Mỗi thời đại văn hóa đều có con người văn hóa tương ứng, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể, đồng thời vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Ở thời của hội nhập văn hóa hôm nay, triết học đang khẩn trương xác lập một mô hình con người văn hóa hiện đại. Ở phương diện văn học nghệ thuật thì cái tên gọi cho mô hình ở lĩnh vực này là con người văn hóa mang phẩm tính nghệ sĩ.

1. Trong bối cảnh thời đại thông tin bùng nổ, vấn đề toàn cầu hóa diễn ra chóng mặt thì “đối thoại văn hóa” trở thành khái niệm trung tâm của văn hóa học đương đại, bởi đó là đặc điểm cơ bản cũng là nhu cầu thiết yếu, cấp bách, thường trực của các cá nhân, các cộng đồng. Quan niệm đối thoại là bản chất cuộc sống đã có tiền đề từ triết học Mác: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Để xây dựng “những mối quan hệ xã hội” chính là đối thoại. Không ngẫu nhiên hiện nay ở phương Tây rất quan tâm đến học thuyết Mác, bộ “Tư bản” được tái bản liên tục với số lượng lớn và bán rất chạy. Cũng không ngẫu nhiên nhân loại coi thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa bởi cả thế giới đang cần đến đối thoại, và chỉ có đối thoại mới làm con người xích lại gần nhau, chia sẻ, hợp tác, hữu nghị… Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Đối thoại tạo ra sự phản ứng, phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới… từ các bên. Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được làm chủ mình rồi làm mới mình.

Người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm là một cách tham gia đối thoại sâu sắc nhất, với văn hóa truyền thống, với cuộc đời, với nhân vật, với độc giả (trong nước, ngoài nước) và với cả chính mình… Trước nay cả phương Đông lẫn phương Tây đều gọi những nghệ sĩ lớn là “đại thụ”, từ một sự liên tưởng là cây xanh thì bao giờ cũng phải cắm rễ sâu vào đất để hút dinh dưỡng và vươn cao lá cành để quang hợp ánh sáng. Cây đại thụ ấy cắm những nhánh rễ khỏe khoắn vào mảnh đất văn hóa truyền thống và được quang hợp ánh sáng tư tưởng mới mẻ của thời đại nên cường tráng lực lưỡng. Cây xanh khẳng khiu còi cọc như nghệ sĩ non bấy chỉ tạo ra được “tác phẩm” èo uột, vô hồn vì thiếu dưỡng chất văn hóa và không có tư tưởng. Mà không có tư tưởng thì không thể tạo ra được tiếng nói riêng để đối thoại.

Một buổi luyện tập của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Ảnh: ANH THẢO.

2. Văn học nghệ thuật luôn là lĩnh vực sáng tạo tinh thần đặc biệt gắn chặt với cái tôi người nghệ sĩ. Vì trước hết đây là lĩnh vực đòi hỏi sự phát huy cao độ của cá tính. Mà cá tính là cái riêng, nổi trội để tạo ra tiếng nói riêng, giọng điệu riêng. Nghệ thuật quý ở cái riêng, cái khác lạ. Mỹ học đương đại rất coi trọng điều này, thế nên có hẳn hướng nghiên cứu “mỹ học của cái khác”, có khác thì mới được thế giới chú ý. Nhưng phải là cái riêng, cái khác của cá tính sáng tạo, tức là phải tạo ra cái mới, tiến bộ, phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ nâng đỡ con người. Người nghệ sĩ cống hiến cho xã hội không bằng số lượng của cải vật chất, mà bằng các giá trị tinh thần, làm mới các giá trị tinh thần. Thứ hai, năng khiếu sáng tạo đòi hỏi sự nhạy cảm, nhất là nhạy cảm trước những biến động xã hội. Người nghệ sĩ như cái cần ăng-ten thu phát những tín hiệu đổi thay của cuộc sống. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có một sức đề kháng, một “bộ lọc” hoàn hảo để thu phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh nên có người vô tình bị kẻ xấu lợi dụng mà trở thành cái loa tuyên truyền, gieo rắc những mầm mống tiêu cực. Thứ ba, về bản chất thì nghệ thuật là sự sáng tạo ra một “cuộc sống thứ hai”, cuộc sống này thoát thai từ cuộc sống thực, nhưng chỉ là mô hình chứ không phải bản thân đời sống thực. Có bao nhiêu tác phẩm là có bấy nhiêu mô hình, có cái giống, có cái khác, lại có cái xa lạ, thậm chí ngược với đời sống. Vì lẽ này mà tiếp nhận văn học nghệ thuật luôn là vấn đề phức tạp, tế nhị, thậm chí phải đợi thời gian tính bằng trăm năm để có câu trả lời thỏa đáng. Có mô hình bị ngợi ca vô lối thổi phồng quá mức, có mô hình bị hiểu nhầm, hiểu sai… Cũng vì lẽ này mà nhân loại luôn đề cao những văn nghệ sĩ chân chính là “lương tâm của thời đại” có chức năng phản biện, phán xét, điều chỉnh bước đi của lịch sử, suy nghĩ của nhân loại…

