Tôi cũng biết tới nhiều loại tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình… từ hồi ấy. Thi thoảng tôi cũng tham gia in tranh kiếm thêm tiền tiêu vặt, quy trình chế tác sơ sơ cũng biết. Đại để như giấy dó, vỏ điệp đi mua chỗ nào; hóa chất, keo hồ pha chế ra sao; quét điệp “nước một, nước hai” theo màu nào; phơi phóng ra sao để giấy khô lớp điệp bền chắc.

Thi thoảng tôi cũng theo chú, dì đảo qua mấy làng nghề in tranh truyền thống xem có mẫu mới nào không. Thuở ấy đi đến Đông Hồ chỉ có hai đường, một là qua chợ Sủi, Dâu, Keo; hai là cứ dọc đường đê sông Đuống là tới. Thời ấy, ở Đông Hồ đã rộ lên tình trạng bán bản khắc. Người mua may thì kiếm được bản khắc cổ, nghĩa là của những nhà thất nghiệp mất nghề, thời xưa cha ông làm, thời nay con cháu không theo được, giữ bản khắc gỗ thêm chật nhà, bán đi mua yến gạo. Những bản khắc cổ thường được làm bằng gỗ thừng mực, đủ mềm để tạo nét, đủ dai để không mất chi tiết và đặc biệt là rất ăn màu. Mua được bản khắc nào mà nhìn vào kẽ nét khắc thấy lớp màu keo quánh thời gian thì đến 90% là bản khắc cổ có tuổi không dưới 100 năm. Tất nhiên là thời ấy cũng đã có bản khắc giả cổ nhưng khó qua mắt được dân có nghề.

 Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về tranh dân gian Đông Hồ.

Đi săn bản khắc cổ chẳng phải là chú, dì tôi tâm huyết với “cổ tích” của dân tộc, mà mua về bán lại cho các nhà sưu tầm nước ngoài lấy mấy đồng dôi. Bán bản khắc rất lãi, có khi gấp cả nghìn lần. Việc mua bán này xưa nay chẳng có ai cấm nhưng tôi lại thấy có chút bất nhẫn. Có lần nhân chén rượu xuân, tôi cũng nói ra ý đó. Ông chú bảo việc ấy hề gì, bởi còn nghề in tranh còn phải thay mới bản khắc. Ông nói: “Nếu tranh vẫn còn bán được thì vẫn còn thợ khắc, chẳng lo. Vấn đề lo nhất là người dân không còn chơi tranh Đông Hồ nữa”.

Đến những năm cuối thập niên 1990 thì chẳng mấy người còn biết “chơi” tranh Đông Hồ. Bởi nếu biết chơi thì người ta đã không so sánh tranh in lưới với tranh rập bản khắc. Hai loại tranh đó tưởng giống mà khác nhau, bởi một đằng làm màu bằng vật liệu thô lấy từ tự nhiên như son, củ nghệ, lá cẩm…; một đằng làm màu bằng hóa chất tổng hợp. Tranh in lưới sẽ bền màu, đều nét hơn. Tranh rập bảng khắc gỗ thường không đều màu, nét tù, đôi khi còn lệch… nhưng đó mới chính là cái hay của tranh Đông Hồ. Khi nhìn vào, ta thấy được cái công của ông thợ rập tranh, cái khéo của người khắc, cái tài tình, thâm thúy của cha ông.

Tranh Đông Hồ sau này được nâng tầm lên rất nhiều, người ta đóng khung cho tranh, bo viền cẩn thận, thậm chí tranh còn được lồng khung kính. Tưởng như vậy mới là tôn vinh, đâu ngờ chính sự nâng tầm đó đã “giết” tranh Đông Hồ. Bởi nếu chơi tranh Đông Hồ theo truyền thống là chơi theo mùa, theo tiết, theo năm. Nghĩa là bức tranh lâu lắm cũng chỉ để đến một năm mà thôi. Bản thân bức tranh Đông Hồ khi in ra là đã có đủ cả khung, cả bo, thậm chí có cả khuyên treo rồi, người mua tranh về chỉ việc treo (hoặc dán) lên tường, là xong. Ngắm tranh Đông Hồ, người xưa thường gí sát mắt vào để xem đường nét, đọc thơ, đọc chữ… chứ không theo cái kiểu “tranh nhìn xa, hoa nhìn gần” khi thưởng thức tranh của người châu Âu. Ấy cũng bởi tranh chơi theo mùa, hết mùa là bỏ (vì bạc màu, vì sờn rách), còn bằng dùng hết năm này, năm khác thì người in tranh… biết lấy gì mà sống? Từ mấy cái lý đó, ông chú tôi nói như quả quyết: Tranh Đông Hồ nhất định sẽ “chết”(!)

