Đây được coi là buổi gặp mặt “nóng” trong giới điện ảnh và báo chí về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (Hãng), nhất là từ khi Vivaso tiếp quản và đổi tên Hãng phim Truyện Việt Nam sang tên mới: Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (gọi tắt là Công ty).

Mở đầu cho những bức xúc, đạo diễn Nguyễn Đức Việt đưa ra hai hiện vật là chiếc bi đông và mũ sắt, hai đạo cụ từng xuất hiện trong các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam, trong đó nổi  tiếng có phim “Biệt động Sài Gòn”. Đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho hay, hai đạo cụ này có thể coi là di sản của nền điện ảnh nước nhà, thế nhưng anh đã rất bất ngờ khi tìm thấy trong quang gánh của một chị bán đồng nát, ngồi ngoài địa  phận của Công ty. Phải chăng, ban lãnh đạo Công ty đã hoàn tất thủ tục cổ phần hóa thì không còn coi giá trị, di sản của một đơn vị sản xuất phim có tuổi đời 60 năm cũng như không tôn trọng cống hiến của anh em nghệ sĩ? Thẳng thắn nhận trách nhiệm, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho biết, trong thời gian qua, Công ty đã tiến hành dọn dẹp trụ sở, bởi hầu hết các phòng, kho rất nhiều rác, nhà xưởng chủ yếu là nhà cấp 4, không có ai dọn dẹp. Trong quá trình dồn phòng và kiểm kê tài sản, hiện vật, đạo cụ đều có văn bản kiểm kê. Tuy nhiên, để thất thoát các đạo cụ quý, có giá trị như hai hiện vật kể trên, ban lãnh đạo Công ty sẽ quy trách nhiệm cho người thực hiện kiểm kê khi để thất lạc trong quá trình dọn dẹp.

leftcenterrightdel
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt đưa ra hai đạo cụ mà anh đã chuộc lại từ chị bán đồng nát. 
Vấn đề bức thiết mà các nghệ sĩ nêu ra trước ban lãnh đạo Công ty là việc chi trả lương. Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cho hay, theo ban lãnh đạo mới cam kết sẽ chi trả lương theo bảng lương cũ của Hãng, lẽ ra anh được hưởng 2,8 triệu đồng/tháng, nhưng tháng 7 anh chỉ được tạm ứng 1 triệu đồng. Có nhiều người ở các phòng khác như biên kịch, quay phim không được chi trả lương. Đáp trả thắc mắc này, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, do công tác tiếp quản của ban lãnh đạo mới, nên việc chi trả lương tạm thời trong 2 tháng mới chỉ gọi là tạm ứng chứ chưa trả theo bảng lương. Ông Nguyễn Thủy Nguyên lên tiếng rằng, Công ty sẽ đảm bảo chi trả lương cho mọi người đúng Luật Lao động. Tuy nhiên người đứng đầu của Vivaso cũng không khỏi bất bình khi nêu thẳng, có những người của Hãng 3-4 năm không đến làm việc nhưng lương vẫn hưởng đều, tiền bảo hiểm Hãng vẫn phải nộp đều, có người đến cơ quan nhưng họ cũng không làm gì. Khi đã cổ phần hóa thì sẽ không còn tồn tại chuyện ấy, có làm mới có hưởng. Công ty không thiếu tiền trả lương, nhưng sẽ xem xét trả như thế nào. Với việc nghệ sĩ bức xúc thời gian qua về tiền lương là đúng, vì trước đây đang sống và làm việc trong bao cấp hoàn toàn. “Nhưng hiện nay đã chuyển sang cơ chế làm việc khác, cổ phần hóa, thì các nghệ sĩ cần phải năng động hơn, chủ động tìm các cơ hội sáng tạo. Chúng tôi chấp nhận chi trả tiền lương (theo hình thức chấm công) cho nhân viên đến Công ty để ngồi, thậm chí không làm việc gì; hoặc theo hình thức báo cáo đề tài, chúng tôi đầu tư để nghệ sĩ viết kịch bản; đạo diễn cần ứng vốn, chúng tôi sẵn sàng cho vay, mượn thiết bị…Trong sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện ảnh Việt Nam và thế giới hiện nay, chúng ta không thể làm những bộ phim đầu tư tới hàng chục tỉ mà khi ra rạp chỉ vài người xem”, người đứng đầu của Vivaso thẳng thắn.

