QĐND Online - Sáng 9-12, trời Đà Nẵng mưa lất phất, không khí mát và trong lành khiến các vận động viên tỏ ra tự tin hơn với chặng 6, vượt đèo...

Cuộc đua của những nghĩa cử cao đẹp

Như các chặng trước, từ sáng sớm, điểm làm lễ xuất phát và trao quà, giải cho các vận động viên đã tập trung đông người dân, lực lượng vũ trang và các lực lượng hỗ trợ. Ông Lê Phú Hiểu, 81 tuổi, (người dân phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) mặc áo mưa, đạp xe ra Cung Thể thao Tiên Sơn từ sáng sớm. Ông tâm sự: "Là người mê đua xe đạp nên tôi rất vui mừng khi thể thao nước nhà đã và đang tổ chức nhiều giải đua. Tôi vui mừng hơn khi biết đây là cuộc đua xe đạp xuyên Việt đầu tiên từ Cà Mau đến Cao Bằng, là cuộc đua về nguồn với nhiều hoạt động xã hội, trao quà, học bổng đầy ý nghĩa. Cuộc đua này thật đáng quý. Với tôi, đây là "cuộc đua của những nghĩa cử cao đẹp".

Tranh tài tại TP Đà Nẵng.

Chứng kiến lễ trao giải và trao quà tình nghĩa, học bổng, Trung sĩ Huỳnh Quốc Ngọc, Tiểu đoàn Trinh sát 32, Bộ Tham mưu Quân khu 5 bày tỏ: Theo dõi thông tin và hoạt động của cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt -2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam", chúng tôi thấy đây thực sự là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Càng ý nghĩa hơn khi mỗi chặng dừng chân, mặc dù còn nhiều công việc, Ban tổ chức vẫn tiến hành những hoạt động trao quà tình nghĩa, trao học bổng, đến tận nhà thăm hỏi gia đình chính sách, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân mỗi địa phương đoàn đua đi qua. Việc này giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của công tác dân vận, để từ đó bảo nhau có trách nhiệm và tích cực hơn trong công tác dân vận mỗi khi có khả năng và điều kiện.

Càng đi, cuộc đua càng có nhiều hoạt động chính sách, nghĩa tình, giúp cho hành trình của cuộc đua thêm ý nghĩa. Các vận động viên tham gia cuộc đua cũng ngày càng cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa chính trị, xã hội, thể thao của giải đua lần này. Vận động viên Nguyễn Bá Phát (đội Quân đội 2) cho biết, đây là lần đâu tiên được tham gia một giải đua có hoạt động tình nghĩa và có ý nghĩa chính trị, xã hội và thể thao lớn như lần này. "Tôi có cảm giác hoàn toàn khác so với những cuộc đua đã từng tham dự. Vừa phấn chấn, vừa vinh dự, vừa thấy quyết tâm và trách nhiệm cao hơn. Đây là một kinh nghiệm tốt để tôi rèn luyện, điều chỉnh tinh thần của mình cho những cuộc đua tiếp theo trong sự nghiệp thể thao của mình".

Đèo cao thì mặc đèo cao...

Qua một ngày nghỉ ngơi, tinh thần và sức khỏe của các vận động viên đã được điều chỉnh về trạng thái tốt sau 5 chặng đua quyết liệt, căng thẳng. Đây là sự sắp xếp hợp lý của Ban tổ chức để các vận động viên có thể lực tốt nhất cho việc chinh phục đèo cao (Hải Vân, Phước Tượng, Phú Gia).

Chinh phục đèo Hải Vân.

Chặng đua này được các chuyên gia nhận định là chặng đua quyết định, dẫn đến sự thay đổi thứ hạng giữa các cua-rơ và các đội. Sau 5 chặng "im lặng", ở chặng này, đội tuyển Lào bắt đầu "lên tiếng". Trước khi xuất phát, vận động viên Hari Fitrianto cho biết, ê-kíp của đội xác định sẽ tích cực hỗ trợ bằng được để có một thành viên trong ê-kíp đạt được thứ hạng cao trong chặng này. Và để làm được điều đó, trước tiên, các vận động viên phải bám sát các đội khác.