Mấy làng quanh xã Song Hồ giờ chỉ còn đúng hai gia đình sản xuất và “sống được” nhờ tranh Đông Hồ, đó là gia đình ông Nguyễn Đăng Chế và gia đình bà Nguyễn Thị Oanh. Bà Oanh là con dâu của ông Nguyễn Hữu Sam, người làng Đông Hồ, có nghề gia truyền. Nhà bà Oanh hiện tại chỉ khai thác lại những mẫu từ các bản khắc cổ của gia đình, dòng họ. Còn ông Nguyễn Đăng Chế, sinh năm 1934, từng học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, là người có nghề, có thể sáng tác. Quả tình, cũng có thời ông sáng tác tranh cổ động dựa trên chất liệu tranh dân gian Đông Hồ, nhưng do phong cách sáng tác của ông hiện đại quá, chủ đề lại mang tính thời sự nên hầu hết tranh ông sáng tác chỉ dùng để in vựng tập, coi như là một nhánh nhỏ của tranh Đông Hồ truyền thống.

Tranh xưa của các cụ cũng trải qua quá trình sáng tác lâu dài mới có được khoảng 500 mẫu như chúng ta biết hiện nay. Có nhiều nhà phê bình mỹ thuật từng nhận xét rằng: Chủ đề và đường nét trong tranh Đông Hồ truyền thống họa sĩ đương thời không làm nổi, vì họa sĩ được đào tạo bài bản thiếu ánh nhìn ngây thơ, thuần phác và thiếu sự thuần thục trong mỗi nét vẽ. Hãy xem các cụ nhà ta bắt đầu làm nghề từ rất sớm, 11, 12 tuổi đã làm phó nhỏ rồi. Đến khi ra nghề đã đục qua không biết bao nhiêu bản vẽ. Trong đầu họ đã hình thành bố cục, đường nét một cách tự nhiên; họ thậm chí còn chẳng cần phác thảo mà đục thẳng lên bản gỗ. Trong sáng tác cũng vậy, tranh dân gian đôi khi không “bắt đúng” về “giải phẫu” lắm, đấy là điều mà các họa sĩ hiện đại không tài nào “chịu nổi”. Nhưng không đúng về tỷ lệ lại có thể tạo ra sự ngộ nghĩnh khi tạo hình nhân vật, như vậy mới ra tranh dân gian. Tranh Đông Hồ vào thời phát triển cực thịnh ở thế kỷ 17, 18 hẳn đã có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian và bằng sự quan sát tinh tường của đôi mắt, sự khéo léo tuyệt vời của đôi tay đã tạo ra được những bức họa như thế.

Vậy chúng ta còn gì và giữ gì? Nghề tranh dân gian Đông Hồ đã được trình và đề nghị UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra một số phương án bảo vệ như dựng nhà truyền thống, nhà giới thiệu quy trình làm tranh, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh ngay tại đình... Đây là những việc làm rất cần thiết, nhưng theo nhiều người quan tâm đến tranh Đông Hồ thì đề án còn thiếu một việc, đó là giáo dục về cách “chơi” tranh Đông Hồ. Giáo dục để người ta có thể “chơi” tranh Đông Hồ theo đúng nghĩa là tranh mùa vụ, để mỗi dịp Tết đến, xuân về là du khách thập phương lại hành hương về Đông Hồ mua tranh, như cái cách mà quan họ đang gây được hấp lực với du khách; lối chơi quan họ cũng đã dần đi vào “lề lối”.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