Tới dự tọa đàm có các đồng chí: Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh: “80 năm qua kể từ ngày Bản Đề cương về Văn hóa (1943) ra đời, văn hóa Việt Nam đã tiếp bước phát triển và có nhiều thành tựu rực rỡ. Chính văn hóa nâng bước cho con người, dân tộc Việt Nam tỏa sáng. Do đó, những chia sẻ, trao đổi, hiến kế của các nhà quản lý, nhà lý luận, nhà báo... tại tọa đàm có vai trò quan trọng trong nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam trước bối cảnh khoa học, công nghệ và giáo dục quyết định sự thành bại của quá trình phát triển đất nước”.
Trao đổi tại tọa đàm, các vị đại biểu đều khẳng định giá trị thực tiễn to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Bàn về nhân nhân tố con người và đội ngũ trí thức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho hay: “Được hình thành từ năm 1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đầu tiên và xuyên suốt qua 80 năm hun đúc ngày càng được nhận diện một cách sâu sắc, rõ ràng hơn trong việc đề cao vai trò của con người và đội ngũ trí thức. Dựa trên những hệ giá trị chuẩn mực của con người thì chúng ta sẽ xây dựng một đội ngũ tri thức mới toàn diện, những con người mới để phục vụ hiệu quả công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới”.
    |
 |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại tọa đàm
|
Nhằm đưa đưa chính sách văn hóa vào thực tiễn cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh 4 giải pháp cốt lõi bao gồm: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức hiện nay, hoàn thiện thể chế về chính sách dành cho văn hóa; thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; thứ ba, thể chế hóa các đường lối về văn hóa-đối ngoại; thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên.
Tin, ảnh: HỒNG PHÚC - PHƯƠNG THẢO