3. Đảng ta thấu hiểu bản chất sáng tạo của nghệ sĩ nên khẳng định sự “Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo” và đánh giá rất cao vai trò văn nghệ sĩ mang sứ mệnh người chiến sĩ để “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008). Như vậy Đảng luôn mở ra chân trời sáng tạo cho văn nghệ sĩ, dù đất nước còn khó khăn nhưng đã cố gắng cao nhất để tạo ra một môi trường cái tôi đặc thù cho nghệ sĩ sáng tác vì mục tiêu nghệ thuật là làm nên những giá trị mới để góp phần làm giàu thêm tài sản văn hóa dân tộc. Nhưng cũng là một công dân nên nghệ sĩ vẫn phải ý thức được trách nhiệm sáng tạo theo tinh thần phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, khẳng định cái tiến bộ, tích cực, chống lại cái ác, cái xấu, cái lỗi thời, cái phản động. Nói theo quan điểm của triết học văn hóa thì nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm để đối thoại, đối thoại với các giá trị và phản giá trị, với nhân loại, với quá khứ và tương lai… Điều kiện đầu tiên để tham gia đối thoại một cách bình đẳng là hiểu biết. Là vị sứ giả văn hóa trong cuộc đối thoại toàn cầu nên  nghệ sĩ không chỉ hiểu biết rộng về văn hóa đương đại mà phải hiểu sâu văn hóa dân tộc. Có như vậy người nghệ sĩ mới thấu hiểu bản sắc văn hóa của đất nước mình để tham gia vào cuộc đối thoại chung. Nghệ sĩ hôm nay không sợ thiếu tự do sáng tạo mà chỉ sợ thiếu tài năng và tâm huyết. Quy luật muôn thời và muôn đời của nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết-vốn được coi là những điều cốt tử của sáng tạo-là bản lĩnh chính trị trong nghệ thuật, nhất là trong bối cảnh hội nhập có bao trường phái, bao khuynh hướng. Chắc chắn hướng sáng tạo phù hợp nhất là vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum suê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Thiếu tình yêu nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu luôn tìm đến tình yêu. Người nghệ sĩ có yêu nghệ thuật hết lòng, có đam mê phục vụ công chúng hết lòng thì “hữu xạ tự nhiên hương”, sẽ được tình yêu của công chúng đáp lại. Tình yêu và tài năng như hai cánh tay trong một cơ thể nghệ thuật, như hai cánh của con chim nghệ sĩ bay trong bầu trời văn hóa. Vì lẽ ấy mà việc tự bồi dưỡng giáo dục nhân cách văn hóa của người nghệ sĩ là cực kỳ quan trọng, để làm giàu thêm vốn sống, thêm tình yêu và tài năng, cũng là tạo cho cơ thể khỏe mạnh để thêm sức sáng tạo và sức đề kháng trước các yếu tố bất lợi của các luồng văn hóa ngoại lai.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