QĐND - Người Việt ta vốn ưa sự nhẹ nhàng, thanh lịch, nhất là trong "lời ăn tiếng nói" lại càng thể hiện rõ điều ấy. Lời nói trở thành tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách con người: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe, hay: Người thanh tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu. Người ta nâng vấn đề lên thành một triết lý: Đất tốt trồng cây rườm rà/ Những người thanh lịch nói ra dịu dàng. Nghĩa là nơi nào có môi trường xã hội tốt, lành mạnh thì mới có thể “trồng” ra được những người thanh lịch. Đây là sự gặp gỡ quan niệm của cha ông ta với khoa học tâm lý, giao tiếp hiện đại: Hoàn cảnh nảy sinh và quy định tính cách. Dân gian cũng rất có lý khi coi lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất giữa con người với con người: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tiếng nước mình mang tâm hồn người nước mình. Mỗi âm thanh như tiếng lòng của mỗi con dân đất Việt.
Nhưng hình như thời buổi văn minh hôm nay người ta cứ muốn đi ngược lại cái có thể gọi là thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa Việt.
Những ai có tuổi đi trên xe buýt đông người là một sự cực chẳng đã. Chen lấn. Xô đẩy. Ồn ào… Nhưng khổ nhất là phải nghe các anh, các chị sinh viên (và nam nữ thanh niên nói chung) nói chuyện với nhau. Thôi thì đủ thứ trên trời dưới biển. Ngọt ngào có. Ngoa ngoắt có. Nói tục. Chửi thề… Khủng khiếp hơn là có bạn trẻ đứng bên cạnh bắt máy di động mà nói. Nói và cười. Cười và kể. Kể và bình luận… rất tự nhiên như chốn không người. Xe đông thì ồn. Vì ồn nên bạn trẻ càng nói to… Nhưng thế cũng mới là khổ, chưa phải là đáng sợ…
Âm thanh phát sinh ở người là lời nói. Âm thanh phát sinh từ xe cộ là tiếng máy nổ và tiếng còi xe. Và đây cũng có thể coi là âm thanh mang tính lời nói của con người vì con người điều khiển máy móc. Như vậy có thể coi tiếng còi xe, tiếng máy nổ cũng là một dạng lời nói của con người, một thứ ký hiệu văn hóa mang tính người.
Cái đáng sợ nhất của những ai yếu thần kinh là cái thứ ký hiệu văn hóa mang tính người này: Tiếng còi xe. Hình như đã có người chết vì thứ âm thanh khủng khiếp ấy. Nghe đâu chỉ vì tiếng còi ô tô quá to, quá đột ngột mà một người đi xe đạp phía trước hoảng loạn ngã rồi dẫn đến cái chết oan uổng. Những tiếng nổ chói gắt inh tai (hình như người ta gọi là nẹt bô thì phải!) như pháo nổ, như súng bắn phát ra từ những chiếc xe máy đang chạy điên cuồng, lạng lách điên cuồng mà người cưỡi trên chúng là những thanh niên có cả "nam thanh nữ tú". Ngày xưa chỉ có tiếng súng, tiếng pháo nơi rừng sâu chiến hào đuổi giặc thì nay nó phát ra, nó hiện hình ở giữa phố phường phồn hoa đô hội. Ngày xưa “giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”, thì nay giữa những ngày hòa bình êm đềm yên ấm thì thứ âm thanh ấy càng dữ dội hơn nhiều.
Chao ôi, lại có thứ văn hóa xe cộ thế này ư? Còi càng to, tiếng máy nổ càng giòn, càng chói gắt càng được coi là ăn chơi sành điệu. Thế cái văn hóa âm thanh “dịu dàng dễ nghe” của người Việt ta đã đi vào quá vãng chăng?!
Có một anh bạn người Lào nói trên báo nước ta thế này: Hễ đi bằng ô tô hay xe máy bên Lào, cứ nghe thấy xe nào dùng còi thì người lái xe đó gần như chắc chắn là người Việt!
Chao ôi, đâu rồi cái thứ âm thanh “dịu dàng dễ nghe” để “cho vừa lòng nhau”?!
NGUYÊN THANH