 |
Bến xe Giáp Bát chiều cuối năm thưa vắng khách. |
Tôi vội vã trở về trong chuyến xe chiều cuối năm và mang theo niềm cảm xúc ấy!
Ngồi cạnh tôi, là một anh thợ mộc. Anh có vẻ buồn, ngồi tâm sự mới biết: Anh ở lại ít hôm để lấy tiền của chủ về trả cho thợ bạn. Họ đang đợi tin anh ở quê nhà để có tiền sắm Tết. Vậy mà, người chủ hứa với anh hết lần này đến lần khác. Cuối cùng anh đành về tay trắng, vì không thể đợi chờ thêm được nữa. Anh bảo vì tin bạn, tin người nên mới ra cơ sự này, giờ về lấy đâu tiền mà anh trả cho anh em ở quê! Anh ngao ngán, buồn chán, rồi buông lời chua chát: Sao con người có thể đối xử với nhau tệ như vậy! Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra.
 |
Những người bán nước và đánh giầy gắng làm thuê buổi cuối để về quê ăn Tết. |
Kế bên tôi là một chị cùng làng. Chị làm ô sin ở Hà Nội nhiều năm nay. Chị tâm sự, sở dĩ phải ở lại ít hôm để an ủi bà chủ. Nhìn bà chủ tiều tụy, buồn rầu, chị chẳng đành lòng rời đi. Nhà bà chủ giàu có tiếng ở Hà Nội. Nhưng “người giàu cũng khóc” là có thật. Bà buồn vì vợ chồng chỉ lo kiếm tiền, sống giữa trung tâm và bắt ép con học nhiều nên đã đánh mất tuổi thơ của con. Sai lầm tiếp theo cuộc đời bà là cho con quá nhiều và không bắt chúng phải làm gì cả. Giờ nhìn hai đứa con đẹp trai, xinh gái, lành lặn, vậy mà chúng chỉ biết sáng sáng dắt chó đi dạo, đến tháng đi thu tiền hai tòa nhà cho thuê, còn không biết làm bất kể một việc gì ngoài cuộc sống. Chúng chẳng chịu lấy vợ, lấy chồng và có khi, chẳng ai dám lấy nó, vì nếu “sa cơ, lỡ vận”, bà chủ lo hai con biết làm gì kiếm sống đây. Càng nghĩ, bà càng não lòng!
Nghe chị nói, tôi cảm thấy ngậm ngùi, thương cảm những người bố, người mẹ ấy! Phải chăng, chúng ta đang lo lắng, đùm bọc cho con quá nhiều?
 |
Một chuyến xe về miền Trung đang xếp hàng để chuẩn bị khởi hành. |
Nghe mọi người nói chuyện chiều cuối năm, nằm ở hàng ghế phía trước, có một chị độ tuổi ngũ tuần, đôi mắt đỏ hoe khi quay xuống nhìn chúng tôi. Có lẽ, chị đã khóc quá nhiều trên chuyến hành trình về quê hương. Chị bảo, lâu lắm rồi chị mới về thăm mẹ. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 6 người con. Chị lấy chồng tận tỉnh Điện Biên. Cuộc sống chẳng dư dả gì nên nhanh thì 2 năm, thậm chí 3 năm chị mới về thăm mẹ, quê ở Nghệ An được một lần. Còn các anh, các chị, vì nghèo khó mà tha phương, cũng ít khi về thăm được mẹ. "Anh em tôi luôn nghĩ về mẹ, thương mẹ, cũng dành dụm, lâu lâu gửi về cho mẹ ít tiền. Nhưng nhiều lần, mẹ nói với chúng tôi trong nước mắt: Mẹ không ăn uống được gì nhiều. Mẹ không cần tiền, mẹ chỉ cần các con về thăm mẹ thôi!". Nói rồi, chị lại rơm rớm nước mắt!
 |
Hành khách ở bến xe Giáp Bát chuẩn bị lên chuyến xe chiều cuối năm về quê ăn Tết.
|
Chuyến xe chiều cuối năm chỉ một khoảng không gian nhỏ ấy thôi mà đầy ắp những câu chuyện, những mảnh đời với bao thăng trầm của cuộc sống. Tôi xuống xe ở đầu dải đất miền Trung để trở về nhà. Với tôi và có lẽ, với biết bao người khác nữa, ngoài kia cuộc sống có mệt mỏi, gian nan, khắc nghiệt, ồn ào thế nào đi nữa nhưng được trở về nhà là mọi ưu phiền ấy tan biến hết, nhường chỗ cho hạnh phúc, cho ước mơ. Bởi mùa Xuân là mùa của hy vọng! Gia đình là bệ phóng của những ước mơ!
Tản văn của DUY THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.