Huấn luyện viên Trịnh Hoài Anh (đội Quân đội 1) cho rằng, ở chặng 6 thế mạnh thuộc về các đội có nhiều vận động viên có sở trường leo đèo. Đặc biệt là đội Đồng Tháp với một dàn 5 cua-rơ leo đèo, trong khi các đội khác chỉ có từ 2 tới 3 vận động viên leo đèo tốt. Tuy nhiên, chặng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, bởi lẽ, khi chặng chinh phục đèo này, thời tiết khá mát mẻ nên thích hợp với những vận động viên có tố chất tốt trong thời tiết bất thường.

Đúng như nhận định và sự quyết tâm của các chuyên gia, cua-rơ, chặng đua đã diễn ra rất quyết liệt. Bắt vào đoạn leo đèo Hải Vân, ưu thế của các vận động viên có khả năng leo đèo tốt đã được thể hiện. Các vận động viên không còn bám đuổi nhau theo tốp đông mà khoảng cách giữa các vận động viên ngày càng kéo dài. Các vận động viên đã tấn công ngay trên các đoạn đèo dốc, khiến cho những vận động viên dẫn đầu dần bỏ xa các vận động viên phía cuối. Được đồng đội hỗ trợ, cua-rơ Ariya Phounsavath đã nỗ lực tấn công, tăng nhanh tốc độ leo đèo, buôc các vận động viên khác phải nỗ lực bám theo. Tuy nhiên cua-rơ này đã không thành công ở đoạn gần đỉnh đèo, để 2 vận động viên khác vượt qua. Và bất ngờ đã xảy ra khi vận động viên Loic Desriac đội ADC-Truyền hình Vĩnh Long giành hạng nhất leo đèo Hải Vân. “Vua leo núi” của Việt Nam, cua-rơ Lê Ngọc Sơn (đội Dược Domesco Đồng Tháp 1) chỉ về thứ hai và Ariya Phounsavath về thứ ba.

Lê Văn Động lần thứ hai lập công.

Sau đèo Hải Vân, các vận động viên tiếp tục đua tài đoạn từ thị trấn Lăng Cô về TP Huế, vượt qua hai đèo Phú Gia và Phước Tượng. Bất chấp trời mưa, rét, đường trơn, các cua-rơ vẫn nỗ lực tấn công nhưng không thành công và về đích chùm.

Bằng cú rút đích uy lực, vận động viên Lê Văn Động đội VTV Cần Thơ đã thành công cán đích đầu tiên, lần thứ hai lập công cho đội VTV Cần Thơ (lần đầu về nhất chặng 1). Về sát ngay sau là vận động viên Đỗ Tuấn Anh đội Dược DOMESCO Đồng Tháp 1 và về thứ ba là vận động viên Nguyễn Thành Tâm của đội An Giang-Hạt Ngọc Trời.

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG

 Lê Văn Động đội VTV Cần Thơ lần thứ hai lập công

 Chặng 6 Cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt - 2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam": TP Đà Nẵng - TP Huế

Chặng 6 qua đèo Hải Vân hứa hẹn nhiều kịch tính
Chuyện bên lề 
Cuộc hành tiến thời bình

* Chặng 4 Cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam": TP Phan Rang - TP Nha Trang  

* Chặng 3 Cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt - 2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam": VĐV Trần Văn Quyền, đội Quân đội 1 về Nhất

* Nức lòng quân dân

* Hành trình xanh

Gắng hết sức cho chặng đua về tỉnh nhà

 Chặng 1, Cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt - 2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam": Lê Văn Động đội VTV Cần Thơ về Nhất

Khai mạc Cuộc đua xe đạp "Xuyên Việt - 2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam"

Sẵn sàng cho giờ "G"