Đi thẳng vào câu hỏi lộ trình cho sự phát triển điện ảnh của Công ty, đạo diễn Quốc Tuấn cho hay, đây là lần thứ 2 ông Nguyễn Thủy Nguyên đã hứa với các nghệ sĩ về việc tạo công ăn việc làm, vực dậy một đơn vị sản xuất phim có tiếng từ nhiều chục năm qua. Nhưng với cách ứng xử như thời gian qua, đạo diễn Quốc Tuấn lo ngại cho chiến lược phát triển điện ảnh mà Vivaso đã cam kết, rằng cổ phần hóa để mang về những dự án điện ảnh. Đạo diễn này cũng ngờ vực về sự hiểu biết điện ảnh của ban lãnh đạo Công ty, ban lãnh đạo đang áp đặt điều hành của bên Vivaso sang với nghệ sĩ, với điện ảnh là không hợp lý.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vivaso thẳng thắn đối thoại với nghệ sĩ và phóng viên báo chí. 
Báo chí nêu ra những thắc mắc, có hay không việc Vivaso biến trụ sở Công ty làm nơi cho thuê, kinh doanh. Ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định, việc cổ phần hóa Hãng với mục đích xốc lại một thương hiệu điện ảnh tên tuổi. Không có chuyện Công ty cho hàng phở hay quán bia thuê chỉ vài triệu đồng/tháng mà nhiều nghệ sĩ chưa hiểu hết nội tình đã thông tin tới báo chí. Bởi khi tiếp quản Hãng, Vivaso đã phải trả 21 tỉ đồng nợ đọng từ nhiều chục năm trước, Công ty phải trả thuế thuê đất gần 200 triệu đồng/1 tháng, nhà xưởng đã dột hỏng, rêu mốc; trường quay bên Cổ Loa chỉ là những cái ao. Trong mục tiêu chiến lược khi Vivaso cổ phần hóa, mong muốn sẽ kết nối lại các nghệ sĩ trên tinh thần đoàn kết, các nghệ sĩ sẽ là những người sáng tạo, tham mưu để Công ty đạt được mục đích đề ra. Trước mắt, Công ty sẽ trang bị hệ thống sản xuất phim: Phòng quay, âm thanh. Ngoài việc khai thác tài năng của đội ngũ nghệ sĩ vốn có của Hãng ở các khâu biên kịch, đạo diễn…, Công ty cũng đang tìm các đơn vị đối tác như đài truyền hình, công ty truyền thông để có thể ký kết hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình, bộ phim. Dài hơi hơn, lãnh đạo của Vivaso mong muốn Chính phủ, TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sớm phê duyệt đề án biến địa chỉ số 4 Thụy Khuê trở thành một trung tâm nghệ thuật điện ảnh lớn, với các cụm rạp, trường quay; Công ty không chỉ là đơn vị sản xuất phim mà còn là nơi phát hành phim của cả nước với cách làm chuyên nghiệp, hiện đại đủ sức cạnh tranh với các hãng nước ngoài đang phát triển thị trường điện ảnh tại Việt Nam như CGV, Galaxy…

Được biết, ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ có buổi làm việc với Chính phủ về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên: “Hãy quên đi quá khứ không làm mà có lương. Chúng ta đang sống trong cơ chế thị trường, làm thật ăn thật”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân: “Công ty chưa có quy chế làm việc và tiến trình phát triển điện ảnh đủ thuyết phục để lôi kéo sự tham gia của anh em nghệ sĩ”.

*Ngày 28-12-2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim Truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần.

 

Bài, ảnh: VƯƠNG HÀ