Từ cái chỗ ngồi ngất ngưởng trên cao của chiếc xe ngựa, anh ta nhìn xuống đồng loại của mình như thể đó là những phần tử nhỏ bé, nay đây mai đó, chẳng mấy giá trị gì nếu không có đức tính của một kẻ di trú. Anh ta là người đánh xe ngựa. Còn bạn ấy à? Bạn chỉ là một món hàng trung chuyển. Dẫu có là một vị tổng thống hay một kẻ du thủ du thực, một khi đã bước lên xe thì cũng chỉ là khách đi đường mà thôi. Anh ta sẽ vụt roi vào mông lũ ngựa, lắc cho vị khách là bạn đến vẹo xương sống, rồi mới thả bạn xuống.

Lúc trả tiền mới thật là hay. Nếu trả đúng bằng giá quy định ấy hả? Bạn sẽ hiểu hai chữ “khinh miệt” nghĩa là gì. Còn nếu không may mà bạn quên ví ở nhà thì có lẽ hỏa ngục của Dante (hình tượng hỏa ngục mô tả trong “Thần khúc” của Dante) cũng còn dễ chịu chán.

Minh họa: PHÙNG MINH.

Sẽ chẳng có gì là xa xỉ khi cho rằng, sở dĩ người đánh xe ngựa có cái nhìn về mục đích và quan điểm khác biệt về cuộc đời chính là do cái kết cấu của chiếc xe ngựa. Ngồi ngạo nghễ trên cao như Chúa tể của các vị thần, ở cái chỗ rõ là chẳng phải chia sẻ cùng ai, anh ta nắm giữ sinh mạng của bạn bằng hai sợi dây da mềm mại mà người ta gọi là dây cương. Bạn sẽ ngồi trong xe như một con chuột nằm trong chiếc bẫy, hoàn toàn bất lực và lắc lư một cách lố bịch như cái món đồ chơi mà ta vẫn gọi là ông tiến sĩ giấy. Chính bạn, người mà đám gia nhân trước đó còn phải cúi rạp người sát đất mỗi khi gặp, lại phải quát đến lạc giọng qua cái lỗ nhỏ xíu trong cái “quan tài di động” đó để mà nói điều mình muốn cho người đánh xe.

Bạn thậm chí còn chẳng phải là chủ nhân của cái “quan tài di động” đó nữa, mà chỉ là một thứ đồ vật trong đó mà thôi. Mà không! Bạn là một món hàng vận chuyển theo đường biển và cái “tiểu thiên sứ ngồi tít trên cao” kia lại thuộc nằm lòng con đường của tên cướp biển lừng danh Davy Jones.

Một tối, người ta nghe có tiếng huyên náo vọng ra từ một bữa tiệc lớn ở tòa nhà chung gần quán Cà phê Gia đình McGary. Âm thanh đó rõ là phát ra từ những căn hộ của nhà Walsh. Hàng xóm tò mò giăng kín hè phố, chốc chốc lại dạt sang hai bên để lấy đường cho người vận chuyển đồ từ cửa hàng McGary vào chỗ tiệc tùng. Đám hàng xóm sôi nổi bàn tán và rõ là chẳng buồn phủ nhận thông tin rằng cô Norah Walsh cưới chồng.

Một lúc sau, đám người huyên náo ở bên trong túa ra hè phố. “Những vị khách không mời” nhanh chóng hòa vào đám thực khách vừa rời bữa tiệc. Những lời chúc tụng vui vẻ, tiếng cười nói và cả những âm thanh mà có tài thánh mới biết được là gì vang lên trong cái khung cảnh náo nhiệt mừng vui của hôn lễ.

Ngay bên lề đường là chiếc xe ngựa của Jerry O’Donovan. Người ta vẫn gọi Jerry là Diều hâu bay đêm. Rõ rồi, còn chiếc xe nào có thể sáng bóng và sạch sẽ hơn chiếc xe của Jerry cơ chứ? Chiếc xe với những cánh cửa trang trí đăng ten kèm hoa vi-ô-lét đương kỳ tháng 11. Còn con ngựa nữa chứ! Phải nói là chẳng sai gì khi cho rằng nó được nhồi no lúa mạch, đến độ những quý bà già nua vẫn thường chẳng để tâm tới rửa chén đĩa ở nhà mà chỉ lang thang đi tìm các hãng xe lửa tốc hành cũng phải mỉm cười thích thú khi nhìn thấy nó.

Trong cái đám đông huyên náo, rộn ràng đó, chúng ta thấy thoáng chiếc mũ cao đã bạc màu sương gió bao năm nay của Jerry; thấy cái mũi đỏ như củ cà rốt của anh ta mà rõ là nó đỏ do không ít lần xơi nắm đấm của những “hậu duệ vui nhộn và khỏe mạnh” của những gia đình triệu phú hay những lữ khách bướng bỉnh khác; thấy cả chiếc áo cúc đồng màu xanh vẫn thường được ngưỡng mộ bởi rất gần với cái màu của cửa hàng rau quả, tạp phẩm McGary. Có thể thấy rằng Jerry đã có chút không tỉnh táo.

