QĐND - Cung đường trước khi khởi công là cánh rừng già xanh ngút ngát. Những lán nhỏ của các cô gái ẩn mình bên con suối nhỏ. Con suối ngoằn ngoèo theo triền dốc, trôi nhẹ nhàng trên mặt đá cuội, lách qua những tảng đã lớn rồi đổ xuống dòng Nậm Ti tận dưới đáy thung lũng. Việc ngụy trang được làm rất cẩn thận nên máy bay địch chưa phát hiện được chúng tôi. Triền núi dốc, máy ủi thì chỉ có một chiếc nên các cô gái vất vả lắm. Họ dùng xẻng, xà beng xẻ ta-luy, dùng quang gánh, xe cút kít chuyển đất, tóc bê bết bụi, lưng đẫm mồ hôi. Hôm ấy trời đổ một trận mưa bất chợt. Đó là trận mưa rơi rớt cuối mùa. Đất trên công trường quánh lại, chỗ nào đi được thì trơn như đổ mỡ. Tôi đang đi dọc theo tuyến kiểm tra tình hình thi công, chợt nghe một tiếng “Ối!” thất thanh. Tôi lao về phía ấy và phát hiện cô gái đang bám vào một thân cây nhỏ trên triền ta-luy âm. Ta-luy âm chỗ ấy dốc lắm. Nếu tuột tay, thật khó tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra. Một bên quang cùng sọt đất mà cô gánh đã lăn xuống tít xa. Vất vả lắm tôi mới kéo được cô gái lên. Lực kéo quá mạnh, nên khi lên khỏi mái dốc, cô gái phải ôm lấy cổ tôi để giữ thăng bằng. Có cái gì đó như một luồng điện chạy khắp người khi tôi chạm vào ánh mắt cô gái. Chao ôi, đôi mắt đen láy, sâu thẳm. Tôi cũng nhận ra cánh tay mình đang ôm vòng qua cái đáy lưng ong tròn lẳn. Đôi má cô gái ửng đỏ. Khi đó, nhiều người đã chạy đến. Cả hai chúng tôi lúng túng buông nhau ra. Cô đại đội trưởng nói với tôi: “Cảm ơn anh. Anh đã cứu một em gái xinh đẹp đảm đang nhất đại đội đấy”. Sau lần ấy, tôi cứ mơ màng nghĩ về em. Nhưng mấy lần đi kiểm tra tuyến, để ý tìm giữa công trường tấp nập màu áo xanh con gái, mà không gặp.

Buổi chiều sau khi thông đường, tôi lội dọc theo con suối tìm cảm giác thư thái sau những ngày thi công cực nhọc. Giẫm chân lên thảm đá cuội nâu đen, ngắm những cành cổ thụ với những chùm phong lan hồng, trắng la đà xuống mặt nước. Bỗng gần lắm vang lên một giọng con gái trong vắt: “Ngoài song thưa có con chim non cả đêm hót véo von…”. Tôi vô cùng ngạc nhiên. Bài hát này thuở học trò chúng tôi hay hát. Rồi những ngày sinh viên sơ tán, tôi và mấy đứa bạn thân thường rủ nhau ra bờ suối bập bùng ghi-ta hòa bè hát. Ở nơi rừng núi Trường Sơn ác liệt chỉ có những bài ca hừng hực lửa chiến đấu này, ai đang hát một bài hát dịu dàng như vậy? Tôi bỗng thấy tò mò và phấn khích. Một cô gái đang ngồi bên suối mải mê vừa khâu vừa hát. Tôi nhẹ nhàng đi tới. Cô gái ngẩng lên. Cả hai chúng tôi cùng sững người.

- Ôi, anh! Từ sau hôm anh cứu em khỏi lăn xuống vực, em để ý trên công trường mà chẳng thấy anh.

- Anh cũng vậy. Hôm nay thật may mắn được gặp lại em, lại biết em hát rất hay.

- Anh đừng quá khen thế - em liếc xéo khiến con tim tôi bất chợt đập liên hồi.

Tôi ngồi xuống bên em:

- Làm đường giữa Trường Sơn khắc nghiệt này, sức con trai như bọn anh còn thấy mệt thì chắc các em càng vất vả.

Em cười:

- Bọn em quen rồi anh ạ. Chỉ có điều chưa quen được là nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm.

- Quê em ở đâu?

- Em ở Hà Nội, đang học năm cuối trường Bưởi thì tình nguyện vào bộ đội.

