Trong truyền thuyết của người Mông vùng Tây Bắc, xa xưa, trên trời có tới 9 mặt trời, 9 mặt trăng cùng chiếu sáng cho nên dưới trần gian con người không thể phân biệt được đâu là ngày, đâu là đêm. Cỏ cây, vạn vật, mùa màng không thể sinh sôi, phát triển được. Con người thì ốm yếu, đói kém. Từ đó, người Mông dưới trần gian mới chế tác ra cây nỏ để bắn hạ 8 mặt trời, 8 mặt trăng. Từ đó, trên trời chỉ còn 1 mặt trời, 1 mặt trăng, sự sống dưới trần gian trở lại bình thường.
Ông Lý Chiến Sách, dân tộc Mông, trưởng bản Mông Tổng Kim (Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Cây nỏ là vật dụng gắn với đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc, là vật không thể thiếu trong các nghi lễ trong đời sống tâm linh”.
Từ xa xưa, cây nỏ là công cụ được người Mông Tây Bắc chế tạo ra để làm vũ khí, làm công cụ săn bắn. Khi chưa có các dụng cụ đồ sắt, đồ đồng như bây giờ thì nỏ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người Mông. Cây nỏ được người Mông ở Tây Bắc làm từ thân gỗ, thường là các loại gỗ có mùi thơm đặc trưng để khi đi săn, thú rừng không phát hiện ra người.
 |
Cây nỏ là công cụ được người Mông Tây Bắc chế tạo ra để làm vũ khí, làm công cụ săn bắn. |
Lẫy nỏ làm bằng thân cây tre hoặc gỗ, hình giống thân nỏ nhưng nhỏ, vừa tầm tay của người bắn. Dây nỏ được làm từ các loại dây rừng bền, dẻo, chắc. Mũi tên được vót từ gốc cây tre già, tròn, một đầu để nhọn để nhằm trúng đích, đầu tiếp xúc với dây nỏ để bằng. Tùy theo kích thước của nỏ, người vót mũi tên sẽ quy định độ dài của mũi tên.
Tục bắn nỏ được đồng bào Mông vùng Tây Bắc duy trì từ xưa đến nay, nỏ được dùng trong cuộc sống thường nhật chủ yếu để săn bắn. Những người đàn ông dùng cây nỏ để săn bắn thú rừng trên rừng sâu. Vì thế, cây nỏ luôn đi liền với những chàng trai Mông khỏe mạnh, nó tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ, sự dẻo dai, bền bỉ của con người. Trong cuộc sống gia đình, cây nỏ là vũ khí bảo vệ cho cuộc sống được bình yên, xua tan đi những rủi ro bất trắc.
Vào ngày lễ hội, đặc biệt là lễ hội mùa xuân như Gầu Tào, Say Sán, đồng bào Mông tổ chức thi bắn nỏ cùng với các trò chơi khác như đánh quay, đua ngựa, múa khèn... Những tay nỏ giỏi được chọn từ các bản sẽ thi đấu bắn nỏ tại lễ hội. Thi bắn nỏ chủ yếu dành cho đàn ông, đôi khi, những người phụ nữ cũng thử sức tham gia thi bắn. Những người giành chiến thắng được xem như mang về sức mạnh, vinh dự và may mắn cho bản làng.
Cây nỏ trong đời sống tâm linh của người Mông vùng Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong tang ma. Khi tổ chức lễ tang, cây nỏ được treo trên vách nhà, cạnh quan tài người chết. Khi đưa tiễn người chết về với tổ tiên, cây nỏ được mang theo tượng trưng cho vũ khí bảo vệ linh hồn người chết (cùng với con gà - vật dẫn đường, con dao - vật để phát quang đường đi).
Trong lễ cúng họ của người Mông, thầy cúng sử dụng cây nỏ và con dao là vật xua đuổi tà ma, điều xấu. Trong lúc làm lễ cúng, thầy cúng sẽ dùng cây nỏ bắn lên trời ba mũi tên với mục đích xua đi tà ma, không cho chúng trở về làm hại con người.
Cây nỏ và tục bắn nỏ của đồng bào Mông ở Tây Bắc hiện nay vẫn giữ nguyên bản sắc, tập quán. Cây nỏ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây, nó không chỉ là công cụ lao động mà còn là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí chinh phục tự nhiên, mong muốn xua tan đi những điều xấu, những tai ương trong cuộc sống. Cây nỏ là biểu tượng cho văn hóa của đồng bào Mông từ trong truyền thống đến hiện tại.
Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG