QĐND - Tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần và ý chí sắt son của người dân với cách mạng.

Theo tài liệu hiện lưu giữ ở đây, địa đạo Phú Thọ Hòa có từ năm 1947 tại ấp Lộc Hòa và vùng phụ cận. Toàn bộ khu đất của địa đạo khoảng 4000m2, bên trong khuôn viên có ngôi nhà trưng bày di tích lịch sử địa đạo Phú Thọ Hòa. Trước Cách mạng Tháng Tám (1945), Phú Thọ Hòa là 1 trong 6 xã của huyện Gò Vấp, trong đó có các ấp: Lộc Hòa, Hòa Thạnh, Phú Thạnh, Tân Thới Hòa, Bình Đông và Bình Long. Nơi đây trước kia vốn là vùng đất cao, cây cối rậm rạp, địa hình, địa vật phức tạp.

Đường hầm địa đạo (địa đạo chiến) bắt đầu từ ấp Lộc Hòa, kéo dài lên ấp Bình Long, qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu (Tân Sơn Nhì), chiều dài địa đạo theo đường chim bay khoảng 1km. Năm 1985, quận Tân Bình trước đây (nay tách ra thêm quận Tân Phú) đã phục dựng một đoạn địa đạo xưa, dài khoảng 100m. Địa đạo Phú Thọ Hòa gồm 2 cụm địa hình nối liền nhau, đường xương sống có nhiều nhánh và hầm lớn cách mặt đất chừng 3m, lòng địa đạo cao khoảng 1m, chiều rộng khoảng 0,8m, các tuyến nối liền dài khoảng 1km. Do nơi đây rất gần với các đồn bốt địch, nên lực lượng cách mạng phải đào hầm bí mật vào ban đêm. Địa đạo được đào theo kiểu “hầm xe lửa”: Từ hai điểm ở đầu, hai tổ đào thẳng về điểm trung tâm, kéo dài khoảng 4-5m dừng lại, sau đó nhắm hướng đào sâu tạo con đường thứ hai cũng có độ dài 4-5m sao cho ráp mí với địa đạo thứ nhất, cứ thế tiếp tục độ dài địa đạo. Miệng hầm được đào trong bụi cây rậm rạp; mỗi đoạn hầm có 3-4 lỗ thông hơi, tùy theo địa hình là lũy tre, hay mồ mả mà đặt lỗ thông hơi cho kín đáo. Đất đào lên được mang đổ xuống ruộng thấp, vun thành những vồng khoai, vồng sắn. Về sau, ta huy động nhân dân đào thêm những hầm chữ "L" và giao thông hào công khai trên mặt đất, đổ lẫn đất nọ vào đất kia tránh sự chú ý của địch.

Di tích lịch sử Quốc gia Phú Thọ Hòa.

Trong những năm kháng chiến, địa đạo là nơi để cán bộ và lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, nắm vững địa bàn hoạt động và ém quân, làm bàn đạp tiến công vào thành phố. Nơi đây từng nhiều lần là khởi điểm của những trận xuất kích gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu là hai lần đánh vào kho bom Phú Thọ (1952, 1954), phá hủy hàng nghìn tấn bom đạn, đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu của địch; nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu hao lực lượng địch…

Địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần và ý chí sắt son của người dân với cách mạng. Ngày 17-11-1984, trong một lần về thăm nơi đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh-Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chỉ đạo khôi phục lại khu di tích lịch sử cách mạng địa đạo Phú Thọ Hòa để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngày 28-6-1996, nơi đây đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia.

Với những giá trị lịch sử đó, địa đạo Phú Thọ Hòa đã được các cơ quan chức năng có kế hoạch tôn tạo, trùng tu với mức kinh phí khoảng 4-5 tỷ đồng, để trở thành khu di tích lịch sử-văn hóa-du lịch, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế. Hiện nay, nơi đây còn giữ được một số bụi tre gai xanh tốt, xen giữa khu dân cư và khu công nghiệp đang phát triển sôi động của thành phố, nên càng làm tăng giá trị một khu địa đạo lịch sử cách mạng. Theo đồng chí Ngô Văn Chung, cán bộ phụ trách quản lý khu di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, dự án trùng tu, tôn tạo khu địa đạo, đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do năm 2015 có nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên thành phố ưu tiên trùng tu, tôn tạo trước các di tích có nguy cơ bị mất. Do đó, dự án trùng tu, tôn tạo địa đạo Phú Thọ Hòa có thể chuyển sang năm tới.

Mặc dù dự án chưa đưa vào triển khai, nhưng nơi đây nhiều năm qua vẫn được người dân tổ chức các buổi sinh hoạt đoàn, đội, họp mặt cựu chiến binh, giáo dục truyền thống của học sinh... Theo ý kiến của nhiều người dân địa phương, để địa đạo Phú Thọ Hòa phát huy tốt hơn vai trò giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, nên chăng cần tái tạo địa hình xưa, có nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thu thập thêm nhiều hiện vật lịch sử, kết hợp với một số dịch vụ như: Hướng dẫn, phục vụ khách muốn xuống hầm để tìm hiểu sự sáng tạo và ý chí chống giặc của các chiến sĩ cách mạng…  

Nhân dân Phú Thọ Hòa rất mong sự quan tâm, đầu tư tôn tạo từ các cơ quan chức năng; sự chung tay đóng góp của các mạnh thường quân, của du khách tham quan trong nước và quốc tế, để địa đạo Phú Thọ Hòa thực sự phát huy được vai trò của một Di tích lịch sử Quốc gia trên Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUANG