Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, sách Trích giảng Văn học lớp 7 ở trường phổ thông miền Bắc có trích đoạn trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” của nhà thơ Thu Bồn viết về tình bạn chiến đấu keo sơn và tấm gương hy sinh anh dũng của hai cán bộ cách mạng là Hùng- người Kinh và Y Rin-người Thượng ở Tây Nguyên.

Nhà thơ THU BỒN. Ảnh: Bảo tàng Văn học Việt Nam 

Đoạn trích gồm 96 câu thơ được mở đầu: “Máy rú, xe từ từ lăn bánh/ Hai chiến sĩ điềm nhiên đến pháp trường/ Hùng, Rin nhìn trời mây, cây cỏ/ Lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương”. Lời thơ thấm đẫm tình yêu đất nước, quê hương trong niềm lạc quan mở ra vô tận: “Quê hương ơi! Ta chào quê hương nhé/ Hồi nào tuổi trẻ ra đi/ Rừng chiến khu vang ầm tiếng súng/ Nhớ hàng sầu đông vẳng tiếng cu gù/ Đây chiếc xe chở ta vào cõi chết/ Nhưng quê hương ta đã đứng lên rồi/ Người thân yêu ơi! Ta nhớ sao cho hết/ Những cánh tay giơ cao giành lại cuộc đời...”.

Nhưng vượt lên trên những hy sinh, mất mát là niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến: “Và cô gái biển xinh đẹp người vợ trẻ/ Ngày chiến thắng về không có bóng anh/ Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh/ Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh” và “Hùng nhé! Rin chưa gặp cô gái đẹp/ Một đêm nào Hùng kể say sưa/ Ngày thống nhất Rin về dưới nớ/ Hùng sẽ cho Rin uống nước dừa”.

Nhà thơ Thu Bồn tên khai sinh là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935, nguyên quán: Xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tham gia thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi và trực tiếp chiến đấu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị... Năm 1969, ông bị thương và ra Bắc, công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

“Bài ca chim Chơ-rao” là trường ca đầu tay của Thu Bồn được sáng tác năm 1962 ở Mặt trận Tây Nguyên. Tác phẩm gồm 230 khổ (920 câu thơ) gửi ra miền Bắc và được đăng trên Báo Văn nghệ năm 1965, được trao tặng Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965) và Giải thưởng Văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (năm 1973). Một bài thơ khác của Thu Bồn là bài “Gửi lòng con đến cùng Cha” được viết vào tháng 9-1969, ngày sau ngày Bác Hồ đi xa.

Đó là tiếng lòng của những người lính đối với Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam cùng với lời hứa sắt son: “Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng”. Bài thơ được đông đảo công chúng yêu thích và được tặng Giải thưởng thơ Báo Hà Nội mới (năm 1969)... Với những đóng góp không mệt mỏi cho nền văn học-nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Thu Bồn đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật đợt 1, năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật năm 2017.

Nhà thơ Thu Bồn tuy đã đi xa nhưng độc giả yêu thơ vẫn nhớ ông như một trong những người mở đầu thể loại trường ca thời chống Mỹ, cứu nước, đồng thời là một trong số các nghệ sĩ-chiến sĩ tiên phong “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

LÊ AN KHÁNH