Tút…tút…tút… Tín hiệu báo gọi điện thoại ra Trường Sa dường như kéo dài hơn, khiến chúng tôi một chút lo lắng. Biết đâu cuộc gọi bị lỗi! Nhưng rồi, phía “đầu dây” từ trùng khơi, một giọng nói miền Trung nhè nhẹ. Mừng quá!
- Alô, Trường Sa Lớn đây!
- Alô, anh Nguyễn Đại Dương đảo trưởng phải không?
- Đúng rồi! Có phải báo Quân đội nhân dân không?
Nhận ra người quen, cuộc đàm thoại xôn xao hẳn lên, mặc cho tín hiệu âm thanh trễ, chồng lên nhau.
Chúng tôi chuyển lời chúc Tết ra đảo, chúc các anh khỏe mạnh, rắn rỏi, đón xuân vui vẻ. Nguyễn Đại Dương giọng xúc động nhưng nghe rất rõ:
- Cán bộ, chiến sĩ, quân-dân trên đảo Trường Sa Lớn xin chúc bà con, chúc đồng đội ở đất liền mạnh khỏe.
 |
Những lá thư từ đất liền là món quà được bộ đội trên đảo mong chờ nhất. Ảnh: VnExpress |
Đáp ứng mong muốn của chúng tôi, muốn biết đêm giao thừa anh em ngoài đó ăn Tết, đón xuân ra sao, Nguyễn Đại Dương kể, ngay từ chiều ngày cuối năm, các bếp tổ chức cho bộ đội ăn sớm hơn. Có chút bia, rượu vang, bánh chưng và dưa hành, bữa cơm tất niên thật ngon. Sau đó các phân đội nhanh chóng bàn giao lịch gác, lịch tuần tra rồi giục nhau mặc quân phục mới về khu trung tâm đảo để vui Tết đón xuân.
Ngay từ chập tối, các phân đội đã thi nhau lên hái hoa dân chủ, thi hát. Phân đội hỏa lực và phân đội phòng không giật được nhiều giải thưởng. Hấp dẫn nhất là giải thưởng bằng những cuốn sách từ đất liền gửi ra, lại có giải thưởng là những lon nước bí đao. Vui lắm. Nhất là khi xem chương trình Táo quân báo cáo Ngọc hoàng, trong đó có diễn viên Khánh “gù”, Quang Thắng…
Đêm giao thừa, máy phát điện trên đảo làm việc tới khuya, sau khi Chủ tịch nước chúc Tết, cả hội trường háo hức nhìn bà con Hà Nội, bà con thành phố Hồ Chí Minh náo nức trên đường phố đón chờ thời khắc chuyển sang năm mới. Trên ti vi không khí thật náo nhiệt, pháo hoa bừng lên đủ sắc màu. Trong khi đó cả hội trường trung tâm đảo ai nấy đều xúc động, lặng yên nuốt lấy từng âm thanh, từng hình ảnh…
Nguyễn Đại Dương kể tiếp, buổi sáng mồng một Tết các phân đội thi đấu các trò chơi dân gian, buổi chiều thi đấu bóng chuyền, bịt mắt đá bóng. Mọi năm buổi chiều mồng một, các chiến sĩ ai nấy đều nhớ đất liền da diết. Năm nay, hầu hết anh em được nói chuyện qua điện thoại với gia đình trong những ngày áp Tết, do vậy ai nấy đều vững lòng, các chiến sĩ rủ nhau đến các nhà thăm hỏi đồng hương, ngắm bàn thờ Tổ quốc, đào, mai, báo tường của các phân đội…
Chúng tôi rất vui khi nối liên lạc được với đảo Đá Tây, chỉ huy đảo là Nguyễn Xuân Triệu vui vẻ kể cho chúng tôi về những bữa ăn ngày Tết. Triệu bảo, do che chắn được sóng và gió nên bộ đội có cả rau cải xào, rau cải non ăn ghém. Đảo Đá Tây không rộng nên không đá bóng được, chỉ khởi động tại chỗ, sau đó thi vật tay rồi rủ nhau đánh cờ. Ai bị thua thì phải hóa trang bôi nhọ, nhận làm “em”.
