QĐND - Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, lớp lớp bộ đội pháo cao xạ hân hoan kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Càng vinh dự và tự hào hơn, cũng trong thời điểm đầy ý nghĩa này, khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510.681 đã được đón bằng công nhận Bảo vật Quốc gia.
Buổi sáng cuối tháng Ba, đến Bảo tàng Phòng không-Không quân để tìm hiểu về khẩu pháo 37mm số hiệu 510.681 mới được công nhận là Bảo vật Quốc gia, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người lính già đang đưa đôi tay gân guốc tỉ mẩn lần từng chi tiết bên bệ pháo. Ông là Trần Quốc Chân, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 827, Trung đoàn 267, người đã trực tiếp chỉ huy Khẩu đội 3 (đơn vị phụ trách pháo 37mm số hiệu 510.681). Đã bước sang tuổi 85, nhưng trong đôi mắt ngân ngấn lệ của người lính pháo cao xạ một thời, ngày tháng vào sinh ra tử trên chiến địa phòng không bên đồng đội dường như vẫn còn ngùn ngụt lửa.
 |
Bác Trần Quốc Chân trò chuyện cùng các chiến sĩ trẻ Quân chủng Phòng không-Không quân bên Bảo vật Quốc gia-khẩu pháo 37mm 510.681. |
Ngày ấy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, khi trận địa pháo đã sẵn sàng thì được lệnh kéo pháo ra nhằm thực hiện phương châm chiến lược “Đánh chắc, tiến chắc”. Khẩu đội 3 do đồng chí Tô Vĩnh Diện làm Khẩu đội trưởng không quản ngại khó khăn cùng đồng đội ngày đêm vượt qua lửa đạn để đưa pháo về vị trí tập kết. Rạng sáng 1-2-1954, pháo được kéo đến lưng chừng dốc thì bị đứt dây tời. Cỗ pháo hơn hai tấn như con ngựa bất kham ầm ầm tuột dốc. Trong khoảnh khắc nguy cấp ấy, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã dùng hết sức mình đẩy càng pháo vào vách núi để cứu pháo. Khi khẩu pháo khựng lại thì bánh pháo đã chèn ngang người anh. Trong hơi thở cuối cùng Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi: “Pháo… có việc gì không?” rồi anh dũng hy sinh. Nén đau thương, noi gương anh hùng Tô Vĩnh Diện, các chiến sĩ pháo cao xạ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ vượt núi, băng rừng chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong những chiến công đó, khẩu đội pháo cao xạ mang tên anh hùng Tô Vĩnh Diện đã bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 chiếc khác...
Bên mâm pháo, Binh nhì Ngô Văn Hiếu, Đại đội 15, Tiểu đoàn 20, Lữ đoàn Thông tin 26, Quân chủng Phòng không-Không quân bộc bạch: “Được biết đến từ lâu, nhưng hôm nay em mới được tận mắt nhìn thấy khẩu pháo đã cùng anh hùng Tô Vĩnh Diện và các động đội chiến đấu ở Điện Biên Phủ năm xưa; được nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của Tô Vĩnh Diện, chúng em thêm tự hào về thế hệ cha anh đi trước và sẽ noi gương các anh để rèn luyện tốt góp phần giữ vững bình yên cho bầu trời Tổ quốc”.
Những xúc cảm hình thành nên trong thế hệ trẻ bên Bảo vật Quốc gia chính là giá trị cao nhất mà mỗi hiện vật quân sự để lại. Muốn giá trị đó luôn sống trong lòng nhiều thế hệ đòi hỏi trách nhiệm của những người làm công tác gìn giữ, bảo tồn. Đó là việc đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá tới công chúng giá trị lịch sử và ý nghĩa của không chỉ bảo vật mà còn nhiều hiện vật lịch sử khác; Chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài quân đội tổ chức các hoạt động tham quan, học tập giáo dục truyền thống ngay tại bảo tàng. Bên cạnh đó, cần xúc tiến các chương trình trưng bày, học tập tuyên truyền cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ ngay tại các đơn vị, góp phần thiết thực để bảo vật thực sự phát huy giá trị.
Bài và ảnh: TRẦN DUY VĂN