Múa rồng tại Lễ bế mạc Festival Huế 2008

9 ngày, đất Cố đô tưng bừng lễ hội. 9 ngày, hàng vạn người dân Huế, hàng vạn du khách trong và ngoài nước rộn ra với hàng chục chương trình nghệ thuật đặc sắc. 9 ngày, TP.Huế trở thành “điểm đến” của nhiều nển văn hóa trên thế giới…

Lễ bế mạc- lạ mà quen

Lạ mà quen. Lạ vì lần đầu tiên, nguyên một cánh đồng lúa chín được dựng thành một sân khấu. Quen vì tất cả những gì trên sân khấu ấy, đều đã trở nên thân thuộc với bất kỳ người Việt nào. Mấy người con sinh ra trên mảnh đất Việt, không một lần gặp, để rồi nhớ những hình ảnh quê mùa.

Lễ bế mạc Festival Huế 2008 đã ghi một dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Ở đó hiện hình 3 vùng miền đặc trưng nhất của Việt Nam: đồng bằng Bắc bộ phì nhiêu, dải đất miền Trung nắng lửa và đồng bằng Nam bộ ấm áp. Ấy là hợp ca “Bức họa đồng quê”, chầu văn Huế, “Ngựa ô Huế”, múa “Vườn dừa quê em”…

Lễ bế mạc Festival Huế 2008 thành công ở việc dàn dựng chương trình. Cách phối khí, phong cách diễn, vũ điệu phụ họa… tất cả đều mới, lạ, ăn nhập hài hòa với “cánh đồng” dựng giữa không gian Kỳ đài và Ngọ môn.

Sân khấu đêm bế nhạc Festival Huế 2008 độc đáo, hấp dẫn, đem lại một món “lạ” cho người xem, đặc biệt là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, người viết bài có một chút băn khoăn. Không gian trước Ngọ môn vốn là chốn uy nghiêm, nay đưa cả cảnh quê mùa lên, liệu có nên?

Ảnh : TPO

Huế đã thành “Thành phố Festival”

Năm 2008, cũng là năm đầu tiên Huế được công nhận là “Thành phố Festival”- thành phố lễ hội đầu tiên của Việt Nam. Đó là niềm tự hào không chỉ của người dân Huế. Nhân dân cả nước đều mừng vì Việt Nam không chỉ là “điểm đến” của khách du lịch nước ngoài. Việt Nam còn là nơi hội tụ của các nền văn hóa thế giới.

Để xứng đáng với niềm tự hào đó, ý thức là công dân “Thành phố Festival” đã thấm đượm trong lòng từ các cấp chính quyền, đến mỗi người dân xứ Huế.

Ý thức bảo vệ các di sản văn hóa- thứ tạo nên sức hút với du khách- ngày càng được nâng cao.

Đường phố Huế luôn được giữ gìn sạch đẹp hơn.

Người dân Huế ngày càng niềm nở hơn với du khách.

Những đặc sản, sản phẩm văn hóa Huế ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu được ăn, chơi, thưởng ngoạn của du khách.

v.v…

Minh chứng rõ nét nhất của những cái “hơn” kia là Festival Huế 2008- một đại lễ hội thành công nhất từ trước đến nay với 160 lượt biểu diễn của 60 đoàn nghệ thuật. Trong 9 ngày diễn ra Festival, đã có hơn 7.500 diễn viên, nhạc công chuyên và không chuyên đến từ 23 quốc gia gồm: Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Nga, Ru-ma-ni, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pê-ru, Thái Lan, I-xra-en, Căm-pu-chia, Ấn Độ, Phi-líp-pin, Ô-xtrây-li-a và Việt Nam. Ban tổ chức đã dựng 11 sân khấu chính tại Đại nội và 3 sân khấu tại cung An Định thu hút khách du lịch đến xem biểu diễn các chương trình nghệ thuật.

Festival Huế 2008 đã đạt kỷ lục về số khách du lịch. Sơ bộ tính đến ngày 8-6, trong khuôn khổ lễ hội, đã có gần 180.000 lượt du khách lưu trú đến với Huế (tăng 15% so với Festival Huế 2006), trong đó có trên 30.000 lượt khách quốc tế, tăng 27% so với kỳ trước.

Nốt trầm

Một kỳ đại lễ hội kéo dài tới 9 ngày như Festival Huế 2008, thật khó tránh khỏi sơ suất. Đã có những chuyện như ẩu đả trên đường đua trải, hay chuyện Ban tổ chức thông báo không rõ ràng về việc nữ phóng viên không được lên đàn trong lễ tế Nam Giao khiến việc tác nghiệp của báo giới gặp ít nhiều khó khăn…Nhưng thiết nghĩ, những sơ suất ấy không đáng để ảnh hưởng xấu đến một lễ hội có tầm vóc lớn như Festival Huế 2008. Nói cách khác, một vài thứ chưa hoàn hảo không thể làm lu mờ thành công của nhiều thứ hoàn hảo. Vấn đề chỉ là, Ban tổ chức Festival Huế biết rút kinh nghiệm để những sơ suất tương tự xảy ra trong những kỳ festival sau.

Tuy nhiên, còn một “sơ suất” không dễ gì có thể giải quyết “một sớm một chiều”.

Trong mỗi kỳ Festival Huế, người dân Huế luôn được coi là chủ thể. Thế nhưng, qua tiếp xúc, đã có không ít người “chê” chương trình Festival Huế 2008. Tất nhiên, vài người, thậm chí là vài chục người “chê”, thì cũng chưa thể coi là tất cả dân Huế không tha thiết với Festival của mình. Trót nghĩ, sự “chê” ấy chưa hẳn đúng mà cũng đúng.

