Hiểu chưa đúng, chậm triển khai

Lợi ích của công nghiệp văn hóa thể hiện trên nhiều mặt: Đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân, tạo thêm nhiều việc làm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” quốc gia... Đi sau các nước Âu-Mỹ, song nhờ quyết tâm, cách làm bài bản, Hàn Quốc đã thành công lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa với những con số ấn tượng: Đóng góp gần 9% trong tổng số GDP hơn 1.600 tỷ USD (năm 2019), với mức tăng trưởng trung bình khoảng 16% mỗi năm. Trên hết, “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) ảnh hưởng rộng khắp, sâu sắc trên thế giới. Mới nhất, hình ảnh nhóm nhạc BTS xuất hiện trong thời gian diễn ra Phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 với tư cách là Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc cho thấy, nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) và rộng ra là các ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc thực sự là “vũ khí quyến rũ” của đất nước này.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Chính phủ xác định, nền công nghiệp văn hóa Việt Nam có 12 ngành chủ chốt: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Chiến lược đã đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP vào năm 2020 và tăng lên 7% vào năm 2030.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Năm 2019, Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO đã xác nhận, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP, cao hơn so với dự tính trong Chiến lược. Điều đó chứng minh đường hướng của Chiến lược là đúng đắn, đặc biệt là việc xác định các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt. Hứa hẹn tương lai đóng góp 7% GDP của các ngành công nghiệp văn hóa vào năm 2030 là khả thi, quyết định công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Cầu Vàng (Đà Nẵng) trở thành sản phẩm du lịch văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Ảnh: QUANG TÂN 

Nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu đóng góp vào GDP có thể đạt được, nhưng để biến công nghiệp văn hóa trở thành "sức mạnh mềm" của quốc gia như yêu cầu trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa.

Nhưng đáng tiếc, nhiều địa phương vẫn hiểu chưa đúng về công nghiệp văn hóa. Chẳng hạn trong báo cáo kết quả sau hai năm thực hiện Chiến lược của UBND tỉnh Quảng Bình lại nêu thành tích đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh nhà giành được huy chương vàng toàn quốc về biểu diễn nghệ thuật truyền thống; trong khi nếu hiểu đúng về công nghiệp văn hóa là biến sản phẩm văn hóa thành hàng hóa đặc biệt thì cần phải nêu rõ nguồn thu từ biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ người dân và du khách.

Việc chậm trễ xây dựng kế hoạch, đề án cũng khiến cơ hội tăng tốc phát triển công nghiệp văn hóa bị bỏ lỡ. Một trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu như TP Hồ Chí Minh sau 5 năm Chiến lược ra đời vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Dự định thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa TP Hồ Chí Minh vẫn đang nằm trên giấy. 

Phát huy thế mạnh, tránh đầu tư dàn trải

Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX yêu cầu đầu tư cho văn hóa đến năm 2010, ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách. Giai đoạn 2014-2018, ngân sách nhà nước chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa 15.354,2 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,71% tổng chi đầu tư phát triển ngân sách nhà nước. Và hiện nay, cũng chưa một tỉnh, thành phố nào đạt mức đầu tư cho văn hóa như mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh câu chuyện ngân sách đầu tư hạn hẹp, nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với một số tổ chức chỉ ra rằng, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không đồng đều. Chính vì vậy, đầu tư phát triển cho công nghiệp văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ liên quan đến công nghiệp văn hóa đã chỉ đạo: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới cần đẩy mạnh, đi vào thực chất, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. Với quan điểm chọn việc, làm điểm, phải tạo dựng cho được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển thương hiệu, dần dần có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân”.

Qua thống kê đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào ngân sách nhà nước, thấy rõ thế mạnh của một số ngành chủ chốt, như: Du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thời trang. Vướng mắc hiện tại là các ngành công nghiệp văn hóa chưa tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm từ đó tạo ra thương hiệu “made in Vietnam”. Nhà phê bình nghệ thuật Đỗ Hoàng Linh cho rằng: “Công trình kiến trúc Cầu Vàng ở Đà Nẵng là ví dụ thành công của công nghiệp văn hóa. Từ một công trình kiến trúc, cây cầu này đã trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa, tạo ra một thương hiệu cho công nghiệp văn hóa Việt Nam, được du khách trên toàn thế giới biết đến. Nhưng nhiều ngành công nghiệp văn hóa chưa biết tạo dựng giá trị, thương hiệu dù thế mạnh rất lớn. Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may hàng đầu, nhưng thời trang Việt Nam lại chưa có vị thế xứng tầm. Nếu biết đầu tư, tham gia vào các tuần lễ thời trang, thương hiệu cho các nhà thiết kế, người mẫu... thời trang Việt Nam chắc chắn sẽ vươn tầm. Đồng thời, liên kết thời trang với các ngành khác như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn cũng là một hướng đi cần chú trọng”.

Việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt không có nghĩa những ngành khác bị... bỏ rơi. Nếu đổi mới cách làm vẫn tạo ra những điểm nhấn đáng chú ý mà không phải đầu tư quá nhiều. Chẳng hạn, kinh phí tổ chức cuộc thi và triển lãm mỹ thuật toàn quốc là hơn 4 tỷ đồng. Nhiều giám tuyển mỹ thuật cho rằng, không nhất thiết phải triển lãm quá nhiều tác phẩm; thay vào đó, kinh phí bớt lại để tổ chức sàn đấu giá, sẽ có quy định rõ phần trăm số tiền thu về từ đấu giá nghệ sĩ được hưởng, phần trăm còn lại liên quan đến thuế, phí nộp vào ngân sách. Sẽ là phí phạm nếu triển lãm mỹ thuật toàn quốc trưng bày tác phẩm trong một tháng rồi kết thúc, tác phẩm lại được trả về cho nghệ sĩ.

Công nghiệp văn hóa vận hành theo cơ chế thị trường, không nhất thiết Nhà nước phải "xắn tay" làm trong mọi việc, mà chủ yếu là kiến tạo, đặc biệt là thể chế chính sách. Chuyên gia nghiên cứu công nghiệp văn hóa Trương Uyên Ly cho rằng: “Những chính sách kiến tạo, như: Miễn giảm thuế, cho thuê ưu đãi dài hạn các không gian, bảo lãnh cho vay lãi suất thấp, nhanh chóng, quyết liệt bảo hộ bản quyền... đã được các nước thực thi hiệu quả, rất đáng để Chính phủ nghiên cứu áp dụng. Tất cả các nước đã xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa thành công đều cần sự hỗ trợ, đầu tư ban đầu của nhà nước cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, cách thức hỗ trợ cần tập trung, lựa chọn những dự án tiềm năng, không phân biệt đơn vị công hay tư, miễn có khả năng mang lại hiệu quả cao, để hoàn thành mục tiêu chung là phát triển công nghiệp văn hóa”. 

HÀM ĐAN