn cần tố chất MC. Một buổi họp lớp, một cuộc dạ hội, giao lưu... và khi tham gia sinh hoạt ở cơ quan, công sở, đơn vị, hay cùng bạn bè đi picnic, dự đám cưới... bạn cũng không bao giờ muốn mình sa vào trạng thái thụ động, rụt rè, nhút nhát “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Muốn thế thì phải rèn luyện, phải học hỏi. Gameshow Người dẫn chương trình truyền hình là một sân chơi đáp ứng phần nào điều ấy...

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN