Tọa đàm có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ký ức về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, những câu chuyện về lý tưởng cách mạng, tinh thần vượt khó phụng sự Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh và thời bình được chia sẻ trong khuôn khổ tọa đàm.

Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại sự kiện. 
Các đại biểu tham dự tọa đàm. 

Đó là câu chuyện xúc động của bà Hoàng Thị Kim Vinh - người phụ nữ có con nhỏ vẫn xung phong đi chiến trường. Năm 1965, 26 tuổi, gửi con thơ lại cho gia đình, bà Hoàng Thị Kim Vinh ở phố Hàng Chiếu (nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) làm đơn tình nguyện gia nhập vào Đại đội 812, Đội Thanh niên xung phong Thủ đô N43, Bộ Giao thông vận tải. Bà Kim Vinh đã viết những dòng nhật ký gửi con trai, thể hiện sự quyết tâm đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước: “Con ạ! Lúc nộp đơn, mẹ suy nghĩ rất nhiều, nộp đơn để mà đi, hay nộp đơn vì hình thức. Một số người xung quanh mẹ cho rằng, mẹ chỉ nộp đơn cho có vẻ ta đây tiến bộ chứ có con mọn thì đi làm sao được... Còn mẹ nghĩ khác, mẹ muốn được cống hiến khi mẹ còn trẻ...”. Khi đó, con trai của bà mới được 2 tuổi, chồng của bà đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Bà Kim Vinh cho biết: “Khắc phục mọi khó khăn để lên đường, ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong lòng tôi. Tôi nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường đi chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nguyện đem hết sức lực của tuổi trẻ ra phục vụ trận tuyến và có đầy đủ tinh thần dũng cảm để nhận bất cứ việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu...".

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến (giữa), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tặng hoa các nhân vật tham gia tọa đàm.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch sinh năm 1943 tại Hưng Yên lại mang đến cho khán giả câu chuyện vượt Trường Sơn của mình và đồng đội. Tháng 5-1971, ông Nguyễn Tiến Lịch lên đường vào Nam chiến đấu, giữ chức Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 - Đoàn Dũng sĩ Cát Bi. Ông nhớ lại: “Năm 1971, sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị tôi tới cao nguyên Bolaven trên đất bạn Lào. Một hôm, đến đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đá trơn trượt thì giao liên thông báo có bom hẹn giờ. Một số đồng chí cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát. Quả bom như thần chết, sắc lạnh rợn người, thời gian nổ là bao lâu thì không xác định. Tôi hội ý nhanh, chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người phải nhanh chóng vượt qua cửa tử. Trước không khí căng thẳng tới nghẹt thở, tôi rút trong ba lô chiếc kèn Harmonica đã cũ đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài “Vì nhân dân quên mình” để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội. Sau đó, đơn vị chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua bãi bom hiểm nguy".

Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận kỷ vật từ cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch và đại diện gia đình bà Hoàng Thị Kim Vinh.

Lắng nghe câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT, bày tỏ sự xúc động và lòng kính trọng của mình trước sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Là con trai của Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Nam Tiến thấu hiểu những thiệt thòi và khó khăn mà gia đình có người thân ở chiến trường phải đối mặt. Những tháng ngày xa cách cha, đối mặt với sự hiểm nguy của bom đạn đã hun đúc trong ông sự vững vàng, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Từ tấm gương của cha và các thế hệ đi trước, ông luôn thấu hiểu những mất mát, đau thương cũng như ý nghĩa của hòa bình, độc lập, tự do với mỗi người.

Quang cảnh tọa đàm. 

Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng tiếp nhận những kỷ vật chiến tranh do chính các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ trao tặng. Đó là những bức tranh, những lá thư và dòng nhật ký hay kỷ vật vô giá còn thấm đẫm tinh thần của một thời hoa lửa. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những hiện vật này sẽ được Bảo tàng trân trọng lưu giữ và tiếp tục phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, tri ân những đóng góp và hy sinh của thế hệ cha ông.

Tin, ảnh: THỦY TIÊN - PHƯƠNG NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.