Nghệ nhân Vũ Văn Sinh và chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam

Anh Vũ Văn Sinh-44 tuổi, nghệ nhân làng nghề Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Tây cùng các nghệ nhân cao tuổi trong làng vừa hoàn thành chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam: đèn cao gần 7 mét, đường kính 3m30, làm từ nguyên liệu tre, nứa, gỗ sẵn có ngay tại quê mình.

Gặp anh Vũ Văn Sinh ngay tại nhà riêng của anh, anh hồ hởi kể chuyện cho biết: “Hà Tây quê tôi là đất trăm nghề, làng xã nào cũng có nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Làng tôi-Đàn Viên-từ xưa đến giờ nổi tiếng về nghề làm pháo Tết. Vào những ngày hội, ngày lễ tết, ai đã xem những chùm pháo bông, pháo hoa nở rực rỡ ban đêm trên bầu trời mọi miền Tổ quốc, mới cảm thấy hãnh diện, màu đỏ tượng trưng cho niềm tự hào, màu xanh cho hòa bình, màu tím cho sự thủy chung, màu vàng nắng thể hiện hào khí của quê hương.

Vui câu chuyện bên chén nước chè mùi thơm ngào ngạt, đậm đà tình quê hương, anh Sinh tiếp tục câu chuyện: “-Năm 1995, hồi đó tôi là một trong những người giàu nhất nhì làng Đàn Viên vì làm nghề pháo bông, pháo hoa. Cả làng tôi khi đó có gần 3.000 người sống bằng nghề làm pháo, cung cấp pháo bông, pháo hoa cho thị trấn Bình Đà-làng pháo truyền thống nổi tiếng. Riêng nhà tôi cùng với tiền vốn bỏ ra, vay mượn bạn bè, ngân hàng đã có tới 1,5 tỷ đồng. Nhà nước có quyết định chuyển hướng làng nghề Đàn Viên, Bình Đà từ nghề làm pháo sang làm hàng mây tre xuất khẩu... Gia đình tôi đã chuyển sang làm nghề buôn bán thịt lợn, gà, than và làm thêm nghề pháo bông phục vụ lễ hội ở làng quê và ở các tỉnh bạn...”.

Anh Sinh cho biết thêm nhà nước và tỉnh cũng chưa có văn bản khuyến khích, cũng không cấm làm nghề làm pháo bông, pháo hoa. Thực tế trong những ngày lễ hội lớn của tỉnh, của Hà Nội nếu không có tiết mục đốt pháo bông, pháo hoa chào mừng, phục vụ nhân dân thì chắc rằng những ngày lễ hội đó sẽ thiếu đi màu sắc, vẻ đẹp. Tôi làm nghề pháo bông, đơn giản lắm, vật liệu pha chế có sẵn nhiều ở làng quê, chỉ cần có muối nát-ri, nhũ sơn, vôi bột, phèn xanh và phân dơi, diêm sinh là tôi đã tạo ra được chất cháy với nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau, pha chế thế nào là bí quyết gia truyền để lại. Tôi làm thêm giàn phóng pháo bông, pháo hoa bằng tre, nứa, ở đâu đặt hàng báo trước, là chúng tôi đến.

Với nhiều thành tích đóng góp cho các lễ hội quê hương, các tỉnh bạn và tại Hà Nội, anh Sinh đã được UBND các tỉnh, Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng hơn 40 bằng khen, giấy khen. Gần đây nhất là bằng khen của Bộ Văn hóa-Thông tin do đã tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động nghệ nhân chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh, huyện và xã Cao Viên, cùng với tấm lòng yêu quê hương, anh Sinh đã cùng với 10 nghệ nhân cao tuổi trong làng như: ông Ký (52 tuổi), ông Tuệ (55 tuổi), ông Hải (50 tuổi), cụ Thảo Thơ (80 tuổi)... cùng làm chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam. Chiếc đèn cao gần 7 mét, đường kính đáy: 3m30, đường kính đèn: 2m70, vải sa tanh trắng cuốn xung quanh đèn: 70m2. Phần hộp đèn 6 cạnh (hình lục giác) ở trên sẽ dùng để quảng cáo tên các doanh nghiệp, lấy toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng hộ, đóng góp vào quỹ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em nghèo vượt khó. Phần quay trong đèn ứng dụng nguyên lý khí động học (đốt nến) làm quay vòng tròn hình ảnh vua Hùng dựng nước, Thánh Gióng, Bà Trưng cưỡi voi ra trận, chim Lạc, chú Cuội chơi trăng... Nguyên liệu làm bằng giấy bồi và lát tre mỏng. Phần ở dưới đèn sẽ dán tranh dân gian Đông Hồ. Trọng lượng của đèn: 300kg. Đế đèn cao 1m, mỗi cạnh hình lục giác đế đèn sẽ treo một chiếc đèn kéo quân nhỏ ở dưới (đèn nhỏ cao 0,5m). Trên đỉnh đèn có cắm ngôi sao vàng 5 cánh chiều dài: 1,5m, chiều rộng 1,5m. Dự tính kinh phí làm đèn kéo quân: 25.000.000đ. Vào ngày 14 tháng 8 Âm lịch chiếc đèn sẽ được trưng bày tại vườn hoa thị xã Hà Đông, và đúng đêm Trung thu chiếc đèn khổng lồ này sẽ được trưng bày tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Toàn bộ số tiền thu được sau khi bán chiếc đèn này cũng sẽ được đóng góp vào quỹ ủng hộ trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.

Bài và ảnh: HOÀNG NAM