Chưa hẳn đúng bởi lẽ, đánh giá một cách công tâm, Festival Huế 2008 là một đại chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa dạng sắc thái văn hóa không những của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới, mang chất lượng nghệ thuật khá cao. Một bữa đại tiệc với nhiều món lạ, hấp dẫn, không thể nói là không hấp dẫn.

Tuy nhiên, cái sự “chê” kia cũng đúng. Đúng ở chỗ, người dân Huế, dường như, mới chỉ dừng lại ở việc tham gia các chương trình lễ hội chứ chưa thực sự là chủ nhân của Festival Huế.

Còn nhớ, năm 2000, khi Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức, chương trình nghệ thuật còn chưa nhiều nhưng đường phố Huế lúc nào cũng chật cứng người. Khắp hang cùng, ngõ hẻm, người dân Huế xôn xao, háo hức, mong chờ đại lễ hội của mình.

So lần đầu tiên với lần thứ 5 chắc chắn là thiên lệch. Tuy nhiên, qua đó cũng có thể thấy, Festival Huế đã xuất hiện yếu tố “cũ” trong lòng dân Huế.

Nhằm tránh sự “cũ”, Festival Huế 2008 đã có thêm 4 lễ hội lớn: Lế tế Xã Tắc, Huyền thoại sông Hương, Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, lễ hội Tiến sỹ Võ. 4 lễ hội lớn, mới, đáng là điều đáng kể trong một đại lễ hội. Đó còn chưa kể các chương trình nghệ thuật hầu hết đều đặc sắc. Vì thế, Festival Huế 2008 là Festival lớn nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, số lượng những chương trình nghệ thuật đặc sắc được trình diễn tại các điểm công cộng hơi hạn chế. Có lẽ bởi thế, người dân Huế chưa được biết hết cái hay, cái đẹp của Festival. Không biết hết, dẫn tới cái nhìn chưa đầy đủ, âu cũng là chuyện thường tình!

Trộm nghĩ, festival vốn được coi là một lễ hội “mở”. Các nghệ sỹ, diễn viên, các đoàn nghệ thuật, đặc biệt các đoàn nước ngoài, khi đến tham dự Festival Huế, đều không đặt nặng yếu tố “bán vé thu tiền”. Mục đích lớn của họ là được giao lưu với nhau, được giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với dân tộc khác. Vì thế, có lẽ, ước mong lớn nhất của họ là có càng nhiều công chúng càng tốt. Trong khi đó, phần lớn các chương trình nghệ thuật của các đoàn quốc tế chỉ được trình diễn tại Đại nội- nơi muốn thưởng thức phải bỏ ra chi phí.

Giá như, có được nhiều sân khấu công cộng hơn, người dân Huế cảm được nhiều hơn cái lễ hội đang diễn ra trên mảnh đất của mình. Và có lẽ, họ sẽ có cái nhìn đẹp hơn. Khi mỗi người dân Huế tự hào với Festival của mình, mỗi người dân Huế trở thành một “tuyên truyền viên” cho Festival của mình, và không khí lễ hội lan tràn trên khắp nẻo đường phố Huế, đại lễ hội của TP.Huế sẽ có sức hút đặc biệt.

Thêm nữa, Huế đã chính thức được công nhận là Thành phố Festival. Bởi thế, người dân Huế nên được coi là những “Con người Festival”- những con người của lễ hội.

Yếu tố doanh thu trong mỗi kỳ Festival cũng là quan trọng. Bởi theo lẽ thường, hoạt động nào chẳng cần kinh phí. Hơn thế, một chương trình hoành tráng như Festival Huế 2008 chắc chắn tốn không ít tiền của. Vì thế, Ban tổ chức cũng cần “bán vé thu tiền” để bù đắp lại những gì đã bỏ ra. Nếu có “lãi”, thì số kinh phí dôi ra cũng là để phục vụ cho TP.Huế, cho dân Huế. Nếu có “lỗ”, thì cũng chỉ là việc Ban tổ chức đầu tư để người dân Huế thu lợi lớn từ Festival. Khi một khối lượng du khách khổng lồ tới cả trăm ngàn người đổ về Huế, các dịch vụ tại đất Cố đô có cơ hội “hốt bạc”. Người giàu thì thu nhiều từ những dịch vụ đòi hỏi chi phí lớn như khách sạn, nhà hàng. Người nghèo thì rộn rã với nhiều hơn những cuốc xích lô, xe ôm.

Ảnh : TPO
Hay cả rộng ra ngoài phạm vi TP.Huế là những đầu mối cung cấp thực phẩm, đặc sản… cũng có thêm vô số việc làm… Nói tóm lại, trong một kỳ Festival, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là những người dân Huế. Vì thế, có lẽ nên đặt “nặng” yếu tố người dân được hưởng lợi hơn là số tiền Ban tổ chức thu được từ việc bán vé. Để từ đó, Festival Huế được tổ chức trên không gian rộng mở hơn, thu hút được nhiều du khách hơn.

Huế có nhiều di sản. Đặc biệt là những di sản mang tầm thế giới như kinh thành Huế và nhã nhạc cung đình Huế. Tuy nhiên, có một thứ “di sản” quan trọng hơn mọi di sản. Đó là con người!!!

Bài và ảnh: Mai Huy Hồng