Nghe vậy, tôi vừa ngạc nhiên và tự hào. Ngạc nhiên vì thật khó tưởng tượng giữa Trường Sơn gian truân ác liệt này lại được gặp một người cùng trường. Tiếc là tôi ra trường đã lâu nên không biết em. Em và tôi đã nhanh chóng thân quen. Chúng tôi kể cho nhau về những giờ ra chơi dưới sân trường rợp bóng những cây xà cừ cổ thụ, về những chiều hè bơi ở Hồ Tây, về những đêm văn nghệ của trường, mà chúng tôi đều trong tốp ca của lớp thời đi học. Rồi em khoe với tôi:

- Em vừa được báo sáng mai lên Binh trạm bộ nhận nhiệm vụ làm nhân viên trực tổng đài. Lên đấy là cơ quan, phải tươm tất. Bởi vậy, em phải khâu vá sửa lại áo quần cho ngay ngắn.

- Em thích làm lính thông tin lắm sao?

- Thích lắm anh ạ. Ở tổng đài, em sẽ hiểu biết nhiều hơn các đơn vị trong binh trạm và cuộc chiến đấu của họ. Em sẽ cố gắng không phụ lòng tin cậy của các thủ trưởng.

- Vậy em có biết việc em lên trực tổng đài cũng là điều may mắn cho anh không?

- Vì sao vậy anh?

- Đơn vị nữ của em được điều đi mở một cung đường khác. Còn anh sẽ chỉ huy đại đội bảo đảm giao thông ở cung đường này. Như vậy, hằng ngày báo cáo tình hình về binh trạm, anh lại có cơ hội được nghe tiếng em.

- Em cũng vậy. Em cũng lại được nghe tiếng anh.

Đúng lúc ấy, có tiếng kẻng vang lên. Em vội đứng dậy:

- Đến giờ rồi, em phải về họp đây.

Em chạy về phía lán. Đến lúc ấy, tôi mới chợt nhận ra chúng tôi chưa biết tên nhau. Tôi nói với theo:

- Anh tên Hưng, còn em?

Em quay lại, bụm hai bàn tay làm loa:

- Em tên là Oanh Vũ.

Tôi tần ngần nhìn theo cái dáng thon thả của em khuất sau lối rẽ. Sao cha mẹ khéo đặt tên em thế. Oanh vũ là loài chim rất đẹp, hót hay. Trong kinh Phật, đây là loài chim biểu tượng cho lòng hiếu thảo. Phải chăng nhờ đức tính ấy, dù xuất thân từ Thủ đô, em vẫn là cô gái đảm?

Thông đường được một tuần thì cung đường đã trở thành trọng điểm. Chỉ chưa đầy một tháng, những trận bom nối nhau đã băm nát cánh rừng già. Con đường nhỏ nhoi cứ oằn mình đi giữa những hố bom. Một buổi sáng mùa khô đúng vào phiên em trực tổng đài, mặt trời chưa nhô lên khỏi ngọn núi và khói bom trên trọng điểm chưa tan. Tôi báo cáo về binh trạm tình hình đánh phá của địch đêm qua: Hai trận B52; hai lần tọa độ và một trận máy bay địch thả pháo sáng, bắn phá bổ nhào; hai xe cháy, ba người trong đơn vị và một chiến sĩ lái xe hy sinh. Sau khi người sĩ quan trực ban cúp máy, tôi nghe tiếng sụt sịt trên đường dây.

- Oanh Vũ, em khóc phải không? Sao em lại khóc?

- Em thương anh quá - Giọng em nghẹn ngào.

- Nhưng chỗ anh ngày nào chẳng thế.

Em bỗng khóc òa:

- Anh ơi. Em sợ mất anh lắm. Bom đạn nó đâu có chừa ai!

Nghe câu ấy, tôi cảm động đến tức thở. Chúng tôi ở hai đầu dây, đôi khi tranh thủ vài phút rảnh rỗi hiếm hoi để nói chuyện. Đường dây thông tin của tuyến lửa ác liệt này đâu phải là nơi dành cho việc tỏ tình. Nhưng hôm nay tiếng khóc và giọng nói nghẹn ngào của em dường như đã nói lên tất cả. Tôi yêu em. Tôi biết ơn em. Tôi pha trò để em bớt căng thẳng:

- Em yên tâm đi. Anh đầy kinh nghiệm rồi. Bom Mỹ không dễ tìm anh đâu. Trái lại, em phải cẩn thận. Em đẹp thế, thằng phi công nào nhìn thấy là nó nhảy xuống bắt em đi đấy.

