Chúng tôi đến thăm các nhà vườn trồng đào nổi tiếng ở làng Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), chứng kiến không khí lao động sản xuất khẩn trương, mới thấy sự vất vả của người nông dân để sản xuất ra những cây đào đẹp phục vụ nhu cầu khách chơi hoa dịp Tết.

Ông Đỗ Văn Kim, chủ một vườn đào ở Nhật Tân.

Ông Đỗ Văn Kim, chủ một vườn đào ở Nhật Tân chia sẻ: "Thời gian này chỉ là giai đoạn cuối của cả một năm vất vả trồng và chăm bón cho cây đào, năm nay do ảnh hưởng của cơn bão Yagi nên vườn mất gần một nửa số gốc đào do bị đổ gãy, chết gốc, số đào còn lại nhà vườn đã chăm sóc tỉ mỉ để kịp bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu chơi Tết của khách hàng… Số đào hỏng thì mua cây thay thế để kịp cho Tết sang năm”.

Bà Khương Thị Nguyệt, chủ một vườn đào ở Nhật Tân chia sẻ với phóng viên về lượng đào bán ra thị trường năm nay.

Còn bà Khương Thị Nguyệt, chủ một vườn đào có hơn 200 gốc thì cho biết: Dù có kỹ thuật, nhiệt tình, tận lực với nghề trồng đào, nhưng yếu tố quyết định cho kết quả lại chính là thời tiết. Từ lúc chuẩn bị tuốt lá cho đến thời điểm bán cây đào, người trồng đào phải luôn luôn theo dõi chuyển biến của thời tiết. Nếu thời tiết quá lạnh thì phải chăm bón tốt hơn và có biện pháp sưởi ấm cho cây.

Tại làng đào Nhật Tân, chúng tôi gặp anh Đồng Bá Đông (Long Biên, Hà Nội), chủ buôn đào vào Buôn Ma Thuột, anh chia sẻ: Năm nay ảnh hưởng của bão Yagi nên đào số lượng ít, các thế cây cũng ảnh hưởng ít nhiều, anh phải đi từ sáng sớm để tìm khoảng 200 gốc đào để kịp mang vào Buôn Ma Thuột phục vụ khách chơi Tết.

Anh Đồng Bá Đông tỉ mỉ chọn từng cành đào để phục vụ người dân khu vực Buôn Ma Thuột.

“Người dân khu vực Buôn Ma Thuột rất thích mua đào chơi Tết, nhất là đào Nhật Tân”, anh Đông chia sẻ thêm.

Nhiều người chơi hoa sớm tới tận vườn để chọn mua những cành đào ưng ý về trưng Tết.

Bắt gặp nhiều gốc đào lớn đã được chất lên xe của các tiểu thương, bà Trần Thị Bích Huệ, chủ một vườn đào có hơn 500 gốc cho biết: Các gốc đào nhỏ được bán với giá vài triệu đồng một gốc. Còn những gốc đào lớn, đa số được các cơ quan, doanh nghiệp thuê về trưng bày trong dịp Tết, với giá khoảng vài chục triệu đồng trong 15 ngày. Sau đó chủ vườn sẽ cho xe chở về, tiếp tục chăm bón để Tết sau cho thuê tiếp.

Quất được bày bán với đủ mọi hình thức và kích cỡ.

Tại làng Nhật Tảo, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhiều nhà vườn trồng quất ở đây đang nhộn nhịp, tấp nập người bán người mua. Cạnh đó nhiều chủ vườn đang cho xe chở ra thị trường các chậu quất cảnh, quất bonsai đẹp với nhiều mức giá khác nhau, phục vụ nhu cầu của người dân.

Ông Đặng Văn Hường, một chủ vườn quất Nhật Tảo chia sẻ với phóng viên về các mẫu quất nhà vườn bày bán. 

Ông Đặng Văn Hường, một chủ vườn quất Nhật Tảo cho biết, nhà ông có đủ các mẫu mã từ quất bonsai, quất chum, quất chậu tới quất thế to. Hằng năm ông đều sản xuất các chậu quất cảnh, được uốn nắn ngay từ khi cây chưa lớn. Quất nhà ông được sản xuất theo nhiều cung, bậc để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, hầu như ai cũng có thể mua được, với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng. Cạnh đó cũng có những sản phẩm đặc biệt, với giá có thể lên đến vài chục triệu đồng…

Chị Nguyễn Thị Phúc (Thượng Cát) chọn cho mình 2 chum quất thế đẹp để trang trí nhà cửa.

Chia sẻ về quất năm nay, chị Nguyễn Thị Phúc (Thượng Cát) cho biết: Năm nay người nông dân nhiều khó khăn, nên khi vào mua tôi chỉ chọn thế, còn không trả giá như mọi năm. Tôi chọn 2 quất chum để trang trí cho gia đình với mong muốn năm mới thật sung túc, ấm no.

Với sự tận tâm của những người trồng cây, sự lựa chọn tinh tế của người tiêu dùng và không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày Tết, thị trường cây cảnh vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong những ngày đầu xuân, mang đến niềm vui và hy vọng cho mọi gia đình Việt.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.