Rất mừng là tối mồng hai Tết, chúng tôi đã tiếp tục kết nối được cuộc điện đàm với đảo Sinh Tồn, đồng chí Vi Đức Thanh gửi lời chúc Tết về đất liền. Anh kể, đêm Giao thừa trên đảo Sinh Tồn anh em sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rất vui, có nhiều bài hát do anh em tự sáng tác, được “khán giả” vỗ tay nhiệt liệt. Ngày mồng một Tết, trên đảo có nhiều trò chơi cuốn hút chiến sĩ trẻ như ném bóng bàn, bịt mắt đập… xoong. Dịp tết có bốn đội bóng chuyền thi đấu, vào chung kết là đội thuộc khối chiến đấu và đảo bộ. Kết quả đội khối chiến đấu giành giải nhất, được thưởng nhiều rau và những thùng nước ngọt.
Gọi tới đảo Nam Yết, Phạm Hồng Chiến, một cán bộ trên đảo nhận ra chúng tôi, anh háo hức kể, đêm Giao thừa các phân đội ở Nam Yết lần lượt đến thăm nhau, sau đó anh em về tập trung trước các máy thu hình xem chương trình đón xuân vui Tết.
Từ chiều 28 Tết, đảo đã thịt hai chú lợn béo, tính ra phải hơn một tạ thịt, ngay khi thịt lợn đã vui Tết rồi. Nào lòng lợn, nào món xào, món luộc khiến chiến sĩ trẻ háo hức như ở quê. Tiếng băm, chặt thịt “công cốc”, khiến nhớ nhà, nhớ quê quá. Năm nay đảo có thêm thực phẩm tươi ở đất liền gửi ra, lại thu hoạch được nhiều rau, khiến bữa ăn ngày Tết thật hấp dẫn.
Chúng tôi hỏi: Những trò chơi gì được ưa thích nhất trong ngày Tết? Phạm Hồng Chiến kể, bịt mắt đá bóng, kéo co, mệt bã mồ hôi nhưng ai cũng thích. Chiều mồng một, đảo phát điện để anh em hát ka-ra-ô-kê, loa mở hết công suất, giọng trầm, giọng thanh (giả tiếng con gái), ai cũng thử bắt chước giọng nữ, vui quá, cũng bớt nhớ nhà, nhớ quê.
Giọng đầy xúc động, Phạm Hồng Chiến nói, các anh ở báo cho chúng tôi chuyển lời chúc Tết tới bà con ở đất liền cùng các bạn trẻ trên các miền đất nước, lời chúc sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Dù khó khăn gian khổ đến mấy, chiến sĩ Trường Sa luôn công tác tốt, huấn luyện giỏi, giữ vững biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày mồng một Tết, từ cụm đảo phía bắc, đến các đảo chìm phía nam thời tiết khá đẹp. Nhiệt độ ổn định trên dưới 20 độ, thoảng có cơn mưa nhưng tạnh ngay. Khi chúng tôi gọi điện tới các phân đội ở vùng D Hải quân, được biết các tàu chiến đấu, phục vụ trên các vị trí làm nhiệm vụ, anh em thủy thủ đều được bảo đảm ăn Tết với tiêu chuẩn cao, ăn tươi hơn ngày thường. Những tàu gần bờ bắt được sóng truyền hình, anh em thức lâu, tới hết chương trình mới đi nghỉ.
Mấy cuộc đàm thoại ngắn ngủi đã kết thúc từ lâu, hình ảnh những chiến sĩ Trường Sa vững vàng bên bờ sóng, bên nhà chòi vẫn còn đọng mãi trong chúng tôi.
TRẦN DANH-PHÚC THẮNG