QĐND - Trời đã về trưa mà tiếng máy cắt, máy mài, máy hàn vẫn vang vang trong khu kỹ thuật của Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2). Có tiếng gọi của Thiếu úy QNCN Phan Thế Túc: “Em mời các anh nghỉ tay ăn cơm trưa đã”. Tiếng gọi như bị tiếng máy át đi. Bên chiếc giá tháo lốp xe Zil 130 đang được định hình, Trung úy QNCN Triệu Trường Giang vẫn còn say mê chỉnh sửa. Đây sẽ là sản phẩm của tiểu đoàn đi tham gia hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật toàn lữ đoàn. Có chiếc máy này, việc tháo lắp vành xe ngoại cỡ sẽ không còn tốn nhiều sức lực của bộ đội nữa.
Lữ đoàn Công binh 543 làm nhiệm vụ phân tán khắp các tỉnh trên địa bàn quân khu. Các đơn vị thi công xây dựng công trình, rà phá bom mìn, vật liệu nổ thường xuyên bám biên giới. Lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn những dịp cuối năm này chạy như thoi đi thăm nom, chỉ đạo các đầu mối. Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn luôn cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của bộ đội đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, quanh năm sống trong lán trại tạm bợ. Anh Sơn bộc bạch: “Thôi thì điều kiện đơn vị như thế, không thể nào “kiên cố hóa” được thì cũng cố gắng tạo điều kiện để anh em đầy đủ về đời sống văn hóa tinh thần. Cấp đại đội phải có ti vi, có ra-đi-ô, báo chí để anh em nắm tình hình thời sự. Cả lữ đoàn duy có Tiểu đoàn 17 là có điều kiện hơn cả. Song không vì thế mà anh em xao nhãng việc giúp đỡ đồng đội, thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị”.
 |
Nghiệm thu sáng kiến máy ra lốp của Trung úy QNCN Triệu Trường Giang |
Nói vậy, không có nghĩa là anh em ở Tiểu đoàn 17 nhàn hạ, ít việc hơn. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, tiểu đoàn có nhiều nhiệm vụ đột xuất. Mấy năm trước các đợt cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lụt trên địa bàn quân khu đơn vị đều làm nhiệm vụ chủ công. Năm vừa rồi ngoài công tác huấn luyện, tham gia diễn tập, đơn vị còn xây dựng bến vượt cầu Phong Châu, tham gia cứu nạn ở mỏ đá Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) được nhân dân ngợi khen. Lúc chưa có nhiệm vụ đột xuất, anh em lại tham gia chế tạo các loại máy móc, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn và sẵn sàng chiến đấu. Bởi thế, chớ vì thấy đơn vị “tĩnh” mà nghĩ là “bất động”. Và tôi đã thấy rõ điều đó trong quân xưởng này, tinh thần làm việc hăng say, quên cả giờ giấc của bao người lính thợ.
Ở Tiểu đoàn 17 có nhiều cây “sáng kiến”. Từ đội vận tải, lái xe, lái ca-nô, thợ lặn, thợ sửa chữa máy luôn tàng ẩn những nhà sáng chế. Như Thiếu úy Phan Thế Túc là một ví dụ. Anh mới nhập ngũ năm 2009, về đơn vị năm 2012 nhưng đã có trong tay một “tổ hợp” máy móc do tự anh sáng chế. Nào là máy ra lốp, máy tời cáp, giá xả e, giá tháo lắp hộp số… tất cả mới trông khá đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích. Đơn giản như chiếc giá tháo hộp số xe Zil 130. Chiếc giá này giúp treo hộp số từ phía trên ca-bin xe. Thử hỏi nếu không có cái giá này, xe bị hỏng hóc trong đường lầy lội thì dễ chừng một tiểu đội có khuân ra nổi không? Bộ hộp số đó nặng chỉ có 2 tạ, nhưng chiếc xe là mấy tấn, muốn vần, muốn lăn đâu phải chuyện dễ. Tôi hỏi Túc: “Ai bảo em chế mấy cái máy này?”. “Không ai cả. Do em thích làm. Mà đúng ra cũng vì thực tế công việc nảy sinh ra khó khăn thì mình sáng kiến khắc phục”. Tôi ngờ ngợ: “Thì vẫn phải có người nào dạy chứ, mấy ai không thầy mà làm nên?”. Túc cười hồn nhiên: “À, dạy thì tất cả các anh đi trước dạy em. Và phong trào thi đua trong đơn vị cũng cứ cuốn mình đi. Ai cũng đam mê sáng tạo, ai cũng thích sáng kiến”.
Chuyện đam mê sáng tạo, sáng kiến ở Lữ đoàn 543 thì rõ lắm. Từ cán bộ đến chiến sĩ, nói về chế tạo ai cũng hào hứng lắm. Như đồng chí Chủ nhiệm Chính trị, Thiếu tá Nguyễn Xuân Việt dẫn chúng tôi đi thâm nhập thực tế có nhiều lúc cũng tách đoàn, tham gia tranh luận với lính thợ rất hăng. Vì anh vốn là “dân” công binh, nhìn thấy máy móc là "ngứa nghề", và cũng vì ở đơn vị này việc tham gia ý kiến của bộ đội rất chân tình, cởi mở. Nhớ hôm, Trung úy QNCN Triệu Trường Giang thấy anh em lái xe dùng búa tạ để ra lốp. Cái lốp ấy nặng có đến trăm cân, vành thép ken đặc rỉ sét, anh em phải kê, kích, nện, ngâm dầu, thế nhưng, cái vành thép chẳng hề suy chuyển. Triệu Trường Giang phác họa ý tưởng trong đầu, về bàn với anh em trong tổ. Thượng úy Nguyễn Thế Chung phấn khởi bắt tay ngay vào minh họa trên bản thảo, lại được Tiểu đoàn trưởng Phan Tiến Trọng tham gia ý kiến chỉnh sửa thi công, thế là sáng chế mới ra đời. Giờ chỉ cần đẩy chiếc kích nhẹ nhàng cũng có thể ra vành cho lốp xe Zil, xe Kpaz. Đơn vị có hàng trăm chiếc vành xe, lốp xe cần sửa chữa, bảo dưỡng, sáng kiến đó đã tiết kiệm biết bao sức lực, tiền bạc cho đơn vị.
Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Tiểu đoàn 17 nói riêng và Lữ đoàn 543 nói chung có mục đích lớn nhất là để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Không những vậy, lữ đoàn còn có nhiều mô hình kiểu mẫu như “Ca năng suất”, “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”, “Mỗi ngày làm một việc tốt”, “Tuần hành động kiểu mẫu”, “Xây dựng công trình bốn nhất”, “Tuần kỹ thuật kiểu mẫu”, “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”… trong năm qua đều được bộ đội nhiệt tình tham gia hưởng ứng, thực hiện đạt thành tích cao. Những thành tích đó góp phần làm đẹp thêm cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” ở đơn vị.
Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