Tại buổi lễ trao quyết định thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên phát biểu chào mừng, bà Mai Thị Thúy Nga, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, áo dài đã vượt qua nhiều thử thách, để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, vừa hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

leftcenterrightdel
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chúc mừng sự kiện thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái nguyên .

Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của trang phục áo dài, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức và tham gia nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, lan tỏa giá trị của áo dài, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản áo dài như: Tổ chức “Tuần lễ áo dài” từ ngày 1 đến 8-3 hằng năm; chương trình tặng áo dài “Trao gửi yêu thương”; tặng “Tủ áo dài” cho cơ sở hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên; các cuộc thi ảnh áo dài online, hình thành các trang mạng xã hội chia sẻ vẻ đẹp của áo dài Việt Nam…

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Bà Hàn Thị Phượng, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết, CLB hiện có hơn 500 hội viên, hy vọng sau khi CLB chính thức ra mắt sẽ tăng thêm nhiều hội viên trong tỉnh tham gia. Thông qua các hoạt động của CLB, các thành viên luôn đoàn kết, tăng cường kết nối, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau; tích cực tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về áo dài Việt Nam, gắn kết cộng đồng yêu thích áo dài, tạo ra một môi trường thân thiện và sáng tạo, trở thành một địa chỉ tin cậy cho người Thái Nguyên được gửi gắm những tác phẩm, những sáng kiến tôn vinh áo dài.

leftcenterrightdel
 Ban chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam trao chứng nhận tới CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.

“Thái Nguyên có 46 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có sắc màu, hoa văn trang phục đặc trưng, kết hợp với kiểu dáng phong phú sẽ góp phần tạo nên những chiếc áo dài mang nét đặc trưng của từng dân tộc. Theo đó, CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chính là sự khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm giữ gìn áo dài, giáo dục ý thức bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam”, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho hay.

leftcenterrightdel
 Trình diễn bộ sưu tập áo dài đậm màu sắc cộng đồng các dân tộc tỉnh Thái Nguyên của nhà thiết kế Hàn Phượng tại sự kiện.

Phát biểu tại lễ trao chứng nhận thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam thuộc Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam cũng cho biết, việc ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Thái Nguyên là hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực tôn vinh áo dài, với sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa trên bộ quốc phục của dân tộc, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tin, ảnh: HÀ ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.