Trong đám đông nhốn nháo đó, hay cũng có thể là từ giữa dòng khách bộ hành trên phố, xuất hiện một cô gái trẻ, nhẹ bước tới đứng bên chiếc xe ngựa. Con mắt tinh nghề của Jerry không bỏ sót chi tiết này. Anh ta vội lảo đảo lao về phía chiếc xe, khiến ba bốn người đứng quanh ngã rạp. Bản thân Jerry thì… không, anh ta bám được vào một trụ nước cứu hỏa. Như một thủy thủ leo thang dây trong cơn giông tố, Jerry leo lên chiếc ghế “nhà nghề” của mình. Khi đã tới nơi, những con sóng McGary (rượu của cửa hàng McGary) đột nhiên dựng đứng. Jerry bồng bềnh thư thái như không và hết sức an toàn trên chiếc “cột buồm” của “con tàu”, chẳng khác nào người lau tháp chuông trên đỉnh cột cờ của một tòa nhà cao tầng.

Nhanh chóng vơ lấy hai sợi dây cương, Jerry quát: “Mời quý cô lên xe!”.

Cô gái trẻ nhanh chóng bước lên xe. Cánh cửa sập mạnh. Jerry ra roi vun vút; đám đông bên đường rẽ ra, chiếc xe bóng lộn vụt đi.

Khi con ngựa tốt mã đã chạy chậm dần trở lại, Jerry kéo chiếc cửa sập phía trên toa xe, hỏi vọng xuống bằng cái giọng của một chiếc loa rè, cố làm ra vẻ lịch sự:

“Bây giờ ta đi đâu đây thưa quý cô?”.

Từ dưới toa xe, giọng nói thánh thót và đầy phấn khích vang lên: “Bất cứ nơi nào anh muốn!”.

Vậy là cô ấy đi dạo, Jerry nghĩ và gợi ý như thể dĩ nhiên phải là vậy: “Vậy chúng ta sẽ dạo một vòng quanh công viên, quý cô nghĩ sao? Rất nhã, rất sành điệu đấy”.

Vị khách hài lòng: “Vậy cứ theo ý anh thôi!”.

Chiếc xe ngựa chạy thẳng tới Đại lộ số 5, tăng tốc. Jerry lắc lư trên chiếc ghế của mình. Thứ nước men McGary chẳng chịu ngồi yên mà bơm thẳng lớp sương mù của nó lên tận đỉnh đầu. Jerry hát váng lên một khúc ca cổ Killisnook và vung chiếc roi ngựa như vị nhạc trưởng vung chiếc đũa chỉ huy.

Trong toa xe, quý cô của chúng ta ngồi thẳng lên mấy chiếc gối kê, không ngớt nhìn qua bên trái rồi lại bên phải, ngắm nhìn ánh đèn và những ngôi nhà lướt qua hai bên đường. Ngay cả trong cái ánh sáng lờ mờ trong toa xe, hai mắt vị lữ khách vẫn lấp lánh như những vì sao trong bóng chiều tà.

Khi xe tới đường 59, đầu óc Jerry đã bồng bềnh và tay cương đã lỏng. Nhưng con ngựa đã rẽ vào cổng công viên và bắt đầu hành trình quen thuộc buổi đêm trong công viên của nó. Quý cô trong xe ngả hẳn người ra sau, thích thú hít sâu vào lồng ngực cái không khí trong lành đượm hương cỏ, lá và hoa. Còn con vật thông minh giữa hai chiếc càng xe thì biết mình đang ở đâu, chuyển về nước kiệu quen thuộc và đi sang lề bên phải.

Thói quen cũng giúp Jerry tỉnh táo hơn. Anh ta lại kéo chiếc cửa sập “con tàu giông bão” của mình lên mà hỏi như những người đánh xe ngựa vẫn thường làm khi chạy vào công viên:

“Quý cô có muốn ghé quán ăn sòng bài một chút không? Thưởng thức một món gì đó hay nghe một bản nhạc. Mọi người ai cũng dừng chân ở đó cả”.

Quý cô của chúng ta lại nhẹ nhàng: “Thế cũng hay!”.

Jerry ghì mạnh dây cương trước lối vào sòng bài, cửa xe bật mở. Vị lữ khách bước xuống và ngay lập tức bị cuốn vào một thứ giai điệu mê đắm và khung cảnh đầy ánh sáng và sắc màu. Có ai đó nhét vào tay cô một chiếc thẻ, có ghi số 34. Cô nhìn quanh, thấy chiếc xe ngựa của mình đang đỗ cách đó khoảng gần 20 mét, bên cạnh là rất nhiều xe ngựa, taxi và ô tô. Một người đàn ông trong trang phục sơ-mi trắng cổ cồn cứng lướt về phía cô và chỉ ít phút sau cô đã được dẫn tới ngồi trước một chiếc bàn, gần ngay chiếc tay vịn có quấn dây nho.