- Người ta đã lo đến thắt lòng mà mình thì cứ đùa - Em hờn dỗi, nhưng đã vui trở lại.

Trải bao trận đánh phá khốc liệt của máy bay Mỹ, trọng điểm của tôi vẫn đứng vững. Ngày 27-1-1973, ngay sau ngày ông Công ông Táo lên trời, Hiệp định Pa-ri đã được ký kết. Vậy là từ nay sẽ không còn máy bay Mỹ trên bầu trời Tổ quốc. Chúng tôi mơ tới ngày bầu trời trên đất Triệu Voi cũng sẽ xanh ngắt, không còn tiếng gầm rít của máy bay, và giữa ban ngày, những đoàn xe của chúng ta sẽ ung dung nối nhau vào mặt trận. Tết cũng sắp đến rồi. Binh trạm dự định tổ chức liên hoan thật lớn để mừng năm mới, mừng thắng lợi của Hiệp định Pa-ri. Tôi được Ban Chính trị Binh trạm mời lên chủ trì tổ chức các tiết mục văn nghệ.

Xế chiều ngày 28 tháng Giêng, ngày đầu tiên sau Hiệp định Pa-ri, tôi đang ngồi trong hầm của cơ quan Chính trị, vạch đề cương cho các tiết mục văn nghệ, thì bỗng nghe thấy những tiếng rít ghê rợn và tiếng nổ bốn bề. Căn hầm như đưa võng. Không biết do tai ù đặc hay bom nổ quá gần mà chỉ thấy những tiếng "ịch, ịch". Khói lùa vào hầm sặc sụa. Rồi im lặng, rồi lại chao đảo, đúng theo quy luật của những trận B52. Một phút im lặng nặng nề trôi qua. Có tiếng súng báo thương vong. Tiếng súng từ tổng đài thông tin. Tôi lao ra khỏi hầm, hét lớn: “Tổng đài bị rồi!”, rồi vớ lấy cái xẻng và túi thuốc cá nhân lao về phía đó. Quanh tôi, tiếng người chạy rầm rập. Họ chạy vòng qua các hố bom, chui qua những thân cây đổ. Rồi tản về những phía có tiếng súng báo thương vong. Tôi không thể tin vào mắt mình. Căn nhà của tổng đài tan nát giữa những hố bom. Phải vất vả lắm, mọi người mới dỡ được tấm mái lá sập và thân cây đổ để lách vào trong. Cả kíp trực tổng đài đã hy sinh. Máu họ nhuộm đỏ cuốn nhật ký điện thoại và những búi dây, phích cắm. Còn Oanh Vũ thì gục trên bàn, bàn tay đang nắm chặt tổ hợp. Tôi nhẹ nhàng gỡ chiếc tổ hợp, bế em lách qua những cột kèo ngổn ngang. Ra khỏi căn nhà đổ nát, Tôi đặt em lên một vạt cỏ hiếm hoi. Trời ơi, một mảnh bom đã găm lên đầu em. Máu bết lại dưới mái tóc đen dày. Em nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Tình cờ, từ trong túi áo quân phục của em rơi ra một mảnh giấy nhỏ. Tôi nhận ra nét chữ của mình: "Vũ ơi. Tối nay tập văn nghệ lúc 7 giờ ở phòng họp cơ quan. Em nhớ nói các bạn đến đúng giờ nhé". Dưới dòng chữ đó là nét chữ của em: "Anh Hưng ơi, anh chỉ viết được cho em mấy chữ ngắn ngủi thế này thôi sao?". Tôi nghẹn ngào ôm chặt thi thể em vào lòng. Ráng chiều đã nhuộm vàng đỉnh núi. Đêm sắp xuống rồi. Từ đêm nay, con chim Oanh Vũ của tôi sẽ không còn hót véo von nữa. Có cái gì chẹn ngang cổ họng. Tôi không thể kìm được dòng nước mắt rơi xuống khuôn mặt xinh đẹp của em. Oanh Vũ ơi, anh muốn viết cho em nhiều điều lắm. Chúng mình đã yêu mà không kịp nói. Bom Mỹ sắp chấm dứt rồi, sao em không ráng thêm chút nữa, em ơi!

Truyện ngắn của HỒ SỸ HẬU