QĐND - Có một dạo chưa xa, các nhà lý luận-phê bình ta đặt vấn đề ra rồi tranh luận mãi mà chẳng đi đến đâu, về việc “Thế nào là nhà văn chuyên nghiệp? Và, những người này thì khác dân nghiệp dư ở chỗ nào?”.
Dựa vào “chất lượng” văn chương thì khó, vì “tự cổ vô bằng cớ” để bảo ai hay hơn ai (nhất là những người cùng thời)!
Dựa vào số đầu sách (tác phẩm) thì lại càng dở, vì “Văn hay lọ phải là dài”, giống như trong quân sự-“quân cốt tinh, không cốt đông” (Quý hồ tinh bất quý hồ đa)!
Hay là (có ý kiến rụt rè), cứ ai là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì “chuyên nghiệp”, còn ở ngoài hội thì “nghiệp dư”? Thế là bị “ném đá” rằng, ngoài hội còn khối người viết hay hơn người trong hội, chẳng qua là người ta chưa hoặc không vào hội mà thôi; rằng, đầy hội viên mà viết không hay kia kìa...
Thế là đẻ ra một “định nghĩa” rằng: Những nhà văn nào chỉ sống bằng nhuận bút văn chương mà không phải dựa vào bất kỳ một nguồn thu nhập nào khác, mới là những nhà văn chuyên nghiệp!
Tuy có vẻ hành chính, nhưng vì đất nước ta lúc ấy đang bắt đầu cổ súy cho việc “xây dựng pháp quyền” nên việc “hành chính hóa” một khái niệm trừu tượng, xem ra cũng khá mặn mà chứ không thờ ơ như bây giờ.
Theo cách “định nghĩa” hành chính hóa ấy, thì hầu hết các nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam (đặc biệt là ở thời kỳ kháng chiến và bao cấp), đều là “dân nghiệp dư”, bởi vì trong “định nghĩa” ấy vốn đã hàm ý (nhưng rất rõ ràng) rằng, “dân nghiệp dư” là những người vẫn còn phải sống bằng “những nguồn thu nhập khác” ngoài nhuận bút văn chương!
Thế là “nhà văn công chức”, “nhà văn quân đội”, “nhà văn công an”, “nhà văn nhà báo”... thậm chí “nhà văn nông dân” đều là “dân nghiệp dư” hết, vì rõ ràng, họ đều lĩnh lương hoặc phụ cấp ở đâu đó do một nhiệm vụ nào đó, đều nhận tem phiếu hoặc hoa lợi ở một chỗ nào đó. Và, từ: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính... đến Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu... đều chưa bao giờ là nhà văn chuyên nghiệp!
Lại nữa, nếu lần ngược lịch sử, thì từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Đồ Chiểu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu... cũng là “dân nghiệp dư”, bởi vì họ, người thì làm quan, vợ quan; người thì dạy học-bốc thuốc... Không thấy ai bảo họ “chỉ sống bằng nhuận bút”!
Nhìn rộng ra thế giới, Bá tước L.Tôn-xtôi là... “dân nghiệp dư”, dù là đại văn hào. Bác sĩ Sê-khốp dạy học và “bốc thuốc” mãi..., Lý Bạch cũng làm quan, Đỗ Phủ cũng vậy (khi không lương thì con chết đói!) v.v.. và, họ cũng không phải là “dân chuyên nghiệp”!
Khổ quá! “Chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư” thì đã làm sao? Một cái “định nghĩa” là quan trọng vậy ư? Người viết văn chân chính (dù chưa chắc đã thành) là người chỉ viết văn khi không thể không viết, chứ không phải là người viết văn vì có thể viết được văn. Rồi thời gian vùn vụt, bụi thời gian khắp nơi, cái gì lóe sáng trong ấy, trường tồn trong ấy, là văn chương. Đến Nguyễn Du còn phải than rằng, không biết 300 năm sau có ai nhỏ lệ vì tri kỷ với mình không, thì cái việc “xếp hạng” kia thật nực cười!
“Chuyên nghiệp” viết, “nghiệp dư” viết, rồi “đợi” như Nguyễn Du đã “đợi”, nào cần ai phải nhỏ lệ ngay mà!
ĐỖ TRUNG LAI