Cô gái nhanh chóng nhận ra mình phải mua thứ gì đó, mà ví cô thì hơi mỏng. Cô đếm tiền: Vừa đủ để mua một ly bia. Cô gái ngồi đó, chậm rãi thưởng thức cả cái không gian đầy sắc màu và dáng hình mới mẻ của cuộc sống giữa một cung điện như không thuộc về thế giới trần tục, mà nằm giữa cánh rừng cổ tích mê hoặc đó.

Ngồi trước năm mươi chiếc bàn là những thực khách mà ai cũng như công nương, quận chúa, bá tước, hoàng nam, tưởng chừng như tất cả gấm vóc, ngọc ngà của cả thế giới này chỉ để đắp lên người họ vậy. Đôi lúc, họ quay ra nhìn vị khách của Jerry, cô gái mộc mạc trong bộ đầm làm từ thứ lụa mỏng có thể nói tránh là “giản dị”. Cô gái có khuôn mặt mộc nhưng trên đó ánh lên tình yêu cuộc sống mà những ông hoàng, bà chúa ngồi quanh cũng phải ghen tị.

Thoáng chốc chiếc kim dài đồng hồ đã chạy được hai vòng. Những ông hoàng, bà chúa dần rời khỏi “ngai báu” được vẽ lên của mình, vội vã tản đi trên những chuyến xe sang trọng. Âm nhạc cũng đã tắt. Bồi bàn dọn dẹp tất cả những gì quanh nhân vật mộc mạc của chúng ta mà giờ chỉ còn trơ lại có một mình.

Cuối cùng, vị khách của Jerry đứng dậy, đưa chiếc thẻ có ghi số 34 ra hỏi: “Thứ này để làm gì?”.

Một người bồi bàn giải thích đó là vé xe và bảo cô gái đưa nó cho người phục vụ ngoài cổng. Họ gọi Jerry đang gà gật trong xe dậy. Anh chàng chửi tục một câu rồi bước lên đài chỉ huy “con tàu” của mình, đưa nó đến với “cầu cảng”. Cô gái bước lên. Chiếc xe vút đi vào cái thành trì mát lạnh của công viên theo con đường ngắn nhất.

Ngay lúc gần tới cổng, một ý nghĩ ngờ vực chợt lóe lên trong cái đầu đang dày đặc mây đen của Jerry. Anh ta dừng ngựa, kéo chiếc cửa sập, rót thứ giọng như loa máy hát mà nặng như quả dọi bằng chì của mình qua lỗ cửa:

 “Đưa 4 đô-la đây rồi tôi sẽ đưa quý cô đi tiếp. Quý cô có tiền không vậy?”.

Cô gái cười, đáp lời nhẹ như gió thoảng: “Bốn đô-la ư! Ôi, không. Chỉ còn vài xu thôi”.

Jerry đóng sập cửa, vụt roi vun vút vào mông con vật béo tốt. Tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường khá to cũng không át nổi những lời tục tĩu. Jerry chửi rủa cả cái bầu trời đầy sao và quất roi về phía những chiếc xe chạy ngang qua. Những lời nguyền rủa của Jerry thậm tệ đến độ một người đánh xe đêm đang thong dong về nhà cũng phải thấy bối rối, không tin vào tai mình.

Nhưng Jerry biết mình sẽ phải làm gì. Anh chàng quất ngựa phi nước đại. Dừng lại trước ngôi nhà có mấy chiếc đèn xanh trước cửa, Jerry kéo mạnh cửa xe, nhảy huỵch xuống đất, và quát lên thô lỗ: “Nào, xuống đi!”.

Cô gái bước xuống, nụ cười mơ màng ở quán ăn sòng bài vẫn còn đọng trên gương mặt. Jerry kéo tay cô gái, đưa thẳng tới đồn cảnh sát phía trước. Một viên trung sĩ có bộ ria đã bạc chăm chú nhìn qua chiếc bàn. Anh ta và Jerry chẳng lạ gì nhau.

Jerry cất giọng to, khàn: “Thưa Trung sĩ, tôi có vị khách này…”.

Nói đến đó, Jerry đột ngột dừng lại, đưa bàn tay thô ráp, cháy đỏ vì phơi nắng lên che mặt. Màn sương mù mờ mịt bốc lên từ thứ nước men McGary đột nhiên biến mất.

Jerry vội toét miệng cười, nói: “Thưa Trung sĩ, tôi có một vị khách mà tôi muốn giới thiệu với ông đây. Là vợ tôi, mới cưới ở nhà ông Walsh tối nay đó. Thật là vui quá! Nào, Norah, hãy bắt tay với Trung sĩ đi nào, rồi ta sẽ về nhà”.

Trước khi bước lên xe, Norah thở dài, bảo: “Jerry à, hôm nay em đã rất vui!”.

Truyện ngắn của O.Henry (Mỹ)

HỮU DƯƠNG